Vốn ưu đãi ODA cho Việt Nam sẽ không giảm

Thứ Ba, 03/12/2013, 09:52
Đó là thông tin được ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đưa ra tại buổi họp báo về Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF 2013) ngày 2/12 tại Hà Nội.

Thời gian qua, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) đã được tổ chức như một diễn đàn thường niên đối thoại về chính sách phát triển của Chính phủ, hợp tác phát triển và quan hệ đối tác với các nhà tài trợ, định hướng ưu tiên huy động và sử dụng nguồn vốn ODA. Trọng tâm của hội nghị là các nhà tài trợ sẽ thông báo các khoản cam kết ODA cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, nên quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển sẽ phải thay đổi, điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thay đổi của viện trợ toàn cầu, cũng như ở Việt Nam.

Do đó, năm 2013, Hội nghị CG sẽ được tổ chức theo hướng một diễn đàn đối thoại mở rộng, với sự tham dự của tất cả các đối tác phát triển ở Việt Nam và chuyển sang tên gọi Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF). Đây là sự chuyển đổi về chất của Hội nghị với các nhà tài trợ sau 20 năm, như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định "Tài trợ tiền là cần thiết nhưng quan trọng hơn là cách làm. Hiện Việt Nam cần phải quen với việc tự vay tự trả".

VDPF sẽ tập trung đối thoại thực chất hơn về ưu tiên phát triển cũng như các thách thức trong việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế. Song, theo ông Vinh, Việt Nam vẫn là nước có thu nhập thấp so với mặt bằng chung của thế giới, nên nguồn vốn hỗ trợ vẫn là động lực quan trọng.

Trả lời báo giới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, lần đầu tiên sau 20 năm, cam kết ODA sẽ không là nội dung chính trong cuộc bàn thảo giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ từ các đối tác sẽ không giảm so với trước đây. Trong chuyến làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB), Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)..., các đối tác vẫn cam kết dành cho Việt Nam những hỗ trợ trong thời kỳ tới.

Việc thảo luận về ODA sẽ được bàn thảo theo hình thức song phương, thông qua các buổi làm việc giữa Chính phủ với các đối tác, chứ không dồn vào một hội nghị. Nhật Bản, EU vẫn sẽ tăng mức hỗ trợ cho Việt Nam. Điều quan trọng là phải sẵn sàng tâm thế sử dụng vốn vay với lãi suất cao.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam cũng nhấn mạnh không phải chuyển sang VDPF, mà các nguồn lực cho Việt Nam sẽ giảm đi. "Chúng tôi nhận thấy nguồn lực tài chính vẫn rất quan trọng với Việt Nam khi trở thành nước thu nhập trung bình. Một số đối tác sẽ tiếp tục cam kết tài trợ vốn cho Việt Nam", bà cho biết.

VDPF đầu tiên được tổ chức vào ngày 5/12 tại Hà Nội, chủ đề tổng quát sẽ là “Duy trì ổn định, tái cơ cấu kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, trong đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp trao đổi với các đối tác về tình hình kinh tế vĩ mô hai năm tới

Lưu Hiệp
.
.
.