Vụ nhập phế liệu “bẩn”: Xử lý không nghiêm sẽ tạo tiền lệ xấu

Thứ Sáu, 19/09/2008, 14:35
Sáng 18/9, tại UBND TP Đà Nẵng, lãnh đạo chính quyền thành phố cùng các cơ quan liên quan đã có buổi làm việc về vấn đề xử lý Công ty cổ phần Thép Thành Lợi (gọi tắt là Công ty Thép Thành Lợi) với Đoàn công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) chủ trì cùng sự tham gia của Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế Bộ TN-MT, Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an… 

>> Nhập khẩu 434 tấn thép qua Đà Nẵng: Buộc phải tái xuất

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, nêu lại sự việc Công ty Thép Thành Lợi hai lần mở tờ khai nhập khẩu từ Italia về Đà Nẵng, qua cảng Tiên Sa, 2 lô hàng, gồm 36 container, với trên 1.108 tấn sắt thép phế liệu, đa phần là lon bia, lon đồ hộp đã bị cắt vụn, có chứa tạp chất, bốc mùi hôi nặng; trong đó có chứa lượng chất thải nguy hại như: As, Hg, Se, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, sau khi có kết quả phân tích của Vinacontrol về lô hàng đầu tiên, gồm 18 container, với trên 434 tấn sắt thép phế liệu được Công ty Thép Thành Lợi mở tờ khai hàng hóa số 1110/NK/KD/KVII  ngày 7/7/2008, lượng tạp chất có trong lô hàng chiếm từ 4,35% đến 6,78%, chứ không hoàn toàn là chất thải nguy hại.

Từ đó, UBND TP Đà Nẵng có cuộc họp với các cơ quan liên quan và đại diện Công ty Thép Thành Lợi, đi tới thống nhất: xử phạt hành chính Công ty Thép Thành Lợi, buộc tiêu hủy lô hàng, kinh phí tiêu huỷ Công ty Thép Thành Lợi chi trả. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cũng yêu cầu thành lập Hội đồng giám sát tiêu hủy và có phương án tiêu hủy cụ thể đối với lô hàng…

Từ đó, Cục Hải quan Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Thép Thành Lợi về 2 lô hàng sắt thép phế liệu "bẩn", với tổng số tiền 27,5 triệu đồng. Và các lô hàng nhanh chóng được chuyển tới Công ty Thép Đà Nẵng - Ý để phân loại tạp chất cần tiêu hủy…

Ông Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giải thích thêm: Việc căn cứ Luật Bảo vệ môi trường, buộc Công ty Thép Thành Lợi tái xuất các lô hàng sắt thép phế liệu có lẫn tạp chất rất khó khăn và phức tạp. UBND TP Đà Nẵng xử lý như thế là hợp lý, hợp tình…

Tuy nhiên, ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng, việc buộc Công ty Thép Thành Lợi tái xuất các lô hàng sắt thép phế liệu lẫn tạp chất, Bộ TN-MT sẵn sàng có ý kiến với Đại sứ quán Italia, cần thiết yêu cầu Bộ Công an có ý kiến với tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Intepol) để can thiệp.

Nhưng, UBND TP Đà Nẵng chọn biện pháp cho tiêu hủy lô hàng cũng đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Vấn đề là tiêu hủy phải có sự giám sát của các cơ quan chức năng, phải có chủ trương đúng vì lợi ích chung; không thể vì lợi ích của một số doanh nghiệp để tạo tiền lệ xấu.

Ông Trần Hồng Hà khẳng định: Trong sự việc này, việc mua bán giữa Công ty Thép Thành Lợi với doanh nghiệp nước ngoài là "có vấn đề". Bên cạnh, qua kiểm tra cho thấy, Công ty Thép Đà Nẵng - Ý, Công ty Thép Thành Lợi, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng không có đủ điều kiện năng lực tiêu huỷ lô hàng sắt thép phế liệu "bẩn"…

Từ đó, ông Trần Hồng Hà kết luận, thống nhất biện pháp xử phạt hành chính đối với Công ty Thép Thành Lợi, song việc tiêu hủy phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cũng phản đối gay gắt về việc cho rằng không thể tái xuất các lô hàng sắt thép phế liệu "bẩn" của Công ty Thép Thành Lợi. Làm vậy là quá đề cao quyền mua và bán của Công ty Thép Thành Lợi với doanh nghiệp nước ngoài, xem nhẹ quy định của pháp luật.

Cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự những người có trách nhiệm của Công ty Thép Thành Lợi trong việc nhập các lô hàng phế liệu "bẩn", vì pháp luật quy định phải qua một lần xử lý hành chính.

Bởi vậy, đề nghị cơ quan cấp trên phải xử lý minh bạch, rạch ròi đúng, sai; không thể tạo tiền lệ xấu để rồi biến Đà Nẵng thành bãi rác...

Long Vân
.
.
.