Vượt qua tật nguyền để trở thành doanh nhân

Thứ Bảy, 30/10/2004, 08:03
Bị hỏng cánh tay phải vì tai nạn nhưng chị Nguyễn Thu Xinh vẫn vươn lên để sinh hoạt như người bình thường. Chị học Đại học rồi trở thành giám đốc một công ty du lịch. Nhưng mọi người biết đến chị nhiều hơn với vai trò liên kết các câu lạc bộ người khuyết tật Hà Nội.

Đầu những năm 1990, sinh viên Trường Đại học Thương mại Hà Nội  ngạc nhiên khi ngày khai giảng năm học mới, họ thấy một cô gái mảnh mai, đứng rụt rè ở cuối lớp. Dù đã mặc áo dài, nhưng chị vẫn không thể che hết cánh tay "lạ" của mình. Cũng từ ngày đó, trong lớp luôn có những tiếng xì xầm và ánh mắt không mấy thiện cảm đổ dồn về phía chị.

19 tuổi, trong một lần đi chơi, Nguyễn Thu Xinh bị tai nạn giao thông. Khoảnh khắc ngắn ngủi đó khiến chị bất tỉnh 2 tháng. Khi tỉnh dậy, biết bác sĩ chuẩn bị cưa tay mình, chị bật khóc. Soi gương, thấy răng cửa rụng hết, khuôn mặt xây xước chằng chịt, chị lại khóc.

Cả đêm không ngủ, chị Xinh dậy sớm gặp bác sĩ đề nghị: "Bác sĩ cố giữ lại cánh tay cho cháu. Dù thế nào cháu cũng tập luyện để cánh tay đó có ích". Thông cảm với khát khao đó, các bác sỹ ở Bệnh viện E đã cố gắng mổ ghép lại cánh tay cho chị. May mắn, ca mổ thành công. Nhưng cũng từ đó, cánh tay của chị thành tật, khoèo quặt ngược lại. 

Dẫu vâỵ, chị Xinh không đầu hàng trước số phận. Ngày ngày, các bệnh nhân cùng phòng chứng kiến nghị lực phi thường của chị khi chị tập cử động từng đốt ngón tay. Sau khi ra viện, trong một lần tình cờ, Thu Xinh đã yêu. Tưởng như hạnh phúc đã đến, nhưng không may, cuộc hôn nhân này quá ngắn ngủi khi chị phát hiện chồng đã có gia đình. Chị vô cùng đau khổ khi phải chia tay với người bạn đời.

Nhưng chính cái mầm sống đang mang trong mình đã thôi thúc chị phải gắng sống, vượt qua mọi nghiệt ngã. Chị ôn luyện và thi đỗ vào Trường Đại học Thương mại. Để có tiền ăn học và nuôi con, chị không ngần ngại đi làm ôsin, quét rác, làm tóc rối...

Những người biết chị rất ngạc nhiên, dù cánh tay phải bị tật mà chị vẫn có thể làm việc như người bình thường. Những người bạn học cùng lớp kể lại rằng, để viết được chữ, chị  Xinh đã phải tập luyện đến mức 5 đầu ngón tay toé máu. Chứng kiến nghị lực phi thường của chị, dần dần, bạn bè đã hiểu và cảm phục chị.

Ngoài giờ học, giờ làm, chị tranh thủ đạp xe đi gặp các nhà sử học, kinh tế học, xã hội học để tìm tài liệu cho dự án của mình. Các bạn học của chị rất bất ngờ khi kết thúc năm học thứ nhất, Thu Xinh đã hoàn thành dự án: "Du lịch, giao lưu văn hóa dân gian Việt Nam". Dự án của chị được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận năm 1996.

Làm du lịch cũng là làm văn hoá

Chị tâm sự rằng, từ nhỏ chị đã ao ước sau này sẽ theo đuổi nghiệp của cha - một diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Nhưng số phận không cho chị cái may mắn đó khi cướp đi của chị một cánh tay. Vì thế, chị chọn ngành Du lịch. Chị nghĩ, làm du lịch cũng là một hoạt động văn hoá.

Xuất phát từ ý tưởng này, Công ty Du lịch và Thương mại Đại Hoa (số 17 Ngọc Khánh, Hà Nội) do chị làm Giám đốc, đã chọn cho mình một đường đi riêng. Chị Thu Xinh đã mạnh dạn đến Đại sứ quán một số nước để đặt vấn đề muốn giới thiệu đất nước, con người Việt Nam. Nhiều Đại sứ quán đã tạo điều kiện cho Công ty của chị gặp gỡ, trao đổi, ký hợp đồng tổ chức tour du lịch ngay tại Đại sứ quán.

Điểm đặc biệt của Công ty Đại Hoa là xây dựng các dự án tour du lịch theo chủ đề "Tour du lịch cho người khuyết tật", "Tour du lịch về văn hóa, miệt vườn", "Tour du lịch tư vấn đầu tư hay làng nghề"... Chính những ý tưởng đó đã tạo điểm nhấn và giúp Đại Hoa giành được nhiều ấn tượng tốt của khách nước ngoài.

Ngoài việc kinh doanh du lịch, chị Thu Xinh còn làm đầu mối liên kết cho các câu lạc bộ người khuyết tật ở Hà Nội như Bạn và Tôi, Hy vọng, Vì tương lai tươi sáng... Không chỉ bó hẹp hoạt động tại Hà Nội, chị Xinh cũng tổ chức rất nhiều tour du lịch cho người khuyết tật ở nhiều tỉnh, thành phố. Chị là người khuyết tật đầu tiên đứng lên tổ chức Tết cho 500 người khuyết tật ở các tỉnh phía Bắc. Công ty chị cũng đã lo trọn vẹn cho 50 người khuyết tật đi nghỉ mát ở Trung Quốc.

Đạt được một số thành công nhất định trong kinh doanh nhưng chị Thu Xinh vẫn trăn trở với ước mơ xây dựng ngôi trường đào tạo nghề miễn phí cho các học sinh từ lớp 7 - 12 không có khả năng thi vào đại học. Đối với chị, hạnh phúc chính là đem lại niềm vui cho những người đồng cảnh...

Trần Hằng
.
.
.