Việt Nam cần nhận diện để vượt qua bẫy thu nhập trung bình

Thứ Năm, 19/09/2019, 13:01

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%.

Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đương - PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn; trong đó, giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển. “Do đó, Việt Nam cần nhận diện được những khó khăn trước mắt sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu và thách thức là phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh

Chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia về thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, ông K.Yogeesvara, nguyên thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và hàng hóa Malaysia cho biết, quốc gia này đã từng trải qua những giai đoạn phát triển như của Việt Nam. Malaysia đã mất 27 năm để chuyển từ quốc gia có thu nhập thấp và 23 năm để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao. 

Những thách thức mà Malaysia khi đó phải đối mặt là vấn đề tăng trưởng nhanh nhưng thu nhập giữa các vùng miền có sự chênh lệch, vấn đề kỹ năng, chất lượng của nguồn nhân lực…Do đó, ông K.Yogeesvara cho rằng, một trong những giải pháp tránh bẫy thu nhập trung bình là đầu tư xứng đáng vào nguồn nhân lực, vào con người. Ngoài ra, cần xem xét sự cân đối giữa phát triển khu vực sản xuất và khu vực dịch vụ, giải quyết vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ kết quả tăng trưởng.


Duy Tiến - Lưu Hiệp
.
.
.