Việc công khai các cơ sở kinh doanh vi phạm ATTP còn hạn chế

Thứ Năm, 02/01/2014, 09:40
Liên quan đến vấn đề kiểm soát vật tư nông nghiệp, và an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2014, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định, dù có nhiều nỗ lực của các ngành chức năng nhưng thị trường vẫn tồn tại các sản phẩm không đảm bảo ATVSTP và vật tư nông nghiệp giả, nhái, kém chất lượng.

Phóng viên: Ngoài việc tạo ra các sản phẩm giá trị cao thì việc đảm bảo người dân sử dụng các sản phẩm nông nghiệp an toàn cũng là yêu cầu đặt ra rất bức thiết hiện nay, thưa bà. Ý kiến của bà ra sao?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm (ATTP), được Bộ NN&PTNT coi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013. Kết thúc một năm, chúng ta cũng đã có những tiến bộ về kiểm soát vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng. Nhưng thực tế, cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn nhiều sản phẩm kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường, đặc biệt qua con đường buôn lậu tại các tỉnh biên giới rất khó kiểm soát. Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đã tăng cường kiểm soát các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, phối hợp với các địa phương thanh tra, kiểm tra các cơ sở loại C (không đạt tiêu chuẩn).

Phóng viên: Được biết, Bộ NN&PTNT đã triển khai giám sát chất lượng nông sản theo chuỗi, bà có đánh giá gì về hiệu quả của mô hình này?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Hiện tại chúng tôi thực hiện chương trình quản lý chất lượng theo chuỗi, từ đầu vào là vật tư nông nghiệp đến quá trình sản xuất - lưu thông để phát hiện những khâu, những nơi dễ xảy ra vi phạm để tập trung giám sát. Bộ NN&PTNT đã thực hiện một số mô hình trên cơ sở các dự án hợp tác quốc tế như Canada, Nhật Bản… và có nhiều mô hình tốt như chè, rau củ, quả, thịt, thủy sản…  Chúng tôi cũng chọn những sản phẩm có rủi ro cao như chè, rau quả, thủy sản để kiểm soát.

Tuy nhiên, ngoài việc quản lý theo chuỗi, chúng tôi cũng xác định cần phải xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, về danh mục các chất được phép và không được phép sử dụng trong quá trình bảo quản, chế biến để kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh… Cũng như tập trung tạo ra liên kết với các cơ sở, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để người dân tìm được các địa chỉ tin cậy, cảnh báo cho người dân về các sản phẩm có nguy cơ mất an toàn. Giải pháp tiếp theo là tăng cường thanh tra, kiểm tra…

Phóng viên: Bà có nói về công tác thanh tra, kiểm tra, nhưng thực tế là khi kiểm tra thì các cơ sở thường biết trước có đoàn kiểm tra, làm sao để hạn chế được tình trạng này?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Chúng tôi thực hiện hai biện pháp: Một là kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất. Cũng có một số nơi, trước khi đoàn kiểm tra đến, đã có thông tin để cơ sở biết rồi tìm cách đối phó nhưng theo quy trình, chúng tôi lấy mẫu diện rộng ở nhiều địa bàn. Ví dụ, cùng một cơ sở sản xuất nhưng lấy mẫu ở nhiều nơi có bán sản phẩm của cơ sở này để truy tận nơi nguồn gốc xác minh quy trình sản xuất đến đâu, vi phạm thế nào để xử lý công khai.

Phóng viên: Nhân bà nói đến việc “công khai”, nhiều cuộc họp, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ công khai danh tính các cơ sở vi phạm nhưng tỷ lệ vi phạm được công khai còn ít, đặc biệt là tại các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Việc công khai trên website của Bộ rất nghiêm túc, một số Cục như Cục Trồng trọt hay Cục Chăn nuôi cũng thực hiện tốt việc công khai cơ sở vi phạm nhưng quả thật là tại địa phương còn hạn chế. Nhiều địa phương vướng mắc ở quy trình thanh tra và cũng còn “phân vân” kết quả phân tích kiểm nghiệm chưa đủ chính xác, sợ doanh nghiệp phản ứng nên chậm công khai cơ sở vi phạm. Những hạn chế này, lãnh đạo Bộ đã biết và sẽ kiên quyết khắc phục trong năm nay.

Phóng viên: Tết Nguyên đán đã đến gần, vấn đề người tiêu dùng đặc biệt quan tâm là ATVSTP đối với các mặt hàng tươi sống, nông sản phục vụ Tết, Bộ NN&PTNT có kế hoạch kiểm tra như thế nào đối với các sản phẩm này để đảm bảo cho người dân có một cái Tết an toàn?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các lực lượng liên ngành sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra và chỉ đạo các địa phương kiểm tra các mặt hàng nông sản. Chúng tôi sẽ đi kiểm tra những cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp theo Thông tư 14, để kiểm soát tận gốc, đồng thời ngăn chặn được hàng giả, hàng nhái qua biên giới. Bộ cũng đã huy động tất cả các đơn vị như thanh tra, thanh tra liên ngành… để ngăn chặn và phát hiện các vụ việc tiêu cực.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nâng mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm tới trăm triệu đồng

Chiều 31/12, Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết: Từ ngày 31/12, Nghị định 178 chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Như vậy, cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, với các vi phạm hành chính về ATTP có tính chất nghiêm trọng như: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh để sản xuất, chế biến thực phẩm,… thì mức tiền phạt bằng 3,5 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với cá nhân, hoặc 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với tổ chức. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ thẩm quyền xử phạt cho các chức danh có quyền xử phạt là: Chủ tịch UBND các cấp; chiến sĩ Công an thuộc Công an cấp xã, huyện, tỉnh; thanh tra chuyên ngành; Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển…

Thái Hoàng

Ngọc Yến (ghi)
.
.
.