Việt Nam đã tiến bước dài trong hội nhập quốc tế

Thứ Năm, 21/01/2016, 08:39
Xuất khẩu tăng trưởng bình quân ở mức trung bình 18%/năm, trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có 3 năm xuất siêu liên tiếp; Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt cao; những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than… được đáp ứng đủ cho nền kinh tế và tiêu dùng của người dân, điều hành giá cả những mặt hàng nhạy cảm ngày càng thêm minh bạch; Đặc biệt việc Việt Nam chủ động tiến những bước sâu hơn trong hội nhập quốc tế, là những thành tựu nổi bật của ngành Công thương trong 5 năm qua.

2015 đánh dấu một năm không mấy tươi sáng của xuất khẩu, khi tổng kim ngạch chỉ đạt khoảng 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014, không đạt kế hoạch tăng trưởng 10% đã đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh hết sức khó khăn của xuất nhập khẩu, với việc giảm giá hàng loạt các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, đặc biệt dầu thô giảm tới hơn 50% về giá, đây không phải là một kết quả quá bi quan. 

Nhìn chung giai đoạn 5 năm (2011 – 2015), xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Đặc biệt, năm 2012 đánh dấu việc xuất siêu trở lại sau 20 năm (284 triệu USD), kể từ khi Việt Nam lần đầu trong lịch sử xuất siêu 40 triệu USD vào năm 1992. Đà xuất siêu tiếp tục được duy trì vào 2013 với 9 triệu USD và đặc biệt là 2014 với mức kỷ lục 2 tỷ USD. Cơ cấu nền kinh tế cũng như cơ cấu xuất khẩu đã có dấu hiệu chuyển dịch dần dần trong giai đoạn này, sang tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, giảm tỷ trọng nguyên liệu thô, đặc biệt là nhiên liệu, khoáng sản…

Một trong những thành tựu nổi bật của ngành Công thương 5 năm qua chính là vấn đề hội nhập.

Trong lĩnh vực năng lượng, giai đoạn này cũng là giai đoạn đánh dấu việc Việt Nam lần đầu tiên có dự phòng về điện vào năm 2014, chấm dứt cảnh “giật gấu vá vai”, thậm chí phải tiết giảm điện vào cao điểm mùa hè của một số năm trước đây. Việc điều hành giá những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, tuy vẫn còn những điểm cần bàn tới, nhưng cũng đã từng bước công khai, minh bạch hơn. Nổi bật nhất trong thành tựu 5 năm là kết quả của hội nhập quốc tế. Tuy “được – mất” còn cần thời gian để trả lời, nhưng ít nhất việc lựa chọn dũng cảm bước ra “biển lớn” để cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu thế giới, đang chứng minh cho quyết tâm cải tổ của Việt Nam. Hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các nước, vùng lãnh thổ, trong đó có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, bao gồm 17 nước G20... 

Tại Hội nghị tổng kết ngành Công thương cuối năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định: Việc hội nhập có rất nhiều thuận lợi, nhưng đi kèm là rất nhiều thách thức. Tuy vậy, không có cách nào khác, ta vẫn phải hội nhập để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước... Đứng trước xu thế toàn cầu hoá, chúng ta không thể đóng cửa, mà chủ động hội nhập. 

Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, nhất là 2 Hiệp định thế hệ mới với EU và TPP. Đây được đánh giá là bước ngoặt mới trong sự phát triển và hội nhập của Việt Nam. Dù trình độ phát triển còn thấp, Việt Nam đã bảo vệ được quyền lợi khi đàm phán tham gia hội nhập và vẫn được các đối tác trân trọng. 

Thủ tướng cũng đánh giá trong 5 năm qua, đóng góp của ngành Công thương trong tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô là lớn, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Hội nhập không chỉ mang lại những cơ hội mới về thị trường xuất khẩu, mà còn tạo động lực và sức ép cải cách cho cả các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trong nước. Đây là điều Việt Nam đang cần để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại mà Việt Nam phải giải quyết nếu muốn cạnh tranh và hội nhập thành công: đó là nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm và tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, chấm dứt giai đoạn gia công hàng hoá. 

Dù kết quả xuất khẩu là rất khả quan, các chuyên gia cho rằng không thể quên đi thực tế là hiện Việt Nam chủ yếu là gia công với hàm lượng trí tuệ rất thấp và giá trị gia tăng không cao. 

Xuất khẩu chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Việt Nam hiện vẫn chưa có bất cứ sản phẩm công nghiệp nào mang thương hiệu của mình vượt ra thế giới. 

Đối với các sản phẩm nông sản, Việt Nam có những sản phẩm có sản lượng hàng đầu thế giới, nhưng lại không thể quyết định được giá cả, thường xuyên xuất khẩu sản phẩm thô và rơi vào cảnh được mùa rớt giá.

Nhận định về giai đoạn 5 năm vừa qua và đặt ra kế hoạch cho 5 năm tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ngành Công thương cũng như toàn bộ nền kinh tế cần tận dụng những lợi thế của hội nhập, đó là điều quyết định cho tăng trưởng, công ăn việc làm. Thủ tướng cũng yêu cầu cần phải có sự tuyên truyền về những thuận lợi, khó khăn mà các hiệp định mang lại để người dân, doanh nghiệp hiểu, để tham gia hợp tác và thành công. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý những khó khăn cho hoạt động xuất khẩu phải tập trung tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để mở rộng thị trường, nhất là những mặt hàng có thế mạnh như: dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông sản,  thủy sản… Cùng với đó là kiểm soát tốt nhập siêu, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế. 

Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng được lưu ý tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận để doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh... nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch… tạo thuận lợi cho công nghiệp, thương nghiệp phát triển mạnh, bền vững hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển.

N.Phương
.
.
.