Vụ tham nhũng tại Bưu điện Nghệ An: 5 đơn vị liên quan

Thứ Ba, 18/01/2005, 07:50
Để có thể làm ăn được với các đơn vị bưu điện, Vũ Thị Kim Ngân có mối quan hệ rất khăng khít với ngành Bưu chính - Viễn thông. Tháng 11/2004 vừa qua, nhân ngày sinh nhật của một "sếp", thị Ngân được phân công đón và tiếp khách cho "sếp" này.

Từ khi làm quảng cáo tại Báo Khoa học và Đời sống, lợi dụng nhiệm vụ được giao, Ngân đã làm quen với nhiều cán bộ trong ngành Bưu chính - Viễn thông, thường xuyên ra vào cơ quan này ở phố Nguyễn Du (Hà Nội).

Mối quan hệ nằng khăng khít đến mức nhiều cán bộ cơ quan này cứ tưởng rằng, thị Ngân là nhân viên của Tổng Công ty hoặc người thân của "sếp" nào đó?

Mối quan hệ của Vũ Thị Kim Ngân thiết lập theo kiểu "có đi có lại", năm 2003, thị Ngân bắt đầu tạo ê kíp, thiết lập một đường dây làm ăn trong lĩnh vực in ấn danh bạ điện thoại và nhiều ấn phẩm khác.

Việc ký được hợp đồng in ấn với bưu điện một số tỉnh không có gì là khó khi những người trong cuộc cố tình bày trò "quân xanh, quân đỏ" để cho đường dây của Ngân “trúng thầu”.

Vũ Thị Kim Ngân, 37 tuổi, tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; trú tại 20A, ngách 11, phố Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Ngày 17/9/1985, Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã bắt Vũ Thị Kim Ngân về hành vi trộm cắp tài sản công dân.

Ngày 7/8/1986, Công an tỉnh Thanh Hóa lại bắt thị Ngân theo quyết định tập trung cải tạo về hành vi lừa đảo tài sản công dân. Ngày 19/81998, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tiếp tục bắt  thị về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân.

Sau đó, Ngân vào làm nhân viên hợp đồng quảng cáo tại Báo Thương Mại. Tới tháng 9/2002, Ngân chuyển sang Báo Khoa học và Đời sống làm quảng cáo.

Đầu ra trong đường dây này còn có Phạm Thị Thanh Thúy và Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân mỹ thuật Nguyễn (có trụ sở ở Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Tp.HCM), giá cả được thỏa thuận rất cao so với mặt bằng thị trường in ấn.

Sau khi có hợp đồng trong tay, nhận được tiền tạm ứng, đường dây của thị Ngân thuê đơn vị khác in với giá thật chỉ bằng 45 - 50% tổng trị giá đã ký, số tiền chênh lệch rút ra chia nhau.

Theo khai nhận ban đầu của các đối tượng thì Vũ Thị Kim Ngân đã quan hệ làm ăn với khoảng 10 đơn vị trong ngành Bưu điện.

Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã xác định Vũ Thị Kim Ngân đã ký hợp đồng in ấn trót lọt với 5 đơn vị, tổng giá trị các hợp đồng này khoảng 70 tỷ đồng. Số tiền mà Vũ Thị Kim Ngân bỏ túi khoảng 9 tỷ đồng.

Chỉ tính trong 2 lần vào tháng 4 và tháng 11/2004, Phạm Thị Thanh Thúy và Nguyễn Minh Tuấn đã chuyển 1,02 tỷ đồng cho thị Ngân qua Ngân hàng ACB tại Hà Nội, còn nhiều lần khác, thị Ngân nhận tiền trực tiếp.

Có tiền trong tay, Ngân bắt đầu học thói xa xỉ, trong tháng 11/2004, thị mua một xe ôtô Mercedes đời mới E240 giá trọn gói trao tay tới 1,7 tỷ đồng.

Qua 2 hợp đồng in ấn theo kiểu "ném tiền qua cửa sổ" của Bưu điện tỉnh Nghệ An, phải chăng họ đã cố tình tạo điều kiện cho đường dây của thị Ngân rút tiền của Nhà nước. Vì thực tế, số thuê bao của toàn tỉnh chỉ khoảng 130.000 khách hàng, nhưng lãnh đạo cơ quan này vẫn ký hợp đồng cho in 200.000 cuốn danh bạ (thừa khoảng 70.000 cuốn).

Còn với Bưu điện Hà Tây, khách hàng thuê bao khoảng dưới 100.000, nhưng đã ký hợp đồng in tới 150.000 cuốn danh bạ, nếu trót lọt sẽ thừa khoảng 50.000 cuốn. Thủ đoạn trong phi vụ ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh Hà Tây là thông qua một đơn vị in ở Hà Nội để ký hợp đồng trị giá 14 tỷ đồng, nhưng thực tế cũng do đường dây của thị Ngân thực hiện.

Ngay sau khi Bưu điện tỉnh Hà Tây chuyển tạm ứng 4 tỷ đồng đến doanh nghiệp tư nhân  mỹ thuật Nguyễn, thị Ngân, thị Thuý và Tuấn đã rút ra 2 tỷ đồng chia nhau... còn 3 hợp đồng khác cũng được thao tác với thủ đoạn tương tự.

Đáng ngạc nhiên là, trước đó, ngành Bưu chính  - Viễn thông đã thanh tra, kiểm tra, nhưng vẫn không phát hiện được đường dây tiêu cực lớn này

Đào Minh Khoa
.
.
.