Thực trạng đáng quan ngại trong phát triển điện sạch:

Xin dự án để “đắp chiếu”, chờ bán

Thứ Sáu, 29/05/2020, 07:27
Trong tổng công suất các dự án điện gió đã được duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực với tổng công suất 4.800 MW, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nam bộ và Nam Trung bộ, dự kiến đưa vào vận hành trước năm 2021, đến nay mới chỉ có 9 dự án được đưa vào vận hành với quy mô công suất vẻn vẹn 350MW… 


Trong khi tiêu chí xem xét thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án điện gió là sự thuận lợi về phương án đấu nối vào hệ thống điện Quốc gia; tiềm năng gió tại khu vực dự án đề xuất bổ sung quy hoạch; hiệu quả sử dụng đất của dự án đề xuất, đặc biệt là năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư… nhưng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió mới đây, Bộ Công Thương đưa ra thông tin hết sức lo ngại.

Theo đó, trong tổng công suất các dự án điện gió đã được duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực với tổng công suất 4.800 MW, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nam bộ và Nam Trung bộ, dự kiến đưa vào vận hành trước năm 2021, đến nay mới chỉ có 9 dự án được đưa vào vận hành với quy mô công suất vẻn vẹn 350MW…

Thời điểm này, mốc thời hạn năm 2021 chỉ còn 1,5 năm, những nhà đầu tư làm thật đang chạy nước rút để hoàn thành dự án nhằm được hưởng chính sách ưu đãi về giá điện. Song nhiều dự án còn lại vẫn khá im ắng và đang có dấu hiệu “đắp chiếu”.

Chưa đến 10% công suất quy hoạch được đưa vào vận hành trong khi các địa phương vẫn ồ ạt xin bổ sung dự án điện gió.

Trước nhu cầu sử dụng điện trên cả nước sẽ tăng gấp hơn 2 lần từ nay đến năm 2030, UBND các tỉnh tiếp tục ồ ạt đề nghị bổ sung quy hoạch điện gió với con số lên đến 250 dự án. Nhiều nhất phải kể đến khu vực Tây Nam bộ khi chỉ có 7 tỉnh nhưng đã đề xuất bổ sung tới 94 dự án.

Khu vực Tây Nguyên cũng vậy, dù chỉ có 5 tỉnh đề nghị bổ sung quy hoạch điện gió, nhưng đã có đến 91 dự án được các địa phương này đề nghị Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch phát triển nguồn điện trong những năm sắp tới. Đứng thứ 3 về số dự án điện gió được đề nghị bổ sung quy hoạch là khu vực Bắc Trung bộ khi chỉ có 3 tỉnh đề nghị bổ sung, thì số dự án điện gió đưa ra cũng lên đến con số 51 dự án.

Căn cứ vào nhu cầu sử dụng điện tăng rất nhanh từ nay đến năm 2025 và 2030, Bộ Công Thương đặt mục tiêu phát triển điện gió trên cả nước từ mức 1.010 MW trong năm nay lên mức 11.630MW vào năm 2025 và 18.230MW vào năm 2030. Trong khi đó, tổng công suất của hơn hai trăm dự án các tỉnh đang đề nghị bổ sung quy hoạch phát triển ngay trong những năm tới lớn hơn rất nhiều. 

Theo tính toán của Bộ Công Thương về hạ tầng truyền tải, tại khu vực Bắc Trung bộ hiện nay, riêng ở Quảng Trị đã có 16 dự án điện gió với tổng công suất 638 MW. Còn lại vài chục dự án với tổng công suất lên đến 2.612MW đang được đề xuất bổ sung quy hoạch với thời hạn hoàn thành đưa vào vận hành trước tháng 11/2021 trong khi tổng công suất có thể bổ sung quy hoạch và giải tỏa được cho cả khu vực này chỉ vào khoảng 941 MW.

Khu vực Tây Nam bộ cũng vậy, hiện đã có 32 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 2.000 MW nên hạ tầng truyền tải ở khu vực này cũng chỉ có thể giải tỏa thêm được 2.300MW trong khi các dự án đang được đề nghị bổ sung thêm có tổng công suất lớn hơn rất nhiều.

Tại khu vực Tây Nguyên, hiện tại đã có 13 dự án điện gió với tổng công suất 368 MW được phê duyệt. Theo tính toán của Bộ Công Thương, với các dự án điện gió đã được quy hoạch, hệ thống điện ở khu vực này đã tiềm ẩn rủi ro trong vận hành vào năm 2021. Nhưng số dự án đang được các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch có tổng công suất lên đến hơn 11.733 MW, trong đó tỉnh Gia Lai chiếm khoảng 71% và Đắk Lắk chiếm 23%. Do đó ngay cả khi cải tạo hạ tầng truyền tải ở khu vực này, thì đến năm 2021 cả khu vực cũng chỉ có thể giải tỏa thêm một lượng công suất rất nhỏ.

Đại diện một nhà đầu tư dự án điện gió cho rằng, tình trạng các địa phương đang ồ ạt xin dự án điện gió trên không chỉ dẫn đến tình trạng phát triển thiếu kế hoạch, nảy sinh hiện tượng “xin cho” dự án mà còn gây nguy cơ giành giật, tranh mua thiết bị điện từ một số đối tác nước ngoài. Nhìn lại số dự án điện gió đã cấp ra, đến nay chỉ có chưa đầy 10% công suất được các nhà đầu tư hoàn thành, đưa vào vận hành thì có thể thấy không ít trong số dự án đã được đưa vào quy hoạch nhưng còn đang “đắp chiếu”; nhà đầu tư xin làm dự án, xin xong để đó hòng tìm cách bán cho các đối tác và tình trạng này đã xảy ra ở một số địa phương.

Điều đáng lo ngại nhất là nhà đầu tư đua nhau xin dự án rồi chờ bán cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển dự án, khi đó chính sách khuyến khích về giá điện sạch doanh nghiệp trong nước đã không được hưởng.

Điển hình cho tình trạng này là vào tháng 3 vừa qua, Công ty năng lượng Thái Lan - Super Energy Corporation công bố thông tin đầu tư vào các dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3 và 4 ở tình Bình Phước với tổng công suất lắp đặt khoảng 750 MW. Những dự án này trước đó được cấp cho các doanh nghiệp trong nước có vốn pháp định rất ít chỉ ở mức một vài trăm tỉ đồng trong khi để làm dự án ngoài năng lực, kinh nghiệm, chủ đầu tư cần phải có nguồn vốn một vài ngàn tỉ đồng.

Để trở thành chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư nước ngoài trên bắt đầu bằng việc sở hữu cổ phần, sau đó thâu tóm toàn bộ dự án. Doanh nghiệp trong nước chưa bỏ chi phí gì nhiều, nhưng đã thu về tới vài chục triệu USD. Do đó, để đảm bảo kế hoạch phát triển nguồn điện đúng tiến độ, Bộ Công Thương và các tỉnh cần rà soát ngay các dự án đã được quy hoạch nhưng chưa triển khai. 

Đồng thời với các dự án điện gió đang xin bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương và các tỉnh cần thẩm tra kỹ về năng lực của doanh nghiệp xin đầu tư dự án cũng như đưa ra những cam kết, ràng buộc, nhất là về lộ trình thực hiện để tránh tình trạng doanh nghiệp xin đầu tư dự án rồi “đắp chiếu” để đó chờ bán.

Bảo Sơn
.
.
.