Vụ quản lý thị trường nhận hối lộ ở Quảng Ninh: Nhiều bằng chứng xác thực

Thứ Bảy, 15/10/2005, 08:28
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, kiêm Đội trưởng Đội QLTT số 8 về tội “Nhận hối lộ” (theo điểm a, khoản 3, điều 279 BLHS); Lê Thị Tuyết, SN 1967, trú tại phường Ka Long, thị xã Móng Cái và Hứa Thị Múi, SN 1952, trú tại phố Lý Thường Kiệt, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên làm môi giới hối lộ (theo điểm a, khoản 3, điều 290 BLHS ).

Toà đã triệu tập 13 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có ông Nguyễn Trọng Lên, Giám đốc Sở Thương mại Quảng Ninh, nguyên Chi Cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh (đến tháng 6/2004), anh ruột của bị cáo Nguyễn Trọng Trường và 24 nhân chứng, trong đó chủ yếu là các cán bộ thuộc Chi cục QLTT Quảng Ninh liên quan trực tiếp đến quá trình xảy ra các vụ việc dẫn đến phiên toà này.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, từ tháng 9/2003 đến 4/2004, Nguyễn Trọng Trường lúc đó với cương vị là Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, kiêm Đội trưởng Đội QLTT số 8 (khu vực Tiên Yên-Ba Chẽ) đã nhận 84 triệu đồng, 5.000 USD và dùng quyền hạn, ảnh hưởng của mình bảo kê cho các xe ôtô 14L-0926, 14L-4896, 14L-8589 của các ông Trịnh Khắc Hải, Trịnh Khắc Hòa và Nguyễn Văn Thanh (đều trú tại khu 2 thị trấn Đông Triều) chở hàng buôn lậu tuyến Móng Cái - Đông Triều.

Tương tự như vậy, từ tháng 10/2003 đến 9/2004, thông qua môi giới của Lê Thị Tuyết và Hứa Thị Múi, Nguyễn Trọng Trường đã nhận 61 triệu đồng gọi là "tiền chè thuốc" hàng tháng của một số chủ xe chạy tuyến Bình Liêu - Tiên Yên. Đổi lại, Nguyễn Trọng Trường đã chỉ đạo không kiểm tra, bắt giữ các xe ôtô của họ chở hàng lậu chạy tuyến Bình Liêu - Tiên Yên.

Tại phiên toà, đại diện Viện KSND đã giải thích lý do vì sao không đưa các khoản 1.000 USD và 2 triệu đồng là tiền do ông Trịnh Khắc Hòa đưa cho Nguyễn Trọng Trường vì đó là "quà mừng" chứ không phải do ép buộc nhân dịp bị cáo đi tham quan Thái Lan và về nhà mới.


Hành vi thu tô "bảo kê" buôn lậu của Nguyễn Trọng Trường đã từng gây xôn xao, bức xúc trong dư luận. Đặc biệt là gây cản trở, giảm hiệu lực đến nhiệm vụ kiểm tra chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với toàn Chi cục QLTT trong suốt một thời gian dài. Chỉ đến khi các ông Trịnh Khắc Hải, Trịnh Khắc Hòa, Nguyễn Văn Thanh quá bức xúc vì đã nộp tiền "làm luật" mà xe vẫn bị bắt nên đã làm đơn tố cáo. Cùng thời gian này, hàng loạt đơn thư tố giác khác, các cơ quan báo chí liên tục phản ánh những sai phạm nghiêm trọng về nhiều mặt của Nguyễn Trọng Trường.

Tháng 9/2004, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh kiểm tra, xem xét; qua đó xét thấy hành vi của Nguyễn Trọng Trường có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Thanh tra tỉnh đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xử lý. Qua tài liệu điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành bắt tạm giam đối với Nguyễn Trọng Trường về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và tội “Nhận hối lộ” quy định tại các điều 281 và 279 BLHS.

Tuy nhiên, quan điểm của Viện KSND dựa trên cơ sở chứng cứ pháp lý, Nguyễn Trọng Trường chỉ bị truy tố về hành vi nhận hối lộ.

