Vụ cầu Văn Thánh 2: Trách nhiệm của Công ty TNXP, Cienco 6 đến đâu?

Thứ Tư, 10/05/2006, 08:16

Năm năm qua, công trình xây dựng đường Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Văn Thánh 2 tồn tại cùng với sự bất bình trong dư luận. 9 bị cáo liên quan cầu Văn Thánh 2 đã phải ra tòa nhưng sự thiếu trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị dẫn đến vụ bê bối cầu Văn Thánh 2 lại ít được nhắc đến.

Công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được UBND TP HCM giao cho Công ty Thanh niên xung phong (TNXP) làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, còn gọi là Cienco 6; đơn vị thiết kế là Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TVTKGTVTPN); đơn vị tư vấn giám sát là Phân viện Khoa học giao thông vận tải phía Nam.

Ngay từ đầu, đồ án thiết kế công trình Văn Thánh 2 đã có sai phạm. Dù đã được cảnh báo, 3 bị cáo liên quan Lê Thanh Liêm (nguyên kỹ sư thiết kế cầu đường Công ty TVTKGTVTPN), Trần Đại Minh (nguyên Trưởng phòng thiết kế Công ty TVTKGTVTPN), Đỗ Văn Hùng (nguyên cán bộ Sở Giao thông công chính TP HCM) đều... nhắm mắt cho qua.

Riêng cầu Văn Thánh 2, trước khi có bản vẽ thiết kế, ngày 28/8/2001, hạng mục công trình các đường chui sau mố cầu Văn Thánh 2 đã được các đơn vị thi công ồ ạt. Trong khi đó, mãi đến ngày 24/9/2001, hồ sơ bản vẽ thiết kế các công trình này mới hoàn tất và Công ty TVTKGTVTPN mới chính thức giao cho chủ đầu tư.

Để thủ tục hóa việc thi công "ăn cơm trước kẻng”, ngày 20/9/2001, Công ty TNXP và Cienco 6 mới ngồi lại với nhau để giao thầu xây dựng các đường chui sau mố cầu Văn Thánh 2.

Một điều trớ trêu nữa, phần hầm chui bêtông cốt thép (phần chính) của đường chui sau mố cầu Văn Thánh 2 được thi công hoàn tất thì mãi đến ngày 26/12/2001, Công ty TNXP mới ký giao cho Cienco 6 nhận thi công đường chui sau mố cầu Văn Thánh 2 với tổng kinh phí là 3,9 tỉ đồng, ngay sau khi ký hợp đồng, nhà thầu đã có hồ sơ đề nghị tổ chức... nghiệm thu phần bêtông cốt thép để thực hiện tiếp phần mặt đường.

Cienco 6 đã giao cho Công ty 621 thi công và cử Hoàng Văn Tiến làm nhiệm vụ giám sát. Công ty 621 khoán lại cho Đội thi công cơ giới số 3 do Dương Quang Vinh làm đội trưởng, Trịnh Tuấn Thanh làm đội phó với tổng kinh phí là 3,5 tỉ đồng. Phần thẩm vấn tại tòa cho thấy, để rút ruột công trình, Dương Quang Vinh và các “đồng nghiệp” đã mua vật tư xây dựng ngoài chợ trời để thi công, sau đó mua hóa đơn để hợp thức hóa hợp đồng. 17 tấn sắt thép được thu gom ngoài chợ trời để xây dựng.

Quá trình thẩm vấn cũng cho thấy, các cán bộ giám sát Trần Thanh Hương, Hoàng Văn Tiến, Nguyễn Đình Bảo dù biết phần móng vá cốt thép các đường chui này thi công sai thiết kế nhưng vẫn ký tên xác nhận... đảm bảo chất lượng. Khi các giám sát thấy sai phạm, Dương Quang Vinh năn nỉ và họ đã... nhắm mắt cho qua.

Nghiêm trọng hơn, khi tòa hỏi Dương Quang Vinh rằng: “Bị cáo nói sao mà được họ bỏ qua?”. Vinh trả lời:  “Bị cáo nói mọi việc đã... lỡ. Làm lại sẽ thiệt hại nhiều”. Câu trả lời thể hiện sự vô trách nhiệm đến mức không thể hiểu nổi của bị cáo Vinh khiến những người có mặt tại tòa muốn nổi giận.

