Vĩnh Phúc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Thứ Hai, 23/11/2020, 13:56
Tại Hội thảo Vĩnh Phúc - điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng được tổ chức chiều 18/11, các nhà đầu tư tới từ Hàn Quốc và lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ KH&ĐT trao đổi thẳng thắn về những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới và giải đáp về các vấn đề về quỹ đất sạch.


Đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư

Trước hơn 400 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định, Vĩnh Phúc hiện có hơn 500ha đất sạch dành cho công nghiệp, rất sẵn sàng giao cho các nhà đầu tư. Vĩnh Phúc đã cải thiện thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc cho DN, DN có thể liên hệ trực tiếp tới Bí thư tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các giám đốc sở ban ngành để giải quyết, chia sẻ các khúc mắc trong quá trình đầu tư.

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc cho ông Đỗ Quang Hiển, đại diện Liên danh Tập đoàn T&T Group - Tập đoàn YCH - YCH Holdings (Singapore). Ảnh: Thế Hùng

Thực tế cho thấy, cho tới nay, Vĩnh Phúc được xem là một trong những điểm sáng ở khu vực phía Bắc, tính đến nay, tỉnh đã thu hút được 1.206 dự án đầu tư, với tổng số vốn trên 10 tỷ USD (800 dự án DDI với tổng số vốn trên 98,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,2 tỷ USD) và 406 dự án FDI với tổng số vốn trên 6,065 tỷ USD). 

Ứơc đến hết năm 2020, tỉnh thu hút được 1.215 dự án đầu tư, trong đó 803 dự án DDI với tổng số vốn trên 98 nghìn tỷ đồng (khoảng trên 4,2 tỷ USD) và 414 dự án FDI đến từ 19 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 6,165 tỷ USD, trong đó Hàn Quốc có số lượng dự án với tổng vốn đầu tư lớn nhất (213 dự án với tổng vốn đầu tư 2,37 tỷ USD), sau đó là Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Italia, ...điều này thể hiện sự tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đối với môi trường và cơ hội đầu tư ở Vĩnh Phúc.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và các đại biểu dự hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, nhưng Vĩnh Phúc vẫn ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hiện, Vĩnh Phúc đã xác lập vững vàng trạng thái bình thường mới, hiện thực hóa thành công “mục tiêu kép”, vừa giữ vững địa bàn an toàn, điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp; vừa đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, ổn định và phát triển KT- XH. 

Với tiềm năng sẵn có, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính quyền tỉnh, Vĩnh Phúc đã trở thành là một trong những địa phương có lợi thế so sánh cạnh tranh nhất Việt Nam. Sau những giải pháp hữu hiệu trong kiểm soát dịch bệnh, dòng vốn đầu tư FDI vào tỉnh đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Vừa qua, Vĩnh Phúc đã trao Quyết định chủ trương đầu tư Dự án “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc” cho Tập đoàn T&T và YCH của Singapore. 

Với sự “bắt tay” chiến lược giữa 2 Tập đoàn trong việc đầu tư phát triển Trung tâm Logistics ICD, Vĩnh Phúc sẽ góp phần tháo gỡ các nút thắt về áp lực thời gian, vận chuyển, tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho DN đồng thời tạo ra điểm kết nối lưu thông chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế. 

Được đánh giá là một trong những trung tâm logistics ICD có quy mô lớn nhất tại khu vực phía Bắc, dự kiến sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ giữ vai trò là điểm thông quan hàng hóa nội địa, đầu mối giao thông và giao nhận vận tải đa phương thức quan trọng của khu vực. 

Đảm nhiệm chức năng thông quan, làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu; trung chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và quá cảnh trên hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai, các luồng hàng từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và là nơi lưu trữ hàng hóa, phân phối phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng cho các tỉnh Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Hà Giang. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành tặng hoa các đại biểu tham dự hội thảo.

