Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:

Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán, kể cả những vấn đề khó nhất

Thứ Ba, 04/08/2015, 11:39
Ngay sau khi kết thúc phiên đàm phán cấp Bộ trưởng Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Mỹ, Bộ trưởng (BT) Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã dành cho PV một buổi phỏng vấn về kết quả Việt Nam đã đạt được trong phiên đàm phán này, cũng như trong quá trình 6 năm chúng ta theo đuổi hiệp định trên.

PV: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả chung nhất của phiên đàm phán này?

BT Vũ Huy Hoàng: Lần này, Bộ trưởng các nước TPP nhóm họp tại Hawaii (Mỹ) với mong muốn đạt được mục tiêu về cơ bản kết thúc việc đàm phán Hiệp định.

Trong 1 tuần lễ (từ 21/7) làm việc rất căng thẳng, chương trình rất kín, cho đến giờ có thể khẳng định: Mặc dù chưa kết thúc được đàm phán hoàn toàn, thì với những gì các bên đã trao đổi, thống nhất với nhau  đã có đầy đủ các cơ sở để tin rằng khả năng kết thúc đàm phán là hiện thực trong thời gian sắp tới. Về cơ bản, phần lớn các nội dung của Hiệp định đã được các bên thống nhất.

Những vấn đề còn lại số lượng rất ít và cũng chỉ tập trung liên quan đến mở cửa thị trường và sở hữu trí tuệ. Đây cũng chỉ là vướng mắc giữa từng đối tác với nhau, chứ không phải vướng mắc chung của tất cả các nước thành viên. Vì vậy, việc các nước song phương giải quyết các vấn đề vướng mắc sẽ thuận lợi hơn việc phải giải quyết ở cấp độ toàn thể 12 nước. Tôi cho rằng, với tinh thần đó, khoảng cách còn lại giữa các thành viên trong đàm phán sẽ ngày càng thu hẹp và theo thoả thuận các nước sẽ tiếp tục gặp gỡ nhau nhằm để đến phiên họp cấp Bộ trưởng trong thời gian ngắn tới đây sẽ giải quyết được tất cả các tồn tại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

PV: Vậy đối với Việt Nam, đâu là những bước tiến cơ bản nhất chúng ta đã đạt được trong phiên đàm phán lần này?

BT Vũ Huy Hoàng: Riêng đối với Việt Nam thì suốt quá trình dài hơn 6 năm tham gia đàm phán với rất nhiều nỗ lực, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của các nước TPP để họ đồng quan điểm là đàm phán để đạt được một lợi ích cân bằng, nhưng có tính đến sự khác biệt về trình độ phát triển.

Việt Nam có trình độ phát triển khá thấp so với 11 nước còn lại, vì thế, chúng ta đã đề nghị các nước dành sự linh hoạt và chúng ta đã đạt được. Một mặt, chúng ta cố gắng đạt được một số lợi ích cốt lõi thông qua TPP, nhưng mặt khác chúng ta cũng hết sức xây dựng và chia sẻ với các nước thành viên để có thể đạt được kết quả cân bằng.

Kết quả lớn nhất là về mặt nguyên tắc, chúng ta đã kết thúc đàm phán với tất cả 11 nước TPP, trong đó đặc biệt với Hoa Kỳ, về rất nhiều lĩnh vực, kể cả những vấn đề khó nhất. Những vướng mắc đối với Việt Nam gần như không còn nữa. Chúng ta chỉ còn tham gia đàm phán với các đối tác để, nếu cần, xử lý những vấn đề song phương với nhau và đặc biệt là vấn đề hoàn thiện lời văn.

PV: Vậy đâu là những nguyên tắc và những lợi ích cơ bản sau vòng này chúng ta đã đạt được?

