Việc chủ tàu lạm thu hàng chục loại phụ phí: Nhiều chủ hàng mong sớm được can thiệp

Thứ Ba, 26/08/2014, 10:51
Cảng hết tắc nghẽn, nhưng một số hãng tàu nước ngoài hoặc đại lý của hãng tàu vẫn áp dụng thu phụ phí bất hợp lý, khiến nhiều chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam “khóc dở, mếu dở”. Các loại phụ phí này lại được chủ tàu thu tăng theo thời gian, tăng 20-30% so với năm trước.

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp bàn về việc thu phụ phí của các hãng tàu biển nước ngoài. Cụ thể, đối với phí dịch vụ container THC, là phí trả cho cảng xếp dỡ container nhưng mức thu cao hơn rất nhiều giá thu thực tế của hãng, phí này do chủ tàu thu trực tiếp từ chủ hàng và nộp cho cảng, mức thu của cảng khoảng 35 USD/cont 20 và 40-50 USD/cont 40, nhưng chủ tàu lại thu từ chủ hàng là 100-120 USD/cont để hưởng chênh lệch.

Hay như phí mất cân đối container (CIC hoặc CIS), chỉ phát sinh khi có sự mất cân đối vỏ container giữa hai đầu bến, thường chỉ xuất hiện theo thời vụ, đối với hàng nhập về Việt Nam nếu phát sinh phí CIC thì chủ hàng xuất tại nước ngoài sẽ phải chịu phí này nhưng chủ tàu vẫn thu từ chủ hàng Việt Nam với giá thành rất cao và thu liên tục từ năm 2010 đến nay. Vô lý hơn cả là phí tắc nghẽn cảng (PCS).

Nhiều chủ hàng “khóc dở mếu dở” vì chủ tàu thu phụ phí.

Vừa qua, tại Cảng Cát Lái có xảy ra hiện tượng tắc nghẽn hàng hóa, sau khi có sự phối hợp giải quyết của Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan, tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại cảng đã được giải quyết. Hiện tại, tình hình hoạt động của cảng đã hoàn toàn ổn định. Tuy vậy, một số hãng tàu nước ngoài hoặc đại lý của hãng tàu vẫn áp dụng thu phụ phí tắc nghẽn tại cảng Cát Lái và một spos hãng tàu có thông báo sẽ thu trong thời gian tới… Ngoài ra, với phí sửa chữa vỏ container, mặc dù phí này đã được tính vào chi phí khấu hao tài sản trong quá trình kinh doanh, nhưng hãng tàu vẫn thu từ phía chủ hàng Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu cho biết: “Theo thông lệ quốc tế, một số loại phí chỉ được thu khi phát sinh hiện tượng như phí tắc nghẽn cảng, phí mất cân bằng vỏ container. Tuy nhiên, chủ tàu vẫn lợi dụng cơ hội áp dụng thu đều đặn các loại phí”.

Cũng theo ông Thu, hiện đội tàu biển của Việt Nam chưa đủ năng lực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Chủ hàng Việt Nam thường sử dụng hình thức mua CIF, bán FOB (mua tại cảng đến, bán tại cảng đi) nên quyền thuê phương tiện chủ yếu thuộc đối tác nước ngoài, do đội tàu nước ngoài đảm nhận. “Thực chất các loại phí này nằm trong giá cước vận tải đã được ký kết trong hợp đồng, nhưng do các hãng tàu hạ giá cước vận tải để giành hợp đồng từ bên ngoài Việt Nam và tăng thu phụ phí của chủ hàng Việt Nam để bù lại giá cước. Do không có quyền lựa chọn hãng tàu nên chủ hàng phải chấp nhận trả các loại phí này để lấy được hàng”, ông Thu nói.

Phó Cục trưởng cũng nhấn mạnh, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành lập tổ công tác liên ngành giám sát việc thu phụ phí tàu biển của hãng tàu nước ngoài. Đồng thời, gửi văn bản yêu cầu hãng tàu nước ngoài ngừng thu phí tắc nghẽn cảng tại cảng Cát Lái...

Thanh Huyền
.
.
.