Trung tâm có 4 trụ cột chính là kết nối, bền vững, tốc độ và khả năng mở rộng, hướng tới 5 mục tiêu chính: Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, logistics thông suốt với trung tâm ngang tầm quốc tế, giảm chi phí cho DN, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực.

Với ví trị chiến lược đặt tại Vĩnh Phúc, cùng với Trung tâm điều hành thông minh, cảng cạn ICD sẽ góp phần hỗ trợ DN nhanh chóng và dễ dàng vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ, đường sắt, cũng như chuyển hàng tới các cảng biển và sân bay trong khoảng thời gian tối thiểu. 

Từ đó góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và các thị trường quốc tế khác, đồng thời hình thành Trung tâm đào tạo với các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuỗi cung ứng logistics công nghệ cao thông minh 4.0. 

Với những điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ hoạt động logistics, việc đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ góp phần đặt nền móng vững chắc, khai thác tốt những lợi thế để Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics trong tương lai không xa; tạo nên “mắt xích” quan trọng, thiết yếu thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư, DN đã, đang và sẽ có nhu cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan chứng kiến lễ ký kết.

FDI đóng góp lớn vào nguồn vốn đầu tư

Trong số 19 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Vĩnh Phúc, Hàn Quốc là quốc gia có số dự án, tổng vốn đầu tư lớn nhất với 213 dự án, tổng vốn đầu tư 2,37 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Hàn Quốc chủ yếu hoạt động trong khu công nghiệp, với các lĩnh vực sản xuất chủ yếu là linh kiện điện tử, dệt may, gia công cơ khí, phụ tùng xe máy,...

Theo đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Việt Nam, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp quan trọng cho thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. 

Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp liên tục tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tiêu biểu như Công ty TNHH BH vina, Công ty TNHH Heasung vina, Công ty TNHH Jinyoung vina, Công ty Cổ phần Bangggio vina, Công ty TNHH vina Korea, Công ty TNHH Shinwon Việt Nam.

Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư.

Bên cạnh các nhà đầu tư Hàn Quốc, thì nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng lựa chọn vĩnh Phúc là “bến đỗ” để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo đó, chỉ với hơn 40 doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Vĩnh Phúc, nhưng đóng góp tới 70% tổng số thu ngân sách hàng năm của tỉnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 42 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, trong đó có nhiều DN lớn như Honda, Toyota, Nissin, KCN Thăng Long..., tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động địa phương với thu nhập khá và ổn định. 

Thống kê của ngành Thuế cho thấy: Các DN Nhật Bản chấp hành tốt các quy định về nộp hồ sơ khai thuế đầy đủ, hồ sơ khai thuế nộp đúng hạn khoảng 99% trên tổng so hồ sơ khai thuế. Tính đến hết tháng 9/2020, tổng nợ đọng thuế của các DN Nhật Bản trên địa bàn chỉ ở mức 70 triệu đồng, chiếm một phần rất nhỏ trong số thực nợ thuế của các DN FDI và tổng số nợ thuế của Cục Thuế tỉnh. 

Dự kiến trong thời gian tới, với làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ trên thế giới, cơ chế chính sách linh hoạt của tỉnh sẽ có nhiều hơn nữa các DN đến từ Nhật Bản tìm kiếm cơ hội và xúc tiến đầu tư tại Vĩnh Phúc, qua đó, hứa hẹn mang lại nhiều đột phá trong phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín, Việt Nam khống chế dịch Covid-19 hiệu quả hơn bất kỳ quốc gia nào khác tại Đông Nam Á, thậm chí hơn nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Trong đó, Vĩnh Phúc tuy là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố dịch nhưng đã nhanh chóng giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, mang lại sự tin tưởng lớn cho người dân cả nước và các DN hoạt động trên địa bàn.

Khu công nghiệp Bá Thiện I.

Ở góc độ doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiêp, Phó tổng giám đốc Công ty CP phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) Cao Thị Việt Hằng cho biết, Dự án KCN Bá Thiện- Phân khu I toàn khu có diện tích 247,36ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp là 152,68ha. Đến nay, dự án cơ bản hoàn hành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chính, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. 

