Vụ nhập 120 tấn rác thải ở Hưng Yên: Sai phạm nghiêm trọng của Sở TN&MT

Chủ Nhật, 21/10/2007, 09:15
Với “giấy thông hành” của Sở TN&MT Hưng Yên với nội dung: "Lô hàng phế liệu nhập khẩu của Cty CP Công nghiệp Thiên Quan phù hợp với Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT, đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn tại Điều 42 và Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường", Chi cục Hải quan Hưng Yên đã thông quan cho toàn bộ lô hàng 120 tấn rác phế liệu.

Việc Công ty cổ phần Công nghiệp Thiên Quan I, có địa chỉ tại Yên Mỹ, Hưng Yên lý giải 120 tấn rác thải nhập vào Việt Nam "đã được cấp phép hợp pháp" với bộ hồ sơ có con dấu của Chi cục Hải quan và Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương cho thấy tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc.

Chúng tôi đã tìm hiểu sự thật đằng sau những bộ hồ sơ được coi "hợp pháp" này và nhận thấy có sự móc ngoặc, dung túng của một số cá nhân có chức quyền ở địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm dễ dàng nhập cả núi rác nguy hại vào nội địa.

Tài liệu thu thập được cho thấy, các ngày 17, 18 và 20/9/2007, tại nơi sản xuất (nhà máy sản xuất sợi polyester) của Công ty cổ phần Công nghiệp Thiên Quan, khu công nghiệp Phố Nối B, Yên Mỹ, Hưng Yên, Nguyễn Xuân Thành và Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ hải quan kiểm hoá, thuộc Chi cục Hải quan Hưng Yên được giao nhiệm vụ kiểm tra lô hàng của Công ty Thiên Quan I.

Việc kiểm tra có sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Tươi, cán bộ xuất nhập khẩu, là đại diện Công ty cổ phần Công nghiệp Thiên Quan và ông Ngô Xuân Hiếu, chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên. Như vậy, thành phần kiểm tra đã hội đủ ba bên theo quy định: Cán bộ Hải quan, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường và đại diện doanh nghiệp.

Tại biên bản lập ngày 20/9/2007 của tổ công tác nêu trên, ghi rõ: "Chúng tôi cùng nhau kiểm tra lô hàng chai nhựa PET đựng nước uống tinh khiết đã qua sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất mảnh PET và xơ polyester  nhập khẩu theo Tờ khai số 875NK/SXXK/HY ngày 19/9/2007 được đưa về kiểm tra tại nhà máy sản xuất sợi polyester, theo thông báo tại công văn số...., ngày 18/9/2007 của công ty cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên".

Như vậy, biên bản này không đề cập việc lô hàng có tạp chất nguy hại, thuộc diện cấm nhập hay không mà chỉ ghi "chai nhựa đựng nước uống tinh khiết đã qua sử dụng là nguyên liệu sản xuất mảnh PET".

Tại 2 biên bản khác cũng được lập với nội dung tương tự. Tổ kiểm tra "yêu cầu doanh nghiệp bảo quản nguyên trạng hàng hóa đến khi có kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường mới được đưa vào sản xuất".

Trong các cuộc kiểm tra của Chi cục Hải quan Hưng Yên đều có đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này chứng kiến. Sở này cũng tiến hành kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu nhập khẩu tại bãi chứa phế liệu của nhà máy sản xuất xơ sợi polyester của Công ty cổ phần Công nghiệp Thiên Quan.

Công ty cũng có thông báo ngày 18/9/2007 về việc sử dụng và nhập khẩu phế liệu, các lô hàng có số hợp đồng mua bán TQ-HY 0702 ngày 27/6/2007, số vận đơn hàng hoá EGLV 510720014462, ngày 21/8/2007; tờ khai hàng hoá nhập khẩu số 875/NK/SXXK/HY, ngày 19/9/2007 của Chi cục Hải quan Hưng Yên.

Với việc kiểm tra được coi là kỹ lưỡng các lô hàng phế liệu, ngày 24/9/2007, ông Phạm Nam Lượng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hưng Yên có thông báo số 206/TB-TNMT, gửi Chi cục Hải quan Hưng Yên và Công ty cổ phần Công nghiệp Thiên Quan.

Thông báo ghi rõ, căn cứ kiểm tra là Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; căn cứ Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT ngày 8/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Ông Phạm Nam Lượng kết luận, sau khi đã kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu nhập khẩu tại bãi chứa phế liệu của nhà máy sản xuất xơ sợi polyester của Công ty cổ phần Công nghiệp Thiên Quan, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo: "Lô hàng phế liệu nhập khẩu của Công ty cổ phần Công nghiệp Thiên Quan phù hợp với Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT, đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn tại Điều 42 và Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường". Với "giấy thông hành này", Chi cục Hải quan Hưng Yên thông quan cho toàn bộ lô rác nói trên.

Thế nhưng, khi Cục CSMT kiểm tra các lô rác tại nơi sản xuất, tất cả đều là rác tạp chất, nhựa phế thải đa chủng loại, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Nếu rác này sau khi tái chế, đưa vào sử dụng sẽ gây nguy hại sức khoẻ con người.

Vậy vì sao Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên lại đưa ra quyết định trái khoáy như trên? Hoàn toàn không có lý do bao biện do kiểm tra sơ suất vì các lô rác này đều dễ dàng nhận biết tạp chất nguy hại của nó. Khi Cục CSMT kiểm tra cũng rất đơn giản phát hiện hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đặc biệt lớn đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Trong trường hợp này, người nhập khẩu là cá nhân chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Thiên Quan, còn người cho phép nhập khẩu là cá nhân có trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường và Chi cục Hải quan, hai chủ thể đều phải chịu trách nhiệm vi phạm

Trường - Hiếu
.
.
.