Vướng trong xử lý xe nhập lậu theo diện “Việt kiều hồi hương”

Chủ Nhật, 14/09/2014, 15:30
Được phát hiện từ năm 2012 khi Hải quan phát hiện một lượng lớn bất thường xe sang được nhập theo diện Việt kiều hồi hương để hưởng ưu đãi miễn thuế, Bộ Tài chính, Bộ Công an cùng lực lượng chức năng các địa phương đã nỗ lực “bịt” các lỗ hổng và giải quyết “hậu quả” của chính sách thông thoáng trước đó. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện vẫn tiếp tục gặp nhiều vướng mắc, cần sự chỉ đạo từ Chính phủ.

Mới đây nhất, báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc về công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu và gian lận thương mại cuối tháng 7, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm cho biết: Sau khi tiến hành điều tra các vụ việc liên quan đến hành vi nhập lậu xe theo diện Việt kiều hồi hương, cơ quan Công an đã khởi tố hình sự 7 vụ án. Trong hơn 1.000 ôtô nhập về theo diện này, có trên 200 chiếc là xe siêu sang như Bentley, Phantom, Mercedes, Rolls-Royce... Chỉ riêng 200 xe này đã trốn thuế hơn 1.000 tỉ đồng. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an một số tỉnh từ cuối 2013 đã tiến hành khởi tố một số vụ án buôn lậu lợi dụng tiêu chuẩn miễn thuế của Việt kiều hồi hương, đa phần là xe rất sang, từ Lexus đến Rolls-Royce, có xe trị giá đến hàng triệu đô.

Thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng buôn lậu là lợi dụng cơ chế ưu đãi cho phép Việt kiều hồi hương được mang theo xe về Việt Nam sử dụng và được miễn thuế nhập khẩu, một số đối tượng buôn ôtô đã tìm cách móc nối với các Việt kiều ký khống giấy tờ để nhập khẩu, hầu hết là các xe sang vào Việt Nam. Cơ quan Hải quan đã nhận thấy bất thường khi từ năm 2011 đến hết 2012, cả nước đã có trên 1.400 xe ôtô nhập khẩu theo diện này. Tại thời điểm đó, điều kiện để nhập khẩu xe khá thông thoáng như yêu cầu có giấy thông hành hoặc hộ chiếu hồi hương bản sao có công chứng; hộ khẩu... nhưng không có điều kiện nào quy định việc Việt kiều có thực sự hồi hương hay không? Cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp hồ sơ đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh rồi xuất cảnh ngay sau đó; hoặc những chứng từ trong bộ hồ sơ như: giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy đăng ký lưu hành xe, hộ chiếu… do nhiều tiểu bang của Mỹ cấp với những mẫu khác nhau, gây khó khăn trong việc chứng thực… 

Xe nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương tồn tại cảng sau khi có quy định siết chặt. Ảnh: BHQ

Phát hiện những sai phạm này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 20 vào tháng 2 vừa qua với nhiều quy định chặt hơn như xe phải được đăng ký ít nhất 6 tháng ở nước ngoài trước thời điểm hoàn tất thủ tục cấp sổ hộ khẩu thường trú tại Việt Nam và đã chạy một quãng đường tối thiểu 10.000km đến thời điểm về đến cảng. Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu cũng được quy định chặt chẽ hơn. Thêm vào đó, đầu tháng 9 này, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản hướng dẫn Hải quan các tỉnh, thành về thu thuế đối với các xe chưa làm thủ tục đăng ký, lưu hành nhưng đã chuyển nhượng; xe sau khi nhập mà Việt kiều đã quay trở lại nước ngoài sinh sống. Hàng trăm chiếc xe khác cũng đã bị cho tái xuất do không đủ điều kiện nhập vào Việt Nam. Những việc làm này đã hạn chế phần lớn những kẽ hở có thể bị lợi dụng để buôn lậu. Tuy nhiên, hậu quả của việc buông lỏng quản lý trước đó hiện vẫn là bài toán khó giải quyết.

Thiếu tướng Phan Anh Minh trong cuộc họp với Chính phủ về tình hình phòng chống tội phạm đã nêu một số khó khăn, khiến việc điều tra còn phải kéo dài như: Thực tế khởi tố cho thấy bên cạnh tội danh chính là buôn lậu, loại án này còn phát sinh các tội danh khác như tham nhũng, đưa nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn và các tội danh khác về trật tự như giả mạo giấy tờ. Hiện phần xử lý được mới chiếm 1/10 xe đã nhập và đăng ký lưu hành tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Thiếu tướng Minh kiến nghị cũng cần có thống nhất chỉ đạo giữa Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về xử lý hàng trăm trường hợp Việt Kiều bị những đối tượng cầm đầu các salon ôtô dụ dỗ để ký khống các giấy tờ nhập lậu mà họ ngộ nhận là họ có quyền chuyển nhượng.

Đề nghị không giải quyết xuất cảnh cho Việt kiều khi chưa nộp thuế ôtô

Theo tin từ Bộ Tài chính (BTC) cho biết, BTC đang dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý ôtô mang biển số nước ngoài, biển số ngoại giao đã chuyển nhượng, sử dụng không đúng quy định. Theo đó, BTC đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ cho xử lý theo hướng: BTC sẽ cung cấp danh sách những Việt kiều phải truy thu thuế; Bộ Công an phối hợp, rà soát các giấy phép nhập khẩu do hải quan cấp để xác định các trường hợp Việt kiều không đứng tên trên đăng ký lưu hành xe. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan (Cục Xuất nhập cảnh, Biên phòng) không giải quyết cho các đối tượng xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Đặc biệt, Việt kiều đang sinh sống tại Việt Nam nhưng không thực hiện quyết định truy thu thuế của hải quan thì sẽ đề nghị cơ quan Công an tạm thời không cho phép lưu hành ôtô cho đến khi hoàn thành việc nộp thuế.

L.Hiệp

Nam Phương
.
.
.