Việt Nam đầu tư 3,612 tỷ USD sang Khu vực tam giác phát triển

Thứ Tư, 13/03/2019, 08:32
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong những năm qua, tình hình hợp tác đầu tư giữa ba nước Khu vực Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (TGPT CLV) đã đạt được những kết quả nhất định.

Theo đó, Việt Nam có 116 dự án đầu tư sang Lào và Campuchia tại Khu vực TGPT CLV với số vốn đăng ký đầu tư 3,612 tỷ USD, chiếm 44,3% tổng vốn đầu tư sang Lào và Campuchia nói chung. 

Các dự án đầu tư của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trồng cây công nghiệp, xây dựng, khai khoáng, thủy điện và đã đóng góp, tác động tích cực đối với phát triển kinh tế của địa phương thông qua việc đóng góp cho nguồn thu ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng.

Về hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Lào, năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,031 tỷ USD. Việt Nam XK sang Lào chủ yếu là xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng máy móc thiết bị. NK chủ yếu từ Lào là phân bón, gỗ và sản phẩm từ gỗ, quặng và nông sản.

Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia đạt 4,7 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2017. Việt Nam XK sang Campuchia chủ yếu là sắt thép, xăng dầu các loại, hàng dệt may, phân bón, sản phẩm chất dẻo. 

NK chủ yếu là hạt điều, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam với Lào và Campuchia chiếm lần lượt 4,1% và 10,7% tỷ trọng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

Theo Bộ KH&ĐT, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số rào cản trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư vào Khu vực này như: Cơ sở hạ tầng đã được quan tâm nâng cấp nhưng vẫn còn yếu kém hơn so với các khu vực khác và chưa đáp ứng yêu cầu. 

Nguồn vốn đầu tư còn thiếu, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư chưa thật sự rõ ràng và dễ tiếp cận. Quan hệ phối hợp giữa các bên trong một số vấn đề thông thương đi lại và một số thỏa thuận hợp tác còn chưa được quan tâm đầy đủ.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng trong thu hút FDI, đặc biệt là việc thay đổi một số chính sách liên quan đến đất đai và sự hạn chế của một số chính sách về lao động, hải quan..., gây ra những tác động nhất định đối với hoạt động đầu tư kinh doanh của DN trong Khu vực.

L.Hiệp
.
.
.