Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2013:

Xây dựng cơ chế cho người nghèo vay mua nhà

Thứ Bảy, 30/03/2013, 13:21
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo người nghèo, người thu nhập thấp được vay mua nhà lãi suất thấp, thời hạn vay dài...

Điểm nổi bật tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2013 (ngày 29/3) được các thành viên Chính phủ đánh giá là sự khởi sắc về tốc độ tăng trưởng, giá cả, thị trường khá ổn định, GDP tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, ước tăng 4,89%. Bên cạnh đó, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tỷ giá, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh tăng trở lại, đã có xuất siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của Nhà nước.

Theo ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ, cần tiếp tục kiên định việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì đà phục hồi tăng trưởng… Đây là những điều kiện tiên quyết cho nền kinh tế phát triển vững chắc. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng giảm, cần tiếp tục hạ lãi suất tín dụng.

Chính phủ tạo điều kiện để người nghèo có điều kiện vay mua nhà ở, lãi suất thấp.  Ảnh: CTV.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, phải kiên định các giải pháp đề ra, thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng ở mức 5,5% của năm 2013, giữ lạm phát thấp hơn năm 2012. Theo đó, trước hết cần dành ưu tiên cho thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế có hiệu quả để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tăng dư nợ tín dụng, đưa tín dụng vào sản xuất, kinh doanh...

Thủ tướng yêu cầu xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao tạo giá trị gia tăng lớn và công nghiệp phụ trợ. Tăng cường các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA… Tiếp tục triển khai quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, bao gồm tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính.

Về đề xuất của các thành viên Chính phủ liên quan đến thị trường bất động sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất thấp và thời hạn vay dài. Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến đề xuất của một số thành viên Chính phủ về chủ trương cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam trên cơ sở các quy định quản lý chặt chẽ, tránh các tiêu cực xã hội có thể phát sinh. Các bộ, ngành địa phương phối hợp hiệu quả trong thực hiện lộ trình tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ, song phải tránh tác động gây tăng CPI đột biến cũng như những tác động bất lợi đến nền kinh tế.

Tại phiên họp báo chiều tối cùng ngày, nhiều ý kiến lo ngại việc liên Bộ Tài chính, Công thương đồng ý cho doanh nghiệp tăng giá xăng dầu ở mức cao. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam lý giải, hiện các bộ đang điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84.

“Hôm qua, Bộ Tài chính, Công thương thống nhất tăng giá xăng dầu, với lý do hiện giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn giá xăng dầu các nước lân cận. Đó chỉ là một lý do nhưng không phải lý do chính. Lý do chính là giá xăng dầu hiện bán thấp hơn giá cơ sở, quỹ bình ổn hết. Dù gần đây giá xăng dầu thế giới có biểu hiện đi xuống nhưng vẫn thấp hơn giá cơ sở” - ông Đam nói.

Về câu hỏi tại sao giá xăng dầu thế giới đang xu hướng giảm, ta lại tăng, ông Đam giải thích: Giá xăng dầu thế giới cũng có những quy luật, đó là giữa tháng 3 trở đi, khi thời tiết ấm lên, giá sẽ không căng thẳng nữa, có xu hướng đi xuống. Việc điều chỉnh giá xăng dầu, nếu đúng quy định thì đã tăng từ tháng trước nhưng để bình ổn giá, khi đó Chính phủ quyết định chưa tăng.

Người dân rất sẵn sàng nếu sang tên đổi chủ phương tiện đơn giản, phí rẻ

Liên quan việc chuyển đổi sở hữu phương tiện giao thông làm nóng dư luận, tại phiên họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, hiện chúng ta đã có quy định, người có xe cơ giới thì phải đăng ký sở hữu. Bộ luật Dân sự cũng quy định như vậy để bảo đảm quyền sở hữu tài sản của người dân.

Đối với phương tiện giao thông, liên quan an toàn giao thông, cũng có những trường hợp sử dụng phương tiện này để phạm tội, nên cần phải đăng ký chủ phương tiện. Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công an, Tài chính, GTVT phải có giải pháp cụ thể để giải quyết được tình hình này. Hiện, chúng ta có trên 10 triệu xe máy không sang tên đổi chủ. Lỗi này do hai phía, cả người dân và cơ quan quản lý. “Nhưng để thực hiện được số lượng lớn như vậy phải có thời gian và không được gây khó khăn cho nhân dân. Tôi được biết, sau khi báo chí nêu, hai bộ đã có trao đổi, bàn bạc vấn đề này” - ông Đam nói. Hiện, dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ sẽ xem xét cụ thể, sao cho vừa quản lý được xã hội, nhưng phải tạo thuận lợi cho người dân. Làm sao để người dân có ý thức từ nay phải chuyển đổi chủ sở hữu.

Ông nói thêm: “Tôi hỏi nhiều người, rằng nếu chuyển đổi thủ tục đơn giản, chi phí thấp thì ai cũng muốn chuyển đổi để đảm bảo quyền sở hữu phương tiện, trừ trường hợp chuyển quá nhiều lần, thất lạc giấy tờ”. Hành vi đó có thể quy định ở Nghị định này, hay Nghị định khác, sao cho phù hợp, nhưng phải được quy định trong văn bản pháp luật. Trường hợp này liên quan Bộ GTVT, Bộ Công an, Chính phủ sẽ bàn và bỏ phiếu tập thể.

Liên quan câu hỏi về mã số định danh giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam lý giải: Xây dựng mã số định danh đã được nghiên cứu từ lâu. Quan điểm là nghiên cứu xây dựng mã số này, không đơn thuần liên quan dân cư, mà nếu xử lý tốt sẽ phục vụ tốt cho quản lý bằng điện tử. Việc này không chỉ liên quan Bộ Công an hay Tư pháp, mà nhiều lĩnh vực khác.

Đ.Trường
.
.
.