Quanh co chối cãi vẫn không che giấu được sự thật

Trong suốt quá trình điều tra cũng như xét hỏi trước phiên toà, Nguyễn Trọng Trường một mực  phủ nhận tất cả những lời tố cáo, buộc tội. Đã đứng trước vành móng ngựa nhưng vẫn khăng khăng cho là mình có công lớn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu. Đến khi đối chất trực tiếp với hàng chục nhân chứng, những người từng là nạn nhân, là thuộc cấp chịu sự chỉ huy, can thiệp trực tiếp của mình trước đây, Nguyễn Trọng Trường vẫn trả lời hệt như theo một khuôn mẫu vạch sẵn: Nói không với tất cả mọi trường hợp.

Mặc dù Trường không thừa nhận có mối quan hệ nào với các đối tượng nộp tiền bảo kê trong đó có ông Hòa,  song bút lục được trích dẫn là "list" cuộc gọi do bưu điện cung cấp cho thấy có hàng trăm cú điện trao đổi giữa ông Hoà và Trường trong suốt thời gian từ tháng 2 đến tháng 8-2004. Khi chủ toạ phiên tòa cho công bố đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa Nguyễn Trọng Trường và Trịnh Khắc Hòa - được coi là bằng chứng quan trọng nhất khẳng định việc đưa và nhận hối lộ, Trường chỉ thoáng bối rối rồi cãi phăng, những câu nói "mấy chục triệu", "đến thời hạn"... chỉ là những câu nói bâng quơ.

Cũng như Trường, Lê Thị Tuyết luôn phủ nhận những lời khai của các bị cáo và nhân chứng, thậm chí của cả chính mình (trong bút lục hồ sơ) nếu xét thấy lời khai đó không khớp với quá trình chối tội của mình. Bản thân là một đối tượng thường xuyên buôn lậu trên tuyến Móng Cái qua QL18. Nhưng do có mối quan hệ mật thiết với Nguyễn Trọng Trường nên các đầu xe của Tuyết không hề bị kiểm tra. Nếu bị kiểm tra tại địa bàn thuộc các Đội khác quản lý, lập tức Trường dùng quyền uy của mình ép các đội phải giải phóng xe hàng của Tuyết.

Lợi dụng mối quan hệ này, từ chỗ chỉ nhờ Trường “bảo kê” riêng cho mình, Tuyết và Trường đã thiết lập một "đường dây ngầm" về bắt ép và môi giới các chủ xe chạy tuyến miền Đông phải nộp tiền hối lộ cho Nguyễn Trọng Trường thông qua Tuyết và Hứa Thị Múi. Tuy nhiên, tại phiên tòa, trong khi Trường khai nhận Tuyết là "cộng tác viên" - người cung cấp thông tin về hàng lậu cho mình, thì ngược lại Tuyết nói rằng, mình không hề làm "cộng tác viên" cho Nguyễn Trọng Trường.

Bị cáo được cho là thành khẩn nhất là Hứa Thị Múi, đã không ít lần bật khóc trước phiên tòa khi thú nhận tội trạng của mình. Bị cáo Múi khai: Do bản thân có 2 xe khách chạy tuyến ngắn Bình Liêu-Tiên Yên, đã từng bị Đội QLTT số 8 do Trường phụ trách bắt giữ nên rất lo sợ. Sau đó Tuyết đến gặp và bảo là phải chi tiền "chè thuốc" hàng tháng cho Đội thì mới yên ổn làm ăn. Tuyết giao nhiệm vụ cho bị cáo Múi vận động được 9 chủ xe chạy tuyến này chấp nhận “làm luật” ở mức 1 triệu đồng/tháng/xe (thu gộp nhiều tháng một đợt, riêng tháng đầu chỉ có 500 ngàn).

Tiền thu được gói trong tờ giấy có ghi rõ số xe và các ký hiệu (nhằm phân biệt xe nào không chịu nộp) sẽ được Tuyết giao lại cho Nguyễn Trọng Trường. Sự điều hành của đường dây môi giới hối lộ chỉ đơn giản có vậy, không hề có văn bản cam kết nào. Tuy nhiên, đối với các chủ xe, họ chỉ biết đến một sự thật hiển nhiên: Gần một năm ròng, những ai đóng tiền "chè thuốc" đầy đủ đều không bị Đội QLTT số 8 kiểm tra hay bắt hàng. Ngược lại, sẽ khóc dở, mếu dở bởi sự chú ý đặc biệt của cộng sự Nguyễn Trọng Trường. 

Do diễn biến phiên tòa ngày càng phức tạp nên không thể kết thúc trong 2 ngày như kế hoạch đã đề ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phiên tòa này

Lê Minh Triết
.
.
.