Việt Nam cần vượt qua thời kỳ gia công

Thứ Năm, 24/06/2010, 15:09
Một trong những vấn đề tồn tại của tăng trưởng kinh tế xã hội Việt Nam được các chuyên gia lao động và thị trường lao động báo động tại lễ công bố Báo cáo xu hướng lao động và xã hội Việt Nam năm 2009/2010, chính là việc Việt Nam chưa vượt qua được cái bẫy thu nhập thấp, cho dù đã có sự tăng trưởng kinh tế cao so với các nước trong khu vực.

Báo cáo "Xu hướng Lao động và Xã hội Việt Nam 2009/2010" ghi nhận đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam kể từ năm 2000 song hành cùng với sự chuyển đổi nhanh chóng về cơ cấu. Việc làm trong nông nghiệp giảm từ 65,3% trong năm 2000 xuống 52,2% trong năm 2007, do nguời lao động chuyển dịch sang các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Mặc dù sự dịch chuyển sang các khu vực có năng suất cao hơn có giúp cho tổng năng suất lao động tăng thêm 5,1%/năm, năng suất lao động nhìn chung vẫn khá thấp và chỉ bằng 1/5 năng suất trung bình trong ASEAN và khoảng 1/10 mức năng suất của Singapore. Thêm vào đó, dù đói nghèo đã giảm mạnh trong thập kỷ vừa qua, nhưng cũng đã manh nha những vấn đề xã hội khác như tranh chấp lao động gia tăng, trong khi nhìn chung các biện pháp an sinh xã hội chưa bao phủ tới khu vực phi chính thức với quy mô to lớn.

Sức ép việc làm lớn

Lực lượng lao động xấp xỉ 46 triệu người vào năm 2007 đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng về kinh tế của Việt Nam, cũng như đối với sự mở rộng khu vực công nghiệp, hiện chiếm khoảng 1/5 số người lao động. Tuy nhiên, gần 3/4 tổng số lao động đang làm những việc làm bấp bênh với tiền công và điều kiện làm việc nghèo nàn, bảo trợ xã hội cũng như pháp lý còn hạn chế. Thực tế phần lớn lực lượng lao động chưa qua đào tạo nghề cũng góp phần kìm hãm triển vọng phát triển của đất nước.

Đến năm 2015, nền kinh tế Việt Nam sẽ trở nên hội nhập hơn và nhạy cảm hơn đối với nền kinh tế toàn cầu. Cạnh tranh trên thị trường khu vực và toàn cầu sẽ mạnh mẽ hơn và Việt Nam cần phải có hành động tích cực trong thời gian còn lại của Thập kỷ việc làm bền vững châu Á để giải quyết một số thách thức về thị trường lao động và xã hội.

Các chuyên gia của ILO và Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định mức tăng về lực lượng lao động của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2010-2015, với tốc độ bình quân 1,5%/năm, tương đương 738.000 người. Xu hướng này sẽ tạo sức ép to lớn lên nền kinh tế phải tạo đủ cơ hội việc làm cho những người mới gia nhập lực lượng lao động. Trong 5 năm tới, nhu cầu lao động tăng nhanh trong khu vực kinh tế chính thức sẽ là một thách thức nghiêm trọng khác. Để đạt được mục đích này, loại hình công việc làm công ăn lương cần phải tăng đáng kể.

May mặc là ngành sử dụng nhiều lao động nhưng chưa tạo được mức thu nhập đủ sống cho công nhân. Ảnh: T.Uyên.

Tăng năng suất lao động và tính cạnh tranh

Suốt trong nhiều năm qua, Việt Nam đã dựa vào giá nhân công rẻ để phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và hướng tới xuất khẩu như dệt may, giầy da. Đây sẽ không còn là một lợi thế so sánh trong những năm tới khi nước ta chuyển dịch lên mức cao hơn.

Xu hướng sử dụng lao động rẻ đã làm giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Những doanh nghiệp này sẽ ngày càng gặp khó khăn trong xuất khẩu và hấp dẫn thị trường quốc tế khi xu hướng sản xuất ngày càng sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động có tay nghề cao.

Chính vì thế, tăng năng suất lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam sẽ tiếp tục là một ưu tiên trong 5 năm tới. Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 của Chính phủ đã xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7 đến 8%/năm và năng suất lao động vào năm 2015 đạt 1,5 lần của năm 2010.

Ông Huỳnh Phú, chuyên gia của ILO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương về thị trường lao động: Phát triển nhân lực, đào tạo kỹ năng

Ông Huỳnh Phú.
Để tránh cái bẫy về thu nhập thấp, tôi nghĩ Việt Nam cần thực hiện các biện pháp thông thường thôi, đó là đào tạo các kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động. Phát triển nhân lực, đào tạo kỹ năng, điều chỉnh phù hợp với biến đổi về khoa học, công nghệ mới, được như vậy thì Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn, có được thu nhập cao hơn cho người lao động.

Việt Nam cần phải chú ý về mặt kỹ năng và phát triển tính cạnh tranh. Ở các nước như Singapore, Thái Lan họ chú trọng phát triển về năng suất, kỹ năng nên đã thoát khỏi khủng hoảng và đã qua thời kỳ gia công. Như ở Singapore, Malaysia, có chính sách mới để chú ý vào lực lượng lao động và phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp thị trường lao động. Tóm lại là phải điều chỉnh tốt hơn cung và cầu trong thị trường lao động.

Thu Uyên
.
.
.