Vụ đột kích vào kho gỗ pơmu trái phép ở Hà Tây: Phá niêm phong, gỗ có bị đánh tráo?

Thứ Tư, 30/01/2008, 10:32
Ngày 28/1, đoàn công tác liên ngành lại thêm phần vất vả khi phát hiện niêm phong có đầy đủ chữ ký của các thành phần liên quan, có đóng dấu của Công an xã Ninh Sở đã bị phá. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu gỗ trong kho vốn là gỗ pơmu quý hiếm có bị đánh tráo?

Báo CAND đã đưa tin về vụ đột kích của lực lượng liên ngành gồm: Cảnh sát môi trường thuộc Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Hà Tây, Cục Kiểm lâm Việt Nam vào 3 kho chứa hàng trăm hộp, tấm gỗ pơmu không giấy tờ tại nhà Phạm Văn Luật (41 tuổi), ở thôn Xuân Dương 3, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Tây).

Vụ việc diễn biến phức tạp hơn khi lợi dụng lúc mất điện, Phạm Văn Luật bỏ trốn.

Ngày 28/1, đoàn công tác liên ngành lại thêm phần vất vả khi phát hiện niêm phong có đầy đủ chữ ký của các thành phần liên quan, có đóng dấu của Công an xã Ninh Sở đã bị phá. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu gỗ trong kho vốn là gỗ pơmu quý hiếm có bị đánh tráo?

Trở lại vụ đột kích vào các kho gỗ ngày 27/1, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm kê gỗ, có sự chứng kiến của chủ hàng, chính quyền địa phương. Một kho gỗ cửa bị khoá và Phạm Văn Luật đã lấy lý do là mất chìa khoá, không mở được. Sau đó, do yêu cầu của lực lượng chức năng, Phạm Văn Luật đã tự tay phá khoá để đoàn công tác tiến hành kiểm tra, kiểm kê và lập biên bản số gỗ pơmu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Cùng ngày, cơ quan chức năng đã ra các quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chủ gỗ gồm: Phạm Văn Luật, Phạm Văn Hoà, Phạm Văn Thông. Số gỗ pơmu chưa có giấy tờ nguồn gốc ở các kho gồm hàng trăm tấm, hộp được cất giấu ở các điểm khác nhau. Cho đến giờ, ông Phạm Văn Thông - bố Luật vẫn khẳng định, số gỗ trên ông gom mua về để chuẩn bị làm nhà cho con trai út.

Sau đó một ngày, Phạm Văn Hoà - một trong 3 chủ gỗ đã đến Cục Cảnh sát môi trường làm việc theo yêu cầu triệu tập. Theo lời khai ban đầu, anh Hoà khai nhận mua số gỗ trên của một người không quen ở Bắc Ninh.

Vào một đêm tháng 5/2007, anh Hoà thấy trên bờ đê xuất hiện một chiếc xe tải chở đầy gỗ. Sẵn có ý định làm nhà, anh Hoà đã mua số gỗ trên với giá 8,3 triệu đồng/m3. Tổng số gỗ anh mua ước tính khoảng 5m3 với 87 tấm gỗ pơmu các loại. Sau khi mua gỗ, anh Hoà vận chuyển ra một bãi đất hoang của nhà một người trong thôn để nhờ.

Thời gian gần đây, do sợ bị mất gỗ nên anh vận chuyển dần về trước nhà để tiện bảo quản. Mặc dù tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, cả anh Hoà, anh Luật và ông Thông đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ trên nhưng anh Hoà vẫn khẳng định, số gỗ anh mua hoàn toàn hợp pháp.

Tại cơ quan chức năng, anh Hoà đã ký vào biên bản, hứa 7 ngày sau sẽ mang toàn bộ giấy tờ của số gỗ trên đến giao nộp cho cơ quan chức năng.

Cho đến ngày 29/1, Phạm Văn Luật - anh trai Phạm Văn Hoà vẫn chưa đến cơ quan chức năng làm việc. Theo cơ quan chức năng, do mới chuyển được hơn 1/3 số gỗ pơmu không giấy tờ về kho của Công an tỉnh Hà Tây, số gỗ còn lại được niêm phong bằng dấu của Công an xã Ninh Sở và có chữ ký của đại diện lực lượng liên ngành.

Số gỗ trong kho được giao cho ông Phạm Văn Thông quản lý, bảo quản, không cho người khác đến di chuyển, chờ cơ quan chức năng đến giải quyết. Ông Thông đã ký vào biên bản và cam kết nếu gỗ trong kho bị di chuyển đi nơi khác, ông sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng chỉ hôm sau, kho gỗ đã bị phá niêm phong.

Hiện nay, đoàn công tác liên ngành đã tiến hành lập biên bản, kiểm kê số gỗ vẫn đủ về số lượng. Tuy nhiên, đoàn liên ngành cũng đang khẩn trương xác minh xem liệu gỗ pơmu trong kho có bị tráo đổi bằng loại gỗ khác.

Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm pháp luật

Anh Hiếu
.
.
.