Xăng tiêu dùng thì thiếu, xăng buôn lậu dồi dào

Thứ Hai, 10/12/2007, 08:05
Với mức chênh lệch giá từ 3-4 ngàn đồng/lít, xăng dầu được lực lượng cửu vạn trên tuyến biên giới Tây Nam tích cực tuồn qua biên giới với số lượng lớn. Điều trái khoáy là xăng dầu qua biên giới thì tràn ngập, còn xăng dầu phục vụ cho cư dân vùng giáp biên sau lũ lại khan hiếm nghiêm trọng. Nhiều cửa hàng xăng dầu đã thẳng thừng từ chối nhu cầu mua lẻ của người dân.

Hừng hực không khí buôn bán vượt biên

Theo dân chuyên vận chuyển xăng dầu lậu, thông thường thời điểm từ tháng 11 đến Tết là mùa ăn nên làm ra. Chỉ một ngày đi trên tuyến biên giới Kiên Giang, An Giang, chúng tôi đã choáng ngợp trước hình ảnh của dòng thác cõng xăng dầu vượt biên.

Từ cầu Hữu Nghị (Tịnh Biên-An Giang) xuôi kênh Vĩnh Tế ra Kiên Lương (Kiên Giang), nhan nhản hình ảnh những chiếc ghe chất đầy can xăng dầu chạy với tốc độ bạt mạng. Tập trung nhất là khu vực thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên) và Tân Khánh Hoà (Kiên Lương).

Có mặt tại hai điểm nóng này vào lúc chạng vạng tối, vẫn nhìn thấy những chiếc vỏ lãi đầy xăng dầu vọt qua biên giới. Còn tại Kiên Lương, địa bàn nóng nhất thuộc về đoạn sông Hà Giang chảy qua địa phận ấp Khánh Hoà, xã Tân Khánh Hoà, huyện Kiên Lương.

Tại một cửa hàng xăng nằm trên tuyến quốc lộ N1, liên tục những chiếc xe gắn máy mang biển số Campuchia sau khi chất đầy xăng, dầu đã nhanh chóng chẽ vào những tuyến đường đất đỏ chạy thẳng ra điểm tập kết hàng tại bến sông Giang Thành là coi như kết thúc hành trình hàng lậu, bởi bên kia bến sông rộng chưa đầy 30 mét vào mùa nước nổi đã là địa phận nước bạn.

Còn tại An Phú (An Giang), không khí buôn bán vượt biên giới đã phả "hơi nóng" xuống tận nội biên. Tại cửa hàng T.V cách đường biên hơn chục cây số, nhưng vẫn nhộn nhịp cảnh buôn bán lớn với la liệt can nhựa chờ nạp xăng. Xăng nạp đầy, những can xăng được chuyển nhanh lên xe bagác, đeo lủng lẳng hai bên sườn xe thồ... và cứ thế xuyên thẳng lên biên giới. Số hàng hoá này được cho xuống bãi tập kết nằm ven sông Bình Di, chạy dài qua các xã: Khánh Bình, Khánh An... sau đó chuyển qua nửa con sông Bình Di rộng chưa đầy 20 mét là xem như đã đến Campuchia.

Do bận tập trung cho những chuyến bán buôn với số lượng lớn nên nhiều cây xăng trên biên giới Tây Nam đã tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo, đẩy nhiều cư dân biên giới vào thế "khát xăng" trầm trọng.

Theo phản ánh và ghi nhận thực tế của PV, có nhiều trường hợp chủ cửa hàng đã thẳng thừng từ chối người dân tại địa phương đến mua lẻ xăng dầu về phục vụ sinh hoạt. Thậm chí nhiều cửa hàng còn đóng cửa (không bán buôn) cả ngày để dưỡng sức phục vụ bán thâu đêm cho lực lượng buôn lậu.

Tình trạng này không chỉ gây bức xúc cho một vài cá nhân người dân, mà còn trực tiếp gây trở ngại cho đời sống sinh hoạt của cả cộng đồng cư dân biên giới. Bởi lũ đang rút dần, nhu cầu xăng dầu để bơm rút nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên thực tế là rất lớn 

Theo Lao động
.
.
.