Vụ nhập hạt nhựa… ra phụ tùng ô tô: Có sự "tiếp tay" của Hải quan

Thứ Tư, 13/06/2007, 13:15

Hải quan Hải Dương giải thích, qua thông tin trên mạng quản lý, Hải quan nhận thấy Công ty Hà Văn không nợ thuế quá hạn, chấp hành tốt các thủ tục nên đã miễn kiểm tra hàng hóa. Thực tế, Công ty Hà Văn mới chỉ làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải Dương những lần đầu và không nằm trong danh sách được miễn kiểm tra.

Ngày 11/6, cơ quan CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (Công an Hà Nội) chính thức có kết luận điều tra bước đầu về vụ buôn lậu phụ tùng và máy tổng thành ôtô đã qua sử dụng thông quan tại cảng Hải Dương của Công ty TNHH Hà Văn (quận Lê Chân, Hải Phòng) đứng tên tờ khai nhập khẩu.

Số hàng buôn lậu này được phát hiện từ Công ty TNHH Cao Giang (Tiền Châu, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) do ông Cao Thế Hùng làm Giám đốc, đặt hàng thông qua Công ty Hà Văn, Hải Phòng (do ông Lê Văn Cầu làm Giám đốc) đã nhập khẩu về Việt Nam 8 container phụ tùng ôtô trị giá gần 4 tỷ đồng.

Sau khi nhận được thông tin và nhận định ban đầu có dấu hiệu gian lận thương mại, ngày 1/6, cơ quan CSĐT (Bộ Công an), Công an Hà Nội, Công an Vĩnh Phúc và Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã bắt quả tang Giám đốc Công ty Cao Giang, Cao Thế Hùng đang trực tiếp chỉ đạo mở 4 container (gửi ở Công ty Trường Biện) để lấy phụ tùng ôtô đi tiêu thụ. Tiến hành khám xét thì thấy số phụ tùng ôtô được phủ một lớp hạt nhựa HDPE.

Tiếp tục kiểm tra, cơ quan Công an đã thu giữ 5 tờ khai hàng hoá nhập khẩu mà Công ty Hà Văn, Hải Phòng đã mở tại Chi cục Hải quan Hải Dương. Trong đó có 4 tờ khai do doanh nghiệp khai, hàng hóa là hạt nhựa chứa trong 11 container (7 container chuyển về trụ sở của Công ty Cao Giang, 4 container gửi Công ty Trường Biện).

Được biết, 5 tờ khai hàng hóa mà Chi cục Hải quan Hải Dương cho thông quan là sai quy định. Đặc biệt, các doanh nghiệp trên không nằm trong danh sách được miễn kiểm tra và chưa bao giờ được phép tiếp nhận và giải quyết tờ khai hàng hóa nhập khẩu loại hình kinh doanh như của Công ty Hà Văn và Công ty Cao Giang.

Ngày 12/6, PV Báo CAND đã có cuộc làm việc với Chi cục Hải quan Hải Dương. Ông Đinh Văn Hưởng, Chi cục phó giải thích: Chi cục đã làm đúng quy trình và theo khai báo của Công ty Hà Văn thì nhóm hàng nhập khẩu thuộc nhóm miễn kiểm tra thực tế Hải quan. Vì vậy, hàng được thông quan theo nội dung khai báo của doanh nghiệp trên tờ khai hải quan. Việc Công ty Hà Văn nhập hàng cấm, hàng lậu được cất giấu trong lô hàng nhập khẩu đã làm thủ tục Hải quan không đúng với khai báo là thuộc về trách nhiệm của Công ty Hà Văn.

Mặt khác, trong quá trình làm thủ tục Hải quan, Chi cục Hải quan Hải Dương không nhận được bất cứ thông tin nào về Công ty Hà Văn có dấu hiệu gian lận thương mại, buôn lậu. Qua thông tin trên mạng quản lý, Hải quan nhận thấy, Công ty Hà Văn không nợ thuế quá hạn, chấp hành tốt thủ tục Hải quan nên Chi cục đã quyết định miễn kiểm tra dựa trên các quy trình, thủ tục và văn bản quy định.

Đáng chú ý, theo chương trình quản lý rủi ro thực hiện tự động trên mạng Hải quan, khi làm thủ tục Hải quan chương trình sẽ đưa ra hệ thống tự động lệnh hình thức và mức độ kiểm tra Hải quan cho từng lô hàng, trên đó có thể hiện miễn kiểm tra hay kiểm tra thực tế hàng hóa.

Tuy vậy, tại thời điểm làm thủ tục Hải quan, trong số 5 tờ khai của Công ty Hà Văn không có bất cứ thông tin nào trái lệnh miễn kiểm tra nên Chi cục cho thông quan để đảm bảo thời gian (8 giờ) tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp...

Khi PV đặt vấn đề trở lại, theo quy định, sau khi thông quan vẫn còn lực lượng kiểm soát Hải quan (có thể tiếp tục trực tiếp kiểm tra doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm sau đó) sao lực lượng này lại bỏ qua?

Ông Đinh Văn Hưởng giải thích, lực lượng kiểm soát Hải quan Hải Dương chưa kịp thực thi kiểm tra thì cơ quan CSĐT đã phát hiện Công ty Hà Văn gian lận thương mại. Cũng như một cơ quan chức năng, Hải quan Hải Dương tuân thủ cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra làm rõ vi phạm để xử lý. Lúc này, Hải quan Hải Dương không thể né tránh trách nhiệm giải quyết, xử lý "hậu" doanh nghiệp vi phạm.

Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định. Song cách giải thích của lãnh đạo Chi cục Hải quan Hải Dương xung quanh vụ việc trên xem ra không thỏa đáng, nếu không muốn nói là chối bỏ trách nhiệm.

Vì rằng, trong số 11 container đã cho phép thông quan, lực lượng kiểm soát Hải quan có thể kiểm tra điểm một container xem hàng hóa nhập khẩu có đúng chủng loại không? (nhất là đối với Công ty Hà Văn mới chỉ làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải Dương những lần đầu). Nhưng Chi cục cũng bỏ qua việc làm này. Dư luận có quyền nghi ngờ: Hải quan Hải Dương đã "tiếp tay" cho buôn lậu...?

Mạnh Hừng
.
.
.