Việt Nam nên cân nhắc việc phát triển thủy điện

Thứ Bảy, 27/08/2011, 10:59
"Khi quyết định xây dựng thủy điện, Chính phủ Việt Nam cần phải suy nghĩ kĩ về những sự đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và tổn hại môi trường. Tôi vẫn cho rằng, Việt Nam không nên xây dựng thêm thủy điện nào cho đến khi có đầy đủ nghiên cứu đánh giá tác động môi trường tối ưu, sao cho sự tổn hại là nhỏ nhất" - Bà Shana Udvardy - Giám đốc chính sách quản lí lũ lụt - nhận định.
>> Phải giám sát chặt chẽ các dự án thủy điện vừa và nhỏ

Sáng 25/8, Trung tâm bảo tồn và phát triển tài nguyên nước, mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kì tại Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên nước. Bên lề hội thảo, PV Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn bà Shana Udvardy - Giám đốc chính sách quản lí lũ lụt (Cơ quan quản lí sông ngòi Hoa Kì) xung quanh việc phát triển thủy điện và giải pháp sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam.

PV: Bà đánh giá như thế nào về tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước của Việt Nam?

Bà Shana Udvardy: Việt Nam sẽ có nhiều đợt hạn hán hơn, hạn hán cũng sẽ kéo dài hơn, tồi tệ hơn, cũng như sẽ có nhiều lũ lụt hơn. Vùng hạ lưu sông Mê Kông, mực nước biển sẽ dâng cao làm tăng ngập úng, ảnh hưởng tới diện tích đất nông nghiệp. Nhiều khu vực nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, khả năng chống chọi với bão lũ giảm đi.

PV: Gần đây, ở Việt Nam, hạn hán, lũ lụt xảy ra nhiều hơn, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường, nhiều nhà khoa học cho rằng nguyên nhân một phần là do phát triển thủy điện ồ ạt. Quan điểm của bà thế nào?

Bà Shana Udvardy: Lũ lụt, hạn hán có thể bị gây ra bởi nhiều yếu tố: biến đổi khí hậu, tác động của con người... Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, tất cả các đập thủy điện đều tiềm ẩn nguy cơ to lớn đối với hệ sinh thái, môi trường. Bởi vậy, khi xây thủy điện phải tính đến quy chế vận hành an toàn liên hồ chứa để làm sao kiểm soát lũ tốt hơn. Phát triển thủy điện luôn là bài toán đánh đổi nên phải cân nhắc.

PV: Theo bà, Việt Nam có cần thiết phải phát triển thủy điện hay không, trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu điện?

Bà Shana Udvardy: Khi quyết định xây dựng thủy điện, Chính phủ Việt Nam cần phải suy nghĩ kĩ về những sự đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và tổn hại môi trường. Tôi vẫn cho rằng, Việt Nam không nên xây dựng thêm thủy điện nào cho đến khi có đầy đủ nghiên cứu đánh giá tác động môi trường tối ưu, sao cho sự tổn hại là nhỏ nhất.

Thủy điện có thể ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Ảnh: K.H.

PV: Hoa Kì đã dừng nhiều dự án thủy điện lớn, thậm chí theo các chuyên gia Hoa Kì, trong 30 năm nay, Hoa Kì không xây dựng thêm nhà máy thủy điện mới nào. Phải chăng Chính phủ Hoa Kì đã nhận ra, thủy điện không phải là giải pháp năng lượng tối ưu?

Bà Shana Udvardy: Hoa Kì đã dừng nhiều dự án thủy điện mặc dù đã thu được nhiều lợi ích từ thủy điện trong quá khứ. Hoa Kì cũng có nhiều nguồn năng lượng thay thế: năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Việc giảm năng lượng tiêu thụ cũng được khuyến khích. Bởi thế việc hạn chế thủy điện là điều cần thiết và khả thi.

PV: Việt Nam không thể so sánh với Hoa Kì cả về tài chính, công nghệ. Hoa Kì có thể phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, còn ở Việt Nam khả năng này rất hạn chế. Việt Nam rơi vào thế bắt buộc phải phát triển thủy điện. Vậy theo bà, Việt Nam cần làm gì để giảm thiểu tác động tiêu cực từ thủy điện?

Bà Shana Udvardy: Tôi nghĩ Việt Nam nên đánh giá lại, nghiên cứu kĩ xem nhu cầu tổng điện năng thực sự là bao nhiêu, khả năng tiết kiệm được là bao nhiêu, các thủy điện hiện có đã khai thác hiệu quả chưa, đã đến mức phải xây dựng thêm thủy điện mới không. Việt Nam vẫn có thể phát triển năng lượng thay thế, chứ không nhất thiết chỉ là thủy điện.

PV: Ở Mĩ, khi quyết định xây dựng thủy điện, người dân có được tham vấn ý kiến không?

Bà Shana Udvardy: Chính phủ Hoa Kì chỉ thông qua dự án thủy điện sau khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ, thuyết phục. Các tổ chức môi trường bao giờ cũng nghiên cứu rất kĩ. Người dân được quyền lên tiếng phản đối nếu việc xây đập ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Những năm 1960, người dân Hoa Kì đã thành công trong việc ngăn chặn việc xây dựng các con đập lớn. Sông Delaware ở phía đông Missisippi dài 330 dặm mà không có một cái đập nào được xây dựng. Đó là một điều đáng mừng.

PV: Xin cảm ơn bà!

Lâm Khánh Vy (thực hiện)
.
.
.