Xử lý các cơ sở công nghiệp xả thải thẳng ra môi trường:

Vì sao vi phạm nhiều, xử phạt khó?

Thứ Hai, 15/07/2013, 22:28
Trung bình mỗi ngày có 240.000m3 nước thải từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tài nguyên Môi trường đã xử phạt trên 8,1 tỷ đồng vi phạm về môi trường, kiến nghị truy thu trên 545 triệu đồng. Tuy nhiên con số này vẫn chưa phản ánh hết tình hình vi phạm của các cơ sở sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt vì chi phí vận hành hệ thống xử lí nước thải tập trung (HTXLNTTT) rất tốn kém, trong khi chế tài xử lý thì quá nhẹ...

Mới đây, Đoàn thanh tra môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất và bắt quả tang Công ty cổ phần Giấy An Hòa (đóng trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã xả ra sông Lô một khối lượng nước thải khoảng 5.500m3/ngày đêm  chưa qua xử lý. Công ty cổ phần Giấy An Hòa sản xuất với quy mô lớn, nước thải của công ty là 7.500 m3/ngày.

Nhà máy có hệ thống xử lý nhưng hệ thống này hiện không chạy đúng quy định, chỉ có khoảng 500m3/ngày chảy vào hệ thống xử lý. Trước đó, công ty này cũng bị Cảnh sát môi trường phạt 225 triệu đồng do có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt vì vận hành hệ thống xử lí nước thải khá tốn kém. Thời gian qua, việc xử phạt vẫn được thực hiện theo Nghị định 117 ngày 31/12/2009 của Chính phủ, mức phạt cao nhất cho một hành vi vi phạm là 500 triệu đồng. Mức phạt này được coi là còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

“Tôi thấy mấy năm qua, rất ít doanh nghiệp bị phạt đến 200 triệu đồng với hành vi xả nước thải thẳng ra môi trường, chủ yếu mức phạt là 30 - 50 triệu đồng. Phạt nhẹ quá nên doanh nghiệp không sợ” - ông Lương Duy Hanh - Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường khẳng định. Bộ Tài nguyên - Môi trường đang soạn thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 117. Theo đó, mức xử phạt cao nhất cho hành vi vi phạm môi trường được nâng lên 1 tỷ đồng (với cá nhân) và 2 tỷ đồng (đối với tổ chức).

TS Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, 60% các khu công nghiệp ở Việt Nam đã xây dựng HTXLNTTT nhưng do vận hành tốn kém nên không ít nơi cố tình né tránh. Bởi vậy, trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 240.000m3 nước thải được xả thẳng ra môi trường, chưa qua xử lí.

Theo ông Tùng, để giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất, cần phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động để kịp thời phát hiện những sai phạm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10% HTXLNTTT của các khu công nghiệp có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động

Khánh Vy
.
.
.