Số doanh nghiệp tăng kỷ lục nhưng năng suất vẫn kém cỏi

Thứ Ba, 06/02/2018, 14:58

Ngày 6-2 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (GSO), Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo công bố các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp (DN) của các thành phố trực thuộc trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010- 2016. 

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng GSO cho biết, năm 2017, tổng số DN thực tế đang hoạt động là 561.000 DN (không tính DN đã đăng ký nhưng chưa hoạt động, DN ngừng hoạt động có đăng ký). 

Dù có con số thống kê đến năm 2017 nhưng điều tra của Tổng cục thống kê về doanh thu, lao động, lợi nhuận và nộp ngân sách chỉ tính đến cuối năm 2016 trên tổng số DN đang hoạt động là 505.000 DN với tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh 30,2 triệu tỷ đồng. Tổng doanh thu thuần của DN đạt 17,4 triệu tỷ đồng. 

Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt gần 713.000.000 tỷ đồng và đóng góp vào ngân sách nhà nước 962 nghìn tỷ đồng.

Năm 2017, số lượng DN thành lập mới tăng kỷ lục với 126.859 DN, tăng 15,2% so với 2016.

Năm 2017, số lượng DN thành lập mới tăng kỷ lục với 126.859 DN, tăng 15,2% so với 2016. Như vậy, tính đến cuối năm 2017, cả nước có số DN thực tế đang hoạt động là 561.064 DN, tăng 11,1% so với cuối năm 2016. 

Năm 2017, có 34/63 tỉnh thành phố có tốc độ tăng số DN thành lập mới so với năm 2016 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Trong đó, một số tỉnh tăng cao như Bến Tre, tăng 272,6%; Thanh Hóa tăng 110,9%; Hà Giang tăng 45,9%; Hưng Yên tăng 45,2%... 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, khu vực dịch vụ là khu vực hiện có số DN hoạt động nhiều nhất cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Tính theo khu vực kinh tế, dịch vụ có số lượng DN hoạt động nhiều nhất và có tốc độ tăng số DN hoạt động cao nhất. Năm 2016, khu vực này có hơn 354.000 DN. 

Dù có số lượng DN nhiều nhất nhưng khu vực dịch vụ lại thu hút ít lao động hơn so với khu vực công nghiệp và xây dựng. Tổng lao động trong khu vực dịch vụ chỉ chiếm 33,4% với 4,7 triệu lao động. Khu vực kinh tế này cũng thu hút vốn chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ DN. Năm 2016, dịch vụ chiếm 60,8% vốn toàn bộ DN, tương đương 18,4 triệu tỷ đồng.

Ông Phạm Đình Thúy- Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết: Hiện các DN Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn chậm hơn, cho thấy năng suất, chất lượng hiệu quả hoạt động của DN Việt Nam vẫn còn thấp hơn khá nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Đây cũng là vấn đề mà các cấp, ngành đang quan tâm, tìm giải pháo thúc đẩy hiệu quả hoạt động của DN.


Lưu Hiệp
.
.
.