Rốt ráo thu thuế cuối năm:

Vừa thu đủ, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh

Thứ Hai, 28/12/2015, 09:24
Cho đến thời điểm này, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 về cơ bản đã gần xong, và theo như số liệu của Bộ Tài chính thì dù gặp nhiều khó khăn, nhưng thu NSNN năm 2015 vẫn vượt dự toán.

Điều này hoàn toàn có cơ sở vì theo công bố của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11, thu nội địa đã đạt 642.700 tỉ đồng, bằng 100,6% dự toán, bằng 93,6% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội. Trong đó 10/14 khoản thu đã đạt và vượt dự toán năm như thuế bảo vệ môi trường đạt 185,9% dự toán; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 154,5% dự toán; thu khác NSNN đạt 154,2% dự toán; các khoản thu về nhà, đất đạt 143,1% dự toán; lệ phí trước bạ đạt 127,8% dự toán.

Theo Viện Chiến lược & Chính sách của Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015 được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế của nhiều nước và thế giới có xu hướng chững lại, giá hàng hóa thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu thô giảm mạnh và duy trì ở mức thấp; trao đổi thương mại toàn cầu suy giảm, xung đột địa chính trị diễn ra ở nhiều nơi.

Trong nước, bên cạnh những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết, tình hình thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra và những tác động bất lợi của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất - kinh doanh và đời sống dân cư, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Vì thế, chính sách thu NSNN không chỉ đơn giản là thu đúng, thu đủ mà còn phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Theo đó, hàng loạt ưu đãi thuế từ đầu năm nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như đảm bảo phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế được thực hiện. Công tác thu NSNN càng khó khăn khi thu từ dầu thô giảm. Vì thế, để đạt được kết quả tích cực, công tác thu hồi nợ đọng được ráo riết hơn bao giờ hết.

Ngành thuế đang tích cực sử dụng nhiều biện pháp để việc thu thuế đạt hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện nay, nợ đọng thuế của doanh nghiệp (DN) đã lên tới 76 nghìn tỷ đồng. Ngoài những khoản nợ bất khả kháng do nguyên nhân khách quan, ngành Thuế sẽ tập trung vào khoản nợ 34 nghìn tỷ đồng mà DN có khả năng nhưng không chấp hành nghĩa vụ với NSNN.

Để thu hồi khoản nợ thuế này, Bộ Tài chính tập trung thanh tra, kiểm tra tối thiểu 12-15% trong tổng số 506 nghìn DN tự khai, tự nộp thuế. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đôn đốc công tác thu thuế hiệu quả.

Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình thu thuế khiến cho những giải pháp của ngành thuế dù rốt ráo vẫn bị ảnh hưởng, nên tính hiệu quả cũng có nơi không được như mong muốn, vì ngoài những khó khăn chung, mỗi địa phương lại có những khó khăn mang tính đặc thù. Ví dụ, với những tỉnh miền núi khó khăn, thì tăng trưởng kinh tế đạt thấp là nguyên nhân đầu bảng khiến cho thu NSNN gặp khó. Đơn cử như tại tỉnh miền núi Cao Bằng là một trong những tỉnh có nguồn thu lớn từ các DN khai khoáng, khi thị trường bị thu hẹp, giá bán giảm sâu, không tiêu thụ được sản phẩm... dẫn đến đa số các nhà máy chế biến khoáng sản trên địa bàn phải sản xuất cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất nên không có sản lượng. Theo thống kê, có đến 11/16 DN khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đang tạm ngừng hoạt động, 3/16 DN sản lượng khai thác giảm…

Hay như tại Hà Nội, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế cả nước nói chung, nhiều DN trên địa bàn Thủ đô khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khó khăn về tài chính nên không có tiền để nộp thuế. Vì vậy tình trạng nợ đọng thuế của các đơn vị gia tăng và diễn biến phức tạp.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ NNT (Cục Thuế Hà Nội) cho biết: Bên cạnh việc phân loại nợ theo từng ngưỡng nợ, căn cứ nguồn nhân lực để xử lý nợ từ đối tượng cao xuống thấp, ngành Thuế Hà Nội đã xác định rõ các đối tượng chây ỳ, nợ dây dưa kéo dài; phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu. Cục Thuế đã ban hành thông báo nợ và tiền chậm nộp đối với đối tượng nợ thuế để đôn đốc nộp nợ, lựa chọn áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thích hợp để tổ chức cưỡng chế nợ quyết liệt, đạt hiệu quả cao nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình, đúng luật định... Từ đầu năm 2015 đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã công khai 7 đợt danh sách 588 đơn vị nợ thuế lớn với số tiền thuế nợ trên 5.500 tỷ đồng; 40 dự án nợ tiền sử dụng đất lớn với số tiền nợ là 2.340 tỷ đồng. Sau công khai, 25 đơn vị trả hết nợ với số tiền 728,054 tỷ đồng. “Song song với những biện pháp quyết liệt nêu trên, Cục Thuế Hà Nội kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo cơ chế, chính sách để DN có nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó tăng thu nhập, có nguồn tài chính để nộp tiền nợ thuế. Cục Thuế cũng thực hiện tốt việc gia hạn nợ, xóa nợ thuế theo chính sách hiện hành; chủ động phối hợp với các sở, ngành thường xuyên rà soát, kiến nghị, tham mưu thành phố cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với pháp luật hiện hành… Việc sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, động viên DN phân bổ hợp lý dòng tiền để vừa có thể duy trì sản xuất kinh doanh, vừa có thể nộp nợ vào NSNN đã giúp ngành Thuế Hà Nội thu hồi nợ đạt kết quả cao”, bà Yến chia sẻ. 

Lệ Thúy
.
.
.