Xét xử 1 giám đốc tham ô hơn 1,4 tỷ đồng

Thứ Ba, 01/04/2008, 14:59
Ngày 31/3, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên toà xét xử vụ án Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại chi nhánh Công ty Nông nghiệp Hải Phòng (Hamexco) tại TP HCM đối với nguyên Giám đốc Vũ Hồng Phương và hai nhân viên dưới quyền Vương Thị Thúy Vân (nguyên kế toán công ty) và Lê Mậu Chí Trung (nguyên thủ quỹ).

Tháng 2/1999, Phương ký hợp đồng kinh tế mua của DNTN Thanh Thảo 54 tấn cà phê thành phẩm với giá 21 triệu đồng/ tấn sau đó xuất khẩu toàn bộ số cà phê này cho Công ty Louis (Luân Đôn) bằng giá bán trên thị trường Luân Đôn vào thời điểm tháng 7/1999 trừ đi 195 USD.

Do phương thức kinh doanh theo giá fix (giao hàng trước, chốt giá sau) còn mới nên khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu đòi hỏi phải có hóa đơn GTGT và lập tờ khai hải quan ghi giá của lô hàng, Phương đã chỉ đạo cho bộ phận kế toán thành lập hai hồ sơ: một để làm thủ tục hải quan và hoàn thuế GTGT. Đến cuối tháng 8/1999, là thời hạn cuối cùng bắt buộc phải chốt giá, Phương đành bán 54 tấn cà phê ra thị trường và thu về chỉ được 782 triệu đồng, chịu lỗ hơn 351 triệu đồng, chưa kể phí xuất khẩu, phí ngân hàng, lãi suất tiền vay và chi phí quản lý.

Hoạt động chỉ dựa theo sự may rủi, vì vậy trong năm 2000, chi nhánh tiếp tục bị lỗ nặng (có tới 38 hợp đồng được thể hiện trong hồ sơ bị lỗ) với số tiền lên tới gần 3,3 tỷ đồng nhưng Phương và Vân vẫn lập quyết toán báo cáo lãi.

Để che giấu việc kinh doanh lỗ và việc kinh doanh theo giá fix, thực hiện việc chỉ đạo của Phương, Vân đã không điều chỉnh số tiền chênh lệch giữa doanh thu tạm tính ban đầu của các hợp đồng xuất khẩu cà phê theo giá fix và giá bán thực tế sau khi chốt giá mà hạch toán treo nợ khống khách hàng nước ngoài và lập ra 32 phiếu thu khống 3,6 tỷ đồng chênh lệch doanh thu còn lại để công ty tin rằng các khoản khách hàng nợ là có thực (sẽ thu hồi được).

Với việc áp dụng phương thức kinh doanh giao hàng trước, chốt giá bán sau như trên, trong các năm 2001, 2003, 6 tháng đầu năm 2004 chi nhánh tiếp tục lỗ hơn 1,3 tỷ đồng.

Như vậy, tính từ năm 1999 đến tháng 7/2004, tổng cộng số tiền mà Phương và đồng bọn đã gây thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng (trong đó nợ vay của Ngân hàng TMCP Đông Á - chi nhánh quận 1 gần 4,4 tỷ đồng, vay công ty mẹ hơn 1 tỷ đồng).

Ngoài ra, cũng trong năm 2002, Phương đã nhiều lần chỉ đạo cho Trung xuất quỹ chi nhánh giao tiền cho Phương nhưng không lập chứng từ với tổng số tiền 900 triệu đồng. Phương nói dối với nhân viên là dùng số tiền này để chi phí cho hoạt động của chi nhánh và sẽ cung cấp chứng từ sau.

Để che giấu việc lấy số tiền trên, tháng 11/2002 Phương ký hai hợp đồng kinh tế với DNTN Nam Tuấn (do Phương thành lập nhưng để em ruột là Vũ Văn Nam đứng tên) mua 115 tấn cà phê sau đó chỉ đạo cho Vân, Trung ký phiếu chi ứng 900 triệu đồng mua cà phê.

Bằng hình thức trên, Phương đã nhiều lần rút tiền của công ty với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Tháng 10/2006, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đã xử phạt Phương 13 năm tù giam về tội Tham ô tài sản. Với hành vi phạm tội như trên, HĐXX đã xử phạt Phương 7 năm tù giam; tổng hợp bản án năm 2006, Phương phải chịu hình phạt chung là 20 năm tù; Vân: 3 năm 6 tháng 5 ngày tù và Trung: 3 năm tù cùng về tội Cố ý làm trái.

Đây có thể xem là bài học cho các giám đốc kinh doanh chỉ dựa trên sự may rủi, bất chấp nguyên tắc bảo toàn vốn của Nhà nước

A.Huy
.
.
.