Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về giá gà ‘đắt đỏ’

Thứ Hai, 24/08/2015, 09:17
Là một nước có tiềm năng lớn, nhưng giá gà ở Việt Nam lại đắt nhất nhì trên thế giới. Và nghịch lý đang diễn ra là dù giá cao, chăn nuôi ế thừa nhưng người nông dân lại được trả công rất thấp, không quyết định được giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm.


Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ đã “đặt hàng” Cục Chăn nuôi cả năm nay nhưng đơn vị này vẫn chưa đưa ra được giải pháp trọng tâm cho ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề chất lượng đàn giống kém, chi phí chăn nuôi quá cao, đầu ra…

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, tổng đàn gia cầm trong những năm qua có xu hướng tăng lên, gà nuôi tập trung ở phía Bắc, chăn thả rông là chủ yếu, nhưng chi phí nuôi gà quá cao, chất lượng giống thấp, thị trường cho các sản phẩm về gà phụ thuộc thương lái là chủ yếu, thông tin dự báo thị trường giá cả còn kém… Chính vì những nguyên nhân này, giá gà ở Việt Nam luôn “đứng” ở vị trí cao nhất nhì thế giới.

Ngành chăn nuôi gà Việt Nam có nguy cơ “vỡ” vì không thể cạnh tranh với gà nhập khẩu.

Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, năng suất gà Việt Nam tuy có cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với bình quân của thế giới. Việt Nam phải mất từ 49-51 ngày mới nuôi được con gà đạt 2,2kg, trong khi đó, bình quân của thế giới là 31 ngày. “Đó là tỷ lệ nuôi công nghiệp ở các trang trại lớn, còn chăn nuôi trong dân thì kéo dài hơn nhiều, đây là lý do dẫn đến giá gà Việt Nam cao khủng khiếp”, ông Sơn đánh giá. Theo ông Sơn, các nhà quản lý, doanh nghiệp chăn nuôi phải tự tìm lối thoát cho họ.

“Việt Nam đang có sự bùng nổ quá nóng về đầu con và sản lượng gà. Ngành chăn nuôi gà của thế giới tăng trưởng 3,7%, còn ta tăng tới 9,7% dẫn tới khủng hoảng thừa là tất yếu. Do vậy, ngành chăn nuôi gà phải có định hướng khác”, ông Sơn phân tích. Điều đáng buồn, theo ông Sơn, trong chuỗi lợi nhuận từ con gà công nghiệp, người nông dân chăn nuôi gà chỉ hưởng lợi 5%, còn lại 20% là thương lái, 33% là người bán. “Chỉ có người nuôi gà lông màu thì hưởng lợi cao hơn chút nhưng cũng chỉ khoảng 6%. Chúng ta chăn nuôi gà chủ yếu theo số lượng, thúc đẩy tiêu thụ nội địa là chính mà không hướng tới xuất khẩu… Ngoài ra, không chỉ riêng thị trường Việt Nam mà các nước cũng đang diễn ra cuộc khủng hoảng thừa ở các sản phẩm nông nghiệp như thịt lợn, sữa, chứ không riêng gì con gà”, ông Sơn cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, nếu ngành chăn nuôi Việt Nam không nhìn nhận lại, tìm ra phương án cải tổ lĩnh vực chăn nuôi gia cầm để có thể hạ chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm thì sẽ “tê liệt” hoàn toàn sức cạnh tranh, dẫn đến nguy cơ “vỡ” ngành chăn nuôi trong nước. Ông Sơn nêu ý kiến, Việt Nam nên hướng tới chăn nuôi gà bền vững, phát triển gà chất lượng cao, kiềm chế tốc độ phát triển của đàn gà công nghiệp vì thị trường đầu ra của loại thịt gà này đã bế tắc.

Xung quanh những ý kiến trái ngược nhau về việc giá gà nhập khẩu quá rẻ và tạo sức ép lớn cho chăn nuôi trong nước khi được chào bán chỉ từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg đùi gà Mỹ, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y khẳng định, tất cả các lô hàng thịt gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam đến nay, qua kiểm tra đều còn hạn sử dụng từ 7 tháng trở lên (tính thời điểm lô hàng về đến cảng Sài Gòn và Hải Phòng). Hơn nữa, tất cả các lô hàng đều không phát hiện dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm, chỉ có 17 mẫu phát hiện kháng sinh nhưng dưới ngưỡng cho phép.

Và theo các cơ quan chức năng, cho đến thời điểm này, chưa ngành nào phát hiện dấu hiệu của sự gian lận thương mại hay gà cận “date”. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, một đại diện Hiệp hội Sản xuất các sản phẩm từ gà Mỹ cho biết, Nga đang cấm vận Mỹ nên các sản phẩm của gà không tiêu thụ được tại thị trường này. Ngoài ra, do dịch cúm gà tại Mỹ, 30 nước đã dừng nhập khẩu sản phẩm gà.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng thận trọng: "Ông ấy tuy không nói rằng, gà Mỹ nhập về Việt Nam rẻ là do các lý do trên, nhưng tôi ngầm hiểu được rằng, do gà Mỹ đang khó tiêu thụ, dư thừa. Ngoài ra, không loại trừ có các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam gian lận thương mại nên đùi gà Mỹ mới bán rẻ như vậy".

Trước thực trạng gà Mỹ “ồ ạt” nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Thú y giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thịt gà của các doanh nghiệp trong nước, đảm bảo gà nhập khẩu đúng xuất xứ, chất lượng an toàn thực phẩm và đề nghị Bộ Công Thương cũng vào cuộc làm rõ nghi án gian lận thương mại của thịt gà Mỹ ở thị trường Việt Nam để có câu trả lời rõ ràng cho người tiêu dùng trong nước.

Chi Linh
.
.
.