Trong thời gian tới, hy vọng khi làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn điểm đến tại KCN Bá Thiện I, công ty luôn kỳ vọng với hạ tầng hoàn thiện, đất sạch, thủ tục nhanh hỗ trợ nhà đầu tư sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…để cùng nhau tạo dựng  môi trường đầu tư hiệu quả, an toàn.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đang quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. 

Khu công nghiệp Bá Thiện 2.

Triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh và sẽ tiếp tục xây dựng các bộ chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận các hỗ trợ đầu tư. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai với thời gian nhanh nhất theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng đón nhận các dự án vào đầu tư. 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ giải quyết những vấn đề về lao động cho doanh nghiệp. Tập trung đầu tư hạ tầng tới chân hàng rào các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và hỗ trợ các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, công khai minh bạch quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch xây dựng và đất đai, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên hệ thống thông tin điện tử; giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Kỳ vọng sẽ được đón tiếp thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nhà đầu tư khác tới triển khai dự án tại Vĩnh Phúc, nhất là các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, ông Lê Duy Thành cũng bày tỏ mong muốn có nhiều dự án hợp tác giữa DN Hàn Quốc, Nhật Bản và DN trong nước trên địa bàn tỉnh, các dự án có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm, thực hiện tốt cam kết về bảo vệ môi trường và tác động tích cực tới phát triển văn hóa – xã hội của địa phương.

Vĩnh Phúc luôn xác định, Hàn Quốc là thị trường tiềm năng, trọng điểm để kêu gọi, thúc đẩy thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là vào những lĩnh vực chế biến chế tạo, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nhiên liệu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện thiết bị điện tử…“Vĩnh Phúc cam kết nỗ lực không ngừng, tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh,” ông Lê Duy Thành khẳng định.

Trước mắt, để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nói chung, Vĩnh Phúc đặt trọng tâm vào việc phát triển hạ tầng các KCN, giao mặt bằng sạch cho DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong quá trình tìm hiểu và xúc tiến đầu tư. Cụ thể, tỉnh tích cực tìm biện pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các KCN, CCN, khu đô thị; đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất đấu giá, đất phát triển KT-XH; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai; tăng cường công tác thanh, kiểm tra công vụ, kiểm soát trách nhiệm thực thi… Từ đó, tạo cơ sở khẳng định Vĩnh Phúc luôn là “bến đỗ” tin cậy của các nhà đầu tư.

“Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tin tưởng rằng Vĩnh Phúc sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có các dự án quy mô lớn, quan trọng của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Trong thời gian tới, hy vọng Vĩnh Phúc tiếp tục là địa phương “đi tiên phong” trong thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư nước ngoài có chất lượng trong bối cảnh mới”, ông Trần Duy Đông Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cũng cho biết thêm, với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc, từ nay tới năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; Vĩnh Phúc không chỉ là môi trường kinh doanh tốt mà còn là môi trường sống tốt. Mục tiêu đó đòi hỏi phải khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là thu hút trực tiếp vốn đầu tư trong nước, nước ngoài vào tỉnh. Vĩnh Phúc rất cần các dự án công nghệ, chất lượng cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn.

Trong thời gian tới Vĩnh Phúc tập trung thu hút và khuyến khích các dự án đầu tư, gồm: Về công nghiệp, tỉnh khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, điện tử, viễn thông, công nghiệp chế biến thực phẩm và các dự án công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực trên.

Về nông nghiệp, tỉnh mong muốn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Về du lịch, dịch vụ, là các dự án y tế, giáo dục, đào tạo nghề chất lượng cao, các dự án du lịch, khách sạn nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Về hạ tầng, là các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyên biệt, tạo kết nối và liên kết cụm ngành; các dự án xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt.

Lưu Hiệp
.
.
.