Xăng dầu đang có lãi, sao không giảm giá?

Thứ Sáu, 25/07/2014, 12:02
Trong những lần điều chỉnh giá từ đầu năm tới nay, giá xăng chỉ luôn theo một chiều tăng không có giảm. Đáng chú ý, theo biểu giá tính bình quân, doanh nghiệp xăng dầu (DN) đang có lãi, và Quỹ bình ổn giá (BOG) đang dư cả nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường giá cả tăng cao, nhưng giá xăng vẫn chưa có động thái giảm.

Xăng neo giá, nặng gánh người tiêu dùng

Theo Bản tin của công ty chuyên cung cấp tình hình xăng dầu cho biết, giá xăng bán lẻ tại Mỹ trượt tới mức thấp nhất trong gần 4 tháng. Giá xăng tại Mỹ 22/7 trung bình là 3,593 USD/gallon, giảm 4,2 cents so với tuần trước và đây là mốc thấp nhất kể từ ngày 31/3. Mức giá này cũng dưới 2,4% so với năm 2013. Còn theo thông tin DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam, bình quân giá 30 ngày tính đến 23/7 của mặt hàng xăng Ron A92  là 122.26 USD/ thùng, mặt hàng dầu DO 120.29 USD/thùng.  Trước đó nữa, ngày 21/7 giá xăng thành phẩm ở thị trường Singapore, nơi Việt Nam nhập khẩu giảm mạnh về 117.02 USD/thùng. Mức giá này nếu đem đối chiếu với văn bản điều hành giá ngày 18/7 của Bộ Tài chính, khi giá xăng, dầu thành phẩm thế giới bình quân 30 ngày từ ngày 18/6/2014 đến 17/7/2014 là xăng RON 92: 122,929 USD/thùng; dầu diezel 0,05S: 121,063 USD/thùng, thì rõ ràng DN kinh doanh xăng dầu đang có lãi. Mức lãi so sánh với giá cơ sở tính theo chu kỳ tính giá bình quân của 30 ngày cộng lại, thì DN xăng dầu đang lãi 158 đồng/lít đối với mặt hàng xăng Ron A92, còn chu kỳ tính giá 15 ngày DN đang lãi đến 528 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng liên tục khiến người tiêu dùng nặng gánh. Ảnh: Thiện Hoàng.

Cùng với giá xăng đang có lãi, theo công bố của Bộ Tài chính, Quỹ BOG đến hết quý II/2014 ước khoảng 1.594,749 tỷ đồng. Như vậy, so với mức 842 tỷ đồng vào cuối quý I/2014, thì số dư Quỹ BOG đã tăng thêm gần gấp đôi. Trong số 19 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, “ông lớn” Petrolimex có số dư “khủng” nhất, hơn 1.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, giá bán lẻ trong nước vẫn không chịu giảm sau khi được điều chỉnh tăng nhanh, lập đỉnh mới ở mức 25.640 đồng/lít. Điều đáng nói, vì xăng dầu là mặt hàng “đầu vào của đầu vào”, nên xăng dầu tăng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 7 tăng 0,23% so với tháng trước và 1,62% so với cuối 2013. Ngành hàng bị tác động trực tiếp vì giá xăng dầu tăng là giao thông, khiến chỉ số nhóm này tăng tới 0,44% so với tháng trước. Bên cạnh đó, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao hơn 0,26%, và các nhóm hàng khác đều có mức tăng dưới 0,24%. Với mặt hàng thực phẩm, giá tại hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tăng lên, trong đó giá thịt lợn tại Hà Nội tăng khoảng 10%. Lý do tăng giá mà các tiểu thương đưa ra là các lò mổ chủ động tăng giá do xăng tăng khiến cước vận chuyển và một số chi phí cao hơn.

