Việt Nam cần áp dụng công cụ tự vệ thương mại

Thứ Năm, 24/04/2008, 14:40
Việt Nam cần xây dựng và thực hiện những chính sách để người dân có tiếp cận tốt hơn dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện, trợ cấp thất nghiệp. Tăng cường vai trò của công đoàn, cơ chế 3 bên và thỏa ước lao động tập thể để bảo vệ lợi ích của người lao động trước những thay đổi kinh tế.

Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu tác động của WTO đối với Việt Nam, đặc biệt giai đoạn 1 sau khi gia nhập, dự án hỗ trợ thương mại đa biên II (MUTRAP II) do Ủy ban Châu Âu tài trợ, Bộ Công thương thực hiện phối hợp với Sở Thương mại TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo giới thiệu sơ bộ kết quả nghiên cứu do đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, các trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vào sáng 23/4.

Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia tư vấn cao cấp thảo luận về tác động của tự do hóa thương mại và gia nhập WTO đến công nghiệp, nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, tác động của thay đổi chính sách có những mặt tích cực và cơ hội cũng như mặt tiêu cực và thách thức.

Tuy nhiên, tác động thay đổi của chính sách cũng có mặt tiêu cực và thách thức, đó là áp lực lớn hơn đối với Việt Nam trong việc duy trì năng lực cạnh tranh. Việc giảm thuế, giảm bảo hộ sẽ dẫn đến cạnh tranh tăng lên đối với các ngành trong nước.

Mức lãi và thị phần của một số khu vực bị thu hẹp. Rủi ro trong xuất khẩu bởi những cú sốc từ bên ngoài, biến động của giá thế giới, rào cản thương mại và sự thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu…  Ngoài ra, vị thế kinh tế phi thị trường cũng dẫn đến việc xuất khẩu của Việt Nam ở thế bất lợi.

Các chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng, tác động WTO đối với Việt Nam sau một năm gia nhập đã thể hiện rõ nét ở những hiện tượng sau: Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết tăng mạnh (gấp đôi), từ khoảng 10 tỷ USD năm 2006 lên 23 tỷ năm 2007; nhập khẩu tăng nhanh bao gồm cả máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng; tỷ lệ nhập siêu cao; môi trường chính sách minh bạch, ổn định hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư; độ mở cửa nền kinh tế cao hơn, do đó nền kinh tế Việt Nam chịu sự tác động trực tiếp và tức thời của tình hình kinh tế thế giới.

Ngoài ra, vẫn còn một số tồn tại đó là: Cơ cấu xuất nhập khẩu chưa có sự thay đổi đáng kể. Xuất khẩu vẫn tập trung ở những mặt hàng sử dụng nhiều lao động và tài nguyên. Việc liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa phát triển mạnh. Phát triển công nghiệp, dịch vụ phụ trợ, các chuỗi liên kết và tăng trưởng trong nông nghiệp còn chậm.

Tuy nhiên, nhìn chung, việc gia nhập WTO của Việt Nam cũng đã thể hiện nhiều lợi ích như: cung cấp công cụ pháp lý để chống lại chính sách bảo hộ của các thành viên. Chính sách Việt Nam trong một số lĩnh vực phù hợp với cam kết/nghĩa vụ WTO sẽ được coi là sự đảm bảo về xu hướng chính sách của Chính phủ Việt Nam, đây là yếu tố tác động gián tiếp FDI tăng mạnh.

Việc gia nhập WTO cũng đã tác động tích cực đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, tạo động lực đẩy mạnh nỗ lực cải cách trong nước để cải thiện môi trường kinh doanh…

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, một số cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ và bảo vệ quyền SHTT có thể gây những tác động xã hội tiêu cực đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo và việc làm. May mắn là trong phần lớn những lĩnh vực nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình thực hiện tự do hóa khá hợp lý và với tư cách một thành viên WTO, Việt Nam có thể áp dụng một số công cụ tự vệ thương mại để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia đã khuyến nghị: Việt Nam cần xây dựng  và thực hiện những chính sách để người dân có tiếp cận tốt hơn dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện, trợ cấp thất nghiệp. Tăng cường vai trò của công đoàn, cơ chế 3 bên và thỏa ước lao động tập thể để bảo vệ lợi ích của người lao động trước những thay đổi kinh tế. Nâng cao chất lượng đào tạo và kỹ năng để nguồn nhân lực Việt Nam có thể đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng.

Đặc biệt, cần thu hẹp khoảng cách thu nhập, đảm bảo phân phối thu nhập công bằng giữa các địa phương, các nhóm lợi ích, đặc biệt là khu vực miền núi, hẻo lánh và nhóm những người nghèo nhất

Thúy Hà
.
.
.