Việt Nam chưa có doanh nghiệp Công nghệ thông tin mạnh

Thứ Bảy, 28/10/2006, 08:30

Năng lực cạnh tranh hạn chế là thách thức lớn nhất đối với ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) khi Việt Nam gia nhập WTO. Chúng ta chưa có những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh để "đá" trên sân "người".

Khi gia nhập WTO, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp, trong đó có máy tính, các thiết bị kỹ thuật số và các loại linh kiện điện tử. Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan khác đối với các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải được gỡ bỏ. Các công ty phần mềm của các nước thành viên sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu phần mềm và các dịch vụ liên quan sang Việt Nam.

Khi là thành viên của WTO, Việt Nam cũng sẽ phải tham gia Hiệp ước CNTT. Theo đó, chúng ta phải gỡ bỏ thuế và các ràng buộc khác đối với sản phẩm CNTT theo cơ chế tối huệ quốc. Điều này có nghĩa chúng ta phải áp dụng thuế suất 0% cho các nước thành viên WTO. Danh sách các sản phẩm phải gỡ bỏ thuế là như nhau đối với mọi thành viên, không có ngoại lệ và bao gồm máy tính, các thiết bị ngoại vi, thiết bị kỹ thuật số và điện thoại di động.

Ông Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết, khi gia nhập WTO, ngành CNTT-TT Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội và thách thức. Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để tiếp cận kinh nghiệm quản lý, trình độ khoa học công nghệ, thu hút vốn. Thuận lợi lớn nhất là doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, thâm nhập thị trường và tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ và kỹ năng quản lý của nước ngoài, tham gia quá trình thiết lập các luật chơi mới, xử lý tranh chấp thương mại, tạo nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao, giá thành rẻ để cạnh tranh với hàng ngoại.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Phúc, Vụ Chính sách Bộ Bưu chính Viễn thông, hiện Việt Nam có hơn 2 triệu máy tính cá nhân đang được sử dụng, điện thoại di động và cố định đạt 27 máy/100 dân. Dự báo giai đoạn từ 2007-2010, Việt Nam cần 2,5 tỷ USD để đầu tư cho viễn thông. Năm 2008, Việt Nam sẽ chính thức mở cửa lộ trình và đến năm 2009 sẽ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài thành lập 100% vốn tại Việt Nam.

Từ 1/1/2007, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được quyền kinh doanh các mặt hàng như doanh nghiệp Việt Nam, sẽ không giới hạn mặt hàng kinh doanh trên giấy phép kinh doanh như trước đây. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh rất khốc liệt với doanh nghiệp trong nước ở tất cả các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, trong đó có dịch vụ viễn thông và CNTT.

Khả năng tài chính mạnh, trình độ quản lý chuyên nghiệp, kinh nghiệm thương trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới với giá thấp và chế độ hậu mãi cao. Với khả năng chi trả lương cao, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thu hút lao động nhiều hơn.

Nằm trong số những thị trường đầu tư hấp dẫn, ngành Viễn thông và CNTT đang là đích nhắm tới của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Hiện hơn 10 hãng viễn thông tiềm năng trên thương trường quốc tế đang có ý định đầu tư vào Việt Nam. Khi lộ trình cam kết được thực hiện thì người tiêu dùng sẽ được lợi vì sự cạnh tranh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng dịch vụ tăng, giá cước nhiều dịch vụ viễn thông nhờ đó đã và sẽ giảm đáng kể.

Ông Phúc cho biết thêm, hiện tại chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực có trình độ quốc tế. Chuyên gia tư vấn của nước ngoài vào Việt Nam làm việc được trả lương 1.000 USD/ngày, trong khi chuyên gia Việt Nam được trả lương 100 USD/ngày còn rất ít. Thách thức lớn nhất đối với ngành CNTT-TT hiện nay chính là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chưa hình thành những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh để "đá" trên sân "người".

Hội nhập thị trường về sản phẩm dịch vụ thông tin và viễn thông dẫn tới sự hội nhập thị trường của các ngành khác và xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giữ vững thông tin liên lạc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Do vậy việc cải cách lĩnh vực viễn thông cũng được tiến hành đồng bộ để tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển.

Khi gia nhập WTO, Việt Nam phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của tổ chức, trong đó có vấn đề tranh chấp và giải quyết tranh chấp. Do đó đòi hỏi phải đào tạo đội ngũ luật sư có hiểu biết đúng về luật quốc tế, có kiến thức khoa học, kỹ thuật. Thiết nghĩ, CTTT-TT cần tận dụng thời cơ để vượt qua thách thức, cạnh tranh thắng lợi trên sân nhà lẫn sân ngoài để khẳng định vị trí của mình

Trần Hằng
.
.
.