Xử lý nợ xấu: Không nên chỉ là con số cơ học

Thứ Ba, 26/05/2015, 08:53
Bắt đầu cuộc “đại cách mạng” từ năm 2011, sau 4 năm chạy đua với thời gian, đến nay, công cuộc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có những kết quả khả quan. Các TCTD yếu kém đã được kiểm soát và xử lý đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại.

Nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi; tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội; các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý quyết liệt; hệ thống quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới đã được củng cố, chấn chỉnh một bước quan trọng.

Đáng chú ý, thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, thị trường ngân hàng đã được làm gọn với việc giảm 7 TCTD. Ngân hàng Nhà nước dự kiến trong năm 2015 sẽ tiếp tục xem xét, triển khai một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập, với sự tham gia của các ngân hàng thương mại Nhà nước; phấn đấu đến cuối 2015, hình thành được 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

Trong tất cả các vấn đề của ngành ngân hàng, nợ xấu luôn là điều được quan tâm hàng đầu. Sau 3 năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. 

Trong đó, tính lũy kế kể từ khi thành lập đến ngày 31/12/2014, VAMC đã mua trên 137 nghìn tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ trên 111 nghìn tỷ đồng. Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng TCTD nói riêng và hệ thống ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế nói chung.

Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,25% tổng dư nợ. Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu đã bắt đầu giảm liên tiếp và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2015, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ (tỷ lệ nợ xấu là 3,59%).

Song, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, diễn biến này mang tính quy luật khi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào tháng cuối năm, do tích cực xử lý nợ xấu, hiện vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của Ngân hàng Nhà nước. Mục tiêu của ngành ngân hàng là đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015.

Đưa ra khuyến cáo về xử lý nợ xấu, các chuyên gia cho rằng, nợ xấu đã được VAMC gom vào, hoặc nợ đã được cơ cấu không có nghĩa là nợ đã được giải quyết. 

“Từ giờ đến cuối năm đưa về mức này là quá đơn giản, vì hiện nay, mức nợ xấu của toàn hệ thống cũng chỉ còn ngấp nghé 3%. Song, điều tôi muốn nói rằng, 3% chỉ là con số cơ học. Giải quyết nợ xấu là phải cộng cả khoản nợ đang nằm ở VAMC, với 140 nghìn tỷ chưa giải quyết được, chứ không phải cứ đẩy hết sang VAMC rồi trừ khoản đó ra 3% là đủ. Đừng nặng về thành tích, hãy đi vào thực chất” - TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.

Lệ Thúy
.
.
.