Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đầu ra cho rác thải

Thứ Tư, 16/09/2015, 08:13
Dự án Khu công nghệ môi trường xanh do Công ty cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam - Long An làm chủ đầu tư trên diện tích khoảng 1.760 ha tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, Long An có số vốn đầu tư lên tới 450 triệu USD, tương đương 9.656 tỷ đồng Việt Nam. 

Trong đó giai đoạn 1 vốn đầu tư là 150 triệu USD, tương đương 3.218 tỷ đồng sẽ được thực hiện trong 5 năm, từ 2015 - 2020, chủ đầu tư sẽ tiến hành duy trì, sử dụng, chăm sóc mảng cây xanh cách ly và kênh rạch; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho dự án, một phần khu xử lý chất thải và khu công nghiệp sản xuất - tái chế. Mục tiêu của dự án xử lý rác thải khổng lồ này đặt ra là từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. 

Sau năm 2020 sẽ mở rộng xử lý, tái chế chất thải thông thường, chất thải nguy hại cho các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng lân cận có khoảng cách vận chuyển phù hợp bằng các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, không gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt và môi trường không khí. Vì vậy, phần giải phóng mặt bằng toàn bộ khu đất làm dự án sẽ do TP Hồ Chí Minh chi kinh phí. 

Theo báo cáo tài chính 2014 của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, để thực hiện dự án này, nguồn vốn chủ sở hữu của công ty là 1.209 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô lớn, tiến độ cho thuê đất thực hiện theo giai đoạn, do đó vốn chủ sở hữu trên đảm bảo theo tiến độ triển khai dự án.

Mô hình Khu công nghệ môi trường xanh.

Dự lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án vào ngày 12/9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Đỗ Hữu Lâm cho biết, đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn trong số 645 dự án có vốn đầu tư nước ngoài hiện còn hiệu lực trên địa bàn Long An.

Với công suất thiết kế có thể tiếp nhận, xử lý 40.000 tấn rác mỗi ngày, dự án đủ sức đảm đương việc xử lý, tái chế chất thải thông thường khác và chất thải nguy hại cho các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các vùng lân cận. Với nhiều hạng mục công trình vừa xử lý, vừa tái chế, vừa sản xuất các sản phẩm khác, dự án tận dụng được nguyên liệu từ quá trình xử lý rác thải. 

Thay mặt địa phương cam kết trong khả năng, tỉnh Long An sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để dự án triển khai được thuận lợi; giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng; đồng hành cùng nhà đầu tư tìm ra giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai cũng như hoạt động của dự án… song ông Lâm cũng khuyến cáo chủ đầu tư đây là dự án môi trường có quy mô lớn cả về vốn và diện tích; lại được thực hiện trên vùng đất có địa chất yếu, địa hình thấp, có nhiều rênh rạch, do đó nếu không áp dụng tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, dự án sẽ có tác động không tốt đến môi trường xung quanh. 

Do đó ông Lâm đề nghị chủ đầu tư cần quan tâm các vấn đề như sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có biện pháp bảo đảm xử lý tốt môi trường trong quá trình thi công và trong suốt thời gian hoạt động của dự án…

Ông Davis Dương, chủ đầu tư dự án khẳng định sẽ tiếp nhận và xử lý các loại chất thải thông thường, chất thải công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại, chất thải điện tử, chất thải y tế, phân hầm cầu, bùn cống rãnh và tất cả các loại chất thải hiện nay đang thải ra môi trường... được thu gom cùng tất cả những loại chất thải sẽ phát sinh trong tương lai. 

Ngoài việc tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho lao động địa phương và đóng góp cho ngân sách, với những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới về xử lý chất thải được đưa vào áp dụng tại Khu công nghệ môi trường xanh, chi phí chi trả cho việc xử lý rác của từng công nghệ sẽ phù hợp với nhu cầu thực tế.

Ông Davis Dương cũng cam kết sẽ triển khai dự án với tốc độ nhanh nhất và sẽ dùng hiệu quả đầu tư của mình để chứng minh sự lựa chọn của địa phương đối với dự án là chính xác.

Bảo Sơn
.
.
.