Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng mạnh

Thứ Bảy, 05/06/2010, 16:08
"Trước xu thế nhiều nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, một thị trường đầy tiềm năng với 86 triệu dân và 2/3 trong số này có độ tuổi dưới 35 với thu nhập đang tăng rất nhanh, chúng tôi tin rằng sẽ có một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào cuối năm nay và đầu năm sau vào Việt Nam" - ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quỹ đầu tư Vinacapital, cho biết.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), một diễn đàn để các nhà lãnh đạo hàng đầu cùng thảo luận về các vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực hay từng ngành kinh tế. Hội nghị lần thứ 19 của WEF về Đông Á (WEF Đông Á 2010) sẽ diễn ra tại TP HCM phủ các quốc gia trong khu vực, các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới… tham dự.

Trước thềm hội nghị, ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quỹ đầu tư Vinacapital, một thành viên của WEF đã đưa ra nhận xét về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam tại WEF và sự tác động của WEF Đông Á 2010 với kinh tế Việt Nam.

Phóng viên (PV): Ông vui lòng cho biết thêm các thông tin về WEF và tầm quan trọng của hội nghị này?

Ông Don Lam (ông DL): WEF là một tổ chức phi lợi nhuận có uy tín toàn cầu khi đại đa số các thành viên của WEF là lãnh đạo cấp cao của hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) hàng đầu thế giới. Trong số này, có nhiều DN nằm trong danh sách 500 DN hàng đầu do Tạp chí Fortune bình chọn.

Ngoài ra, WEF còn có sự liên hệ chặt chẽ với lãnh đạo chính phủ nhiều quốc gia và các học giả lừng danh trên thế giới. Trong số những sự kiện do WEF tổ chức thì các kỳ họp hằng năm tại Davos (Thụy Sĩ) được coi như "Phiên thảo luận chiến lược" cho các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế để họ cùng bàn bạc về cách thức tiếp cận, giải quyết các vấn đề chung tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Với quy mô, uy tín như vậy, các sự kiện của WEF luôn được tổng thống và thủ tướng của nhiều quốc gia quan tâm, tham dự. 

Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2010 (WEF Đông Á 2010) là một trong 7 kỳ hội nghị cấp khu vực do WEF tổ chức trong năm nay. Việc Việt Nam được chọn là nơi tổ chức sự kiện này có ý nghĩa quan trọng vì Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành công trong quá trình phục hồi kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009.

PV: Doanh nghiệp Việt Nam có thể trông đợi gì từ WEF và WEF Đông Á 2010?

Ông DL: Chúng tôi nhận thấy, kinh tế thế giới ngày càng hội nhập, những khó khăn mà DN Việt Nam đang gặp phải cũng là những vấn đề mà các DN khác trên thế giới đã, đang phải vượt qua. Việc gia nhập WEF là một cơ hội rất tốt cho DN Việt Nam, cả với DN Nhà nước và DN tư nhân. Đây là dịp để DN trong nước hội nhập hơn nữa với kinh tế thế giới và gặp gỡ các đối tác kinh doanh mới, chinh phục các thị trường mới. Đến nay tôi tin rằng đã có khoảng 20 DN Việt Nam, chủ yếu là các tập đoàn Nhà nước sẵn sàng gia nhập WEF.

Trước khi WEF Đông Á 2010 được tổ chức tại TP HCM vào các ngày 6, 7/6 tới đây, ngay ở Davos và các kỳ họp thường niên của WEF tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Vinacapital cũng đã tiến hành tổ chức các sự kiện bên lề, tạo diễn đàn để nhiều nhà doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới có thể đối thoại trực tiếp với các vị lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Việt Nam. Những buổi thảo luận cởi mở này đã tăng cường sự hiểu biết của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới về Việt Nam. Mà rất đông trong số họ sẽ tham dự WEF Đông Á 2010 lần này. Tôi tin chắc rằng WEF Đông Á 2010 sẽ mở ra nhiều cơ hội dành cho DN Việt Nam

PV: Nhận xét của ông về kinh tế Việt Nam và xu hướng dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam thời gian tới?

Ông DL: Năm 2009, kinh tế Việt Nam đã chứng minh thực lực một cách ngoạn mục trước khủng hoảng tài chính thế giới. Những con số thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam quý 1/2010 đã cho thấy: Sản xuất công nghiệp tăng 13%, bán lẻ tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái…

Tuy cũng đã có một số quan ngại về vấn đề lạm phát, song tôi cho rằng tỷ lệ lạm phát đã qua mức đỉnh và khi xu hướng duy trì giảm phát tiếp tục, lạm phát cả năm nay của Việt Nam sẽ chỉ còn ở mức 8 - 9%. Xét về mặt tổng lực của nền kinh tế, tôi cho rằng tỷ lệ lạm phát dưới 10% của Việt Nam là có thể chấp nhận được. Tỷ lệ này cũng sẽ được các DN nhìn nhận trong tỷ lệ thực lãi sau khi trừ lạm phát nên con số tăng trưởng lợi nhuận cho số đông các công ty sẽ vào khoảng 15 - 20% trong năm nay.

Cũng với góc nhìn này, tôi cho rằng dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2010 chỉ đạt 5,9 tỷ USD, đây là một con số không thực sự cao. Nhưng trước xu thế nhiều nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, một thị trường đầy tiềm năng với 86 triệu dân và 2/3 trong số này có độ tuổi dưới 35 với thu nhập đang tăng rất nhanh. Vì vậy, chúng tôi tin rằng sẽ có một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào cuối năm nay và đầu năm sau vào Việt Nam

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Thắng
.
.
.