Xóa cơ chế “xin - cho” trong khai thác khoáng sản

Thứ Hai, 08/03/2010, 17:06
Xuất phát từ công tác quản lý, cấp phép, sử dụng tài nguyên khoáng sản còn nhiều chồng chéo, kém hiệu quả hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đề xuất giải pháp theo hướng công khai, minh bạch việc khai thác tài nguyên khoáng sản tạo nguồn lực phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.
>> Cho DN "gạt đất bốc quặng" để tỉnh thêm nguồn thu

Nâng thuế tài nguyên, đấu giá quyền khai thác

Theo đó, sẽ thí điểm đấu giá quyền khai thác tài nguyên khoáng sản tiến tới áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước, tạo nguồn thu đóng góp ngân sách và tái đầu tư cho công tác khảo sát, thăm dò khoáng sản cũng như bảo vệ môi trường… Các vấn đề đất đai, tài nguyên nước, môi trường, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu… sẽ có thay đổi cơ bản trong cơ chế quản lý và điều hành theo hướng kinh tế hoá ngành Tài nguyên và môi trường.

Đã có thời kỳ, địa phương gọi doanh nghiệp vào khai thác mỏ không mấy người nhận. Nhưng nay, nhiều nước sẵn sàng bỏ tiền ra mua khoáng sản của Việt Nam về đào hầm chôn lấp, làm mỏ nhân tạo. Điều này cho thấy, nước ngoài đã nhìn thấy nguy cơ khủng hoảng tài nguyên khoáng sản đến rất gần. Đó cũng là lý do gia tăng các hoạt động khai thác trái phép, khiến chúng ta bị thất thoát tài nguyên.

Giải pháp để ngăn chặn, một mặt cần nâng cao thuế suất chính là để khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Ngoài ra, các nguồn tài nguyên khác cũng cần đánh thuế, chẳng hạn như tài nguyên nước mà lâu nay các công ty vẫn khai thác nước sạch để bán hoặc làm thuỷ điện không phải trả tiền. Mặt khác, phải thay đổi cung cách quản lý, cụ thể là dùng biện pháp kinh tế thay cho biện pháp hành chính đơn thuần, xóa tận gốc cơ chế "xin - cho" trong quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.

Áp dụng cơ chế đấu giá, những điểm mỏ trái phép sẽ không còn tồn tại.

Ông Nguyễn Thành Minh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ TN&MT cho biết: Sở dĩ đề xuất đấu giá quyền khai thác tài nguyên khoáng sản bởi thời gian qua công tác quản lý tài nguyên và môi trường tồn tại nhiều bất cập, để lộ kẽ hở cho lãng phí, tiêu cực. Trong khi đó, Nhà nước rất cần nguồn thu cho đầu tư phát triển lại không thu được hoặc thu không triệt để tại các lĩnh vực có tiềm năng rất lớn nêu trên.

Nói về điều này, Trưởng phòng Bảo vệ ANKT &VHTT Công an tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Không thể để một đơn vị được cấp phép quá nhiều mỏ, khai thác kiểu cầm chừng rồi bán mỏ biến tướng, đưa người nước ngoài vào phân chia lợi nhuận. Cũng không thể cấp phép cho doanh nghiệp không đủ năng lực mà thực chất là "tay không" vào hót tài nguyên quốc gia. Điều này chỉ có thể làm được qua đấu giá rộng rãi, công khai minh bạch trong hoạt động thu hút đầu tư.

Cơ chế quản lý mới sẽ hạn chế tối đa việc ban hành các văn bản dưới luật kiểu "… tất cả các trường hợp xin cấp phép hoạt động khoáng sản phải có ý kiến đồng ý của UBND tỉnh, thì Sở Tài nguyên và môi trường mới được tiếp nhận hồ sơ". Cách quản lý kiểu này, thực chất đã tạo ra cơ chế độc quyền, mang nặng tính "xin - cho" phiền nhiễu mà cơ quan Thanh tra Chính phủ đã làm rõ ở một số địa phương. Trong khi đó, quy định trong Luật Khoáng sản thì đã khá đơn giản, đó là điều đáng bàn.

Từng bước, công tác đấu giá đi vào thực tế như đã từng đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua. Khoản tiền thu được sẽ bồi đắp trở lại chi phí quy hoạch, thăm dò, khảo sát mỏ rất lớn do Nhà nước bỏ ra trước đó. Những khoáng sản thông thường hay vật liệu xây dựng không áp dụng cách đấu giá này, mà phân cấp cho địa phương quản lý theo hướng tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư…

Khai thác hiệu quả, phải bảo vệ môi trường

Điểm dễ nhận thấy, là chúng ta có nhiều mỏ khoáng sản nhưng phần lớn có quy mô vừa và nhỏ. Việc khai thác quy mô lớn không nhiều, lại do các doanh nghiệp tự thăm dò, tự khai thác nên việc chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản bộc lộ nhiều bất cập.

Thay đổi tình trạng này, hiện đã có cơ sở pháp lý là Nghị quyết 27/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT nghiên cứu đề xuất khung chính sách và xây dựng kế hoạch thực hiện trên nguyên tắc: Người sử dụng, hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải trả tiền; người gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên phải trả chi phí khắc phục và tái tạo.

Ngoài việc thí điểm đấu thầu khai thác tài nguyên khoáng sản, mức thu thuế tài nguyên khoáng sản sẽ tăng cho phù hợp với hiện nay khi sửa đổi Luật Tài nguyên khoáng sản; dùng biện pháp kinh tế để hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực môi trường, buộc các tổ chức và cá nhân gây nguy hại cho môi trường phải trả phí đủ để khắc phục hậu quả hoặc tái tạo lại môi trường. Thực hiện điều này bằng cơ chế thu ngân sách từ các hoạt động liên quan đến môi trường…

Với những đề xuất mang tính đột phá như trên, hy vọng ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tạo nguồn lực lớn đóng góp vào ngân sách, đồng thời hạn chế những tiêu cực. Nhưng để chấn chỉnh tình trạng này, thì yếu tố quan trọng là chính quyền các địa phương, nhất là cấp xã phải quyết liệt vào cuộc, không thể coi đó là việc của ngành Tài nguyên hay Công an như thời gian qua

T.Phong -T.Huy
.
.
.