BT Vũ Huy Hoàng: Nguyên tắc cơ bản thứ nhất là phải đạt được sự nhất trí của các nước rằng TPP là một hiệp định kinh tế, thương mại, các nước cần phải tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Thứ 2 là phải giành cho Việt Nam những sự linh hoạt trong quá trình thực thi các nghĩa vụ theo hiệp định, vì chúng ta trình độ thấp hơn các nước khác. Đặc biệt phải dành cho Việt Nam những ưu đãi về thị trường đối với những sản phẩm có thế mạnh, như dệt may, giày dép, nông sản, thuỷ sản và một số mặt hàng chế biến. 

Một yêu cầu nữa chúng ta đặt ra là bảo hộ một cách hợp lý một số lĩnh vực chúng ta còn yếu kém, như nông nghiệp, dịch vụ cần một lộ trình đủ dài để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, tạo điều kiện cho DN có đủ thời gian nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Đây là lĩnh vực chúng ta đã đặt ra ngay từ đầu và qua đàm phán đã đạt được. Điều cuối cùng là thông qua Hiệp định này, không chỉ có mở cửa thị trường, mà chúng ta còn muốn có cơ hội thu hút đầu tư vào những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn và cũng thu hút những dịch vụ chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực viễn thông, tài chính, ngân hàng, tư vấn... rút ngắn thời gian để đưa nền sản xuất lên bắt kịp với thế giới.

PV: Vậy ngược lại, Việt Nam đã cam kết những gì để hài hoà lợi ích các bên, thưa Bộ trưởng?

BT Vũ Huy Hoàng: Chúng ta cam kết sẽ thực thi một cách nghiêm túc tất cả những nội dung mà chúng ta đã thống nhất trong qua trình đàm phán hiệp định. Chúng ta nhất quán nguyên tắc đó. Chúng ta đã làm việc này khi gia nhập WTO và đàm phán FTAs với các nước và được các đối tác đánh giá rất cao về việc thực thi nghiêm túc những cam kết của mình. Chúng ta cũng cam kết khi thực thi những nội dung có liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số quy định về pháp luật cho phù hợp. Đây là một cam kết hết sức có trách nhiệm của Việt Nam đối với các nước TPP. Một cam kết nữa, là mặc dù đã có lộ trình, nhưng trong thực thi chúng ta sẽ cố gắng, nếu có điều kiện thuận lợi thì sẽ rút ngắn lộ trình hơn, để 2 bên cùng có lợi. Đây là cam kết bạn đánh giá rất cao.

PV: Vậy có thể nói rằng đâu là “nhân nhượng” lớn nhất chúng ta phải đưa ra?

BT Vũ Huy Hoàng: Trong đàm phán TPP, cái khó nhất và quan trọng nhất là mở cửa thị trường hàng hoá, anh phải đạt được nguyên tắc có đi có lại, lợi ích cân bằng. Trong một số lĩnh vực chúng ta còn hơi yếu, nhưng để các nước TPP dành cho ưu đãi với sản phẩm chúng ta có lợi thế như dệt may, giày dép, nông sản... thì chúng ta cũng sẽ mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư đối với một số lĩnh vực, cho phép các DN nước ngoài có thể tiếp cận thị trường Việt Nam một cách thuận lợi hơn. Ví dụ chúng ta đã chấp nhận mở cửa sớm hơn một số lĩnh vực trong hoạt động thương mại, cụ thể hơn là bán buôn, hay xăng dầu. 

Theo cam kết WTO, chúng ta độc quyền trong phân phối sản phẩm xăng dầu ở Việt Nam, nhưng hiện nay chúng ta đang có hướng mở ra, nếu nước ngoài có liên doanh với Việt Nam để chế biến dầu thô thành xăng dầu thì họ cũng có thể được phép kinh doanh sản phẩm đó ở Việt Nam. Điều này đánh đi một tín hiệu rằng Việt Nam không phải chỉ muốn mình có lợi mà vẫn sẵn sàng chấp nhận lợi ích của đối tác, miễn là những lợi ích đó cũng phù hợp với bước đi của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Trường Sơn
.
.
.