Như vậy, rõ ràng giá xăng dầu liên tiếp tăng đang là gánh nặng thực sự lên vai người tiêu dùng. Vì vậy, câu hỏi bao giờ xăng giảm giá luôn được tất cả mọi người đặt ra. Bản thân các chuyên gia trong ngành giá đều khẳng định, giá xăng luôn tăng nhanh nhưng điều chỉnh giảm quá chậm. Liên Bộ Tài chính – Công thương luôn duy trì quan điểm: giá xăng thế giới có xu hướng giảm nhưng diễn biến phức tạp và điều hành giá xăng dầu trong nước luôn bám sát Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Giá xăng dầu tăng liên tục khiến người tiêu dùng nặng gánh. (Ảnh minh họa).

Quỹ bình ổn giá: Tiền dân nhưng doanh nghiệp hưởng?

Đó là một điều bất hợp lý mà Báo CAND đã nhiều lần đề cập. Quỹ BOG xăng dầu được hình thành từ ngày 15/12/2009, khi mua mỗi lít xăng, người tiêu dùng sẽ phải bỏ thêm 300 đồng/lít đóng góp hình thành Quỹ. Về cơ chế sử dụng, khi giá thế giới tăng, Quỹ xả ra để bù đắp chênh lệch phát sinh lỗ cho DN, tránh khỏi việc tăng giá bán lẻ. Như vậy, về nguyên lý hoạt động, Quỹ BOG giá hình thành từ nguồn tiền do người tiêu dùng xăng dầu đóng góp. Song, kể từ khi hình thành và hoạt động đến nay, Quỹ BOG xăng dầu chịu khá nhiều điều tiếng về sự thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng trong hoạt động, đặc biệt là sau các đợt xả Quỹ, người dân vẫn phải chấp nhận các đợt tăng giá xăng dầu ở mức kỷ lục. Cụ thể hơn, xăng A92 ngày 15/12/2009 có giá xấp xỉ 16.000 đồng/lít. Sau 5 năm, cùng với sự biến động tăng cao của giá xăng dầu thế giới, giá xăng A92 đã tăng thêm hơn 9.000 đồng/lít.

Trở lại với 3 lần điều chỉnh giá gần đây nhất diễn ra trong 3 mốc thời điểm ngày 23/6, ngày 7/7 và ngày 18/7. Theo đó, ngày 23/6, DN được quyền điều chỉnh giá xăng tăng 330 đồng/lít và sử dụng quỹ bình ổn xăng 300 đồng/lít. Ngày 7/7 giá tăng 410 đồng/lít, và DN được tăng sử dụng quỹ từ 300 đồng lên 500 đồng/lít. Ngày 18/7, các DN không tăng giá xăng, đồng thời được sử dụng Quỹ BOG thêm 170 đồng/lít (từ 500 đồng/lít lên 670 đồng/lít). Giả sử trường hợp đặt ra, bỏ Quỹ BOG, giữ nguyên các loại thuế phí, và áp dụng cơ chế điều hành giá tự động (chu trình tính giá 10 ngày), theo tính toán giá xăng sẽ tăng lần lượt là: 170 đồng, 410 đồng, 330 đồng… Đây là các mức tăng giá hoàn toàn nằm trong sức chịu đựng được của người dân. Vậy có cần thiết bắt mỗi người dân bỏ ra 300 đồng khi mua mỗi lít xăng để tạo Quỹ BOG?

Trao đổi với Báo CAND về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng về bản chất, người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá “rẻ” hơn khi xả quỹ. Dù thực tế người tiêu dùng, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ không tăng giá xăng dầu khi xả quỹ, song lại luôn chịu thiệt do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho quỹ, như kiểu cho vay không lãi. Rốt cuộc, dường như chỉ có DN xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức cũng như được nhiều hơn mất từ mọi hoạt động thu - chi Quỹ BOG… Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cho rằng Quỹ BOG rất dễ làm mất đi tính tự nhiên của thị trường, và việc lạm dụng quỹ có thể sẽ là nút thắt trong nỗ lực đưa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Quỹ BOG hiện nay đang giữ nhiệm vụ tránh lỗ cho DN, người tiêu dùng không chỉ phải đóng tiền để lo cho mình, mà lo cho cả DN

Nhóm PV
.
.
.