Chờ lún thêm... 20 năm

Với sự “giúp sức” của các "đồng sự" trên, điều tất yếu là đến cuối tháng 2/2002, khi công trình hơn 419 tỉ đồng được đưa vào sử dụng thì chỉ hơn 1 tháng sau, hai hầm chui ở hai đầu cầu Văn Thánh 2 đã tự lún sâu xuống lòng đất đến trên 1,5 m. Ngày 23/7/2003, UBND TP HCM đã ra quyết định sửa chữa “khuyết tật cầu”. Đến tháng 1/2003, việc chống lún hoàn thành thì đến lượt toàn tuyến đường và cầu vượt nút giao thông tại chân cầu Sài Gòn tiếp tục lún. Tháng 7/2004, khi báo giới cảnh báo cầu Văn Thánh 2 sắp bị sập, Bộ GTVT vội tổ chức thanh tra và phát hiện: 36 trên tổng số 48 phiến dầm của cây cầu đã bị nứt, vỡ.

Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày 10/10/2005, trên mặt cầu Văn Thánh 2 lại xuất hiện 2 lỗ thủng lớn đường kính đến 60cm, trơ cả cốt thép. Đơn vị quản lý đã dùng đến... ván ép và gỗ để chống tạm phía dưới, dùng ximăng trám bên trên. Sau hai tháng sửa chữa, cuối tháng 1/2006 cầu được thông xe thì tháng 3/2006, đường dẫn vào cầu Văn Thánh 2 lại xuất hiện “hàm ếch”, đất dưới hai đường dẫn vào cầu bị sụt và trôi xuống sông, tạo ra hai “địa đạo” ở hai bên mố cầu.

Theo kết luận của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chính dẫn đến sự cố cầu Văn Thánh liên tục hư hỏng là do đơn vị thi công đã đốt cháy giai đoạn, bỏ qua một quy trình kỹ thuật hết sức quan trọng là đắp đất ra tải chờ lún trong thời gian 8 tháng, sau đó mới được thi công. Một số chuyên gia cầu đường cho biết, công trình này sẽ tiếp tục chờ lún trong vòng... 20 năm nữa. Vì thế muốn khắc phục, buộc phải thi công lại công trình và chắc chắn là sẽ rất tốn kém; phương án thứ 2 là hư đến đâu “vá” đến đó, giống như thời gian qua đã làm.

Cho đến khi TAND TP HCM đưa ra xét xử vụ án Văn Thánh 2, cũng chưa có đơn vị nào thống kê và đưa ra con số thiệt hại kinh tế liên quan đến cầu Văn Thánh 2. Một chuyên gia cầu đường nhận định: cầu Văn Thánh 2 sẽ còn tốn rất nhiều tiền để khắc phục “khuyết tật”.

Dư luận đã nhắc đến một lỗ thủng về trách nhiệm qua vụ cầu Văn Thánh 2 và toàn bộ công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh. 9 bị cáo tham ô, thiếu trách nhiệm đứng trước vành móng ngựa sẽ phải trả giá cho những sai phạm của mình, nhưng dư luận cũng đang đặt câu hỏi với các cơ quan chức năng: Trách nhiệm của các đơn vị: Công ty TNXP, Cienco 6, Công ty TVTKGTVTPN đến đâu? Khi mà trong suốt một thời gian dài, chính họ cũng là người... nhắm mắt để cấp dưới của mình tự tung tự tác, mua vật tư “chợ trời” để xây dựng công trình hàng trăm tỉ, nhắm mắt để cấp dưới của mình thi công trước, ký hợp đồng sau.

Cuối năm 2005, khi xuất hiện thêm một lỗ thủng trên mặt cầu Văn Thánh 2, các bên liên quan đã trưng bảng xin lỗi người dân TP HCM về vụ việc này. Khi ấy, người ta đã hy vọng đây là lần xin lỗi cuối cùng, nhưng xem ra, lời xin lỗi cũng chỉ là một trong những cách thoái thác trách nhiệm khôn ngoan để trấn an dư luận mà thôi...

PV
.
.
.