Vì sao thành vỡ nợ "khủng"?

Chủ Nhật, 16/10/2011, 12:12
Vỡ nợ, tín dụng đen… đã và đang là chủ đề "nóng" trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua. Chỉ đến lúc này - khi hàng loạt vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng tiền tỷ bị đổ bể, nhiều người mới giật mình đặt câu hỏi: Vì sao những người đàn bà ít học, không có nghề nghiệp lại có thể dễ dàng huy động được số tiền lớn như vậy?
>> Vụ vỡ nợ "khủng" ở Cầu Giấy: Bị hại cũng đáng trách

Để trả lời câu hỏi đó, chúng tôi đã có mặt tại các địa bàn nơi "cơn lốc" tín dụng đen vừa đi qua để nghe những người trong cuộc bộc bạch. 

Nỗi niềm người bị hại

"Tôi đã cầm trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền thì không phải trả cùng một lúc, chắc chắn miếng đất cầm cố sẽ về tay tôi… Trong khi mỗi tháng vẫn đều đặn nhận được một khoản tiền lãi cao hơn so với lãi suất của ngân hàng, với điều kiện ấy, cô bảo ai mà chẳng ham?", Nguyễn Văn M., một trong những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là "vệ tinh" của vợ chồng Quang, Quyên tại huyện Đan Phượng xót xa kể lại.

Anh M. đã bị mất 13 tỷ đồng, số tiền này do anh huy động được của anh em bạn bè và một phần là do vợ chồng anh ky cóp được trong bao năm qua. Khi chúng tôi đến, "sàn" bất động sản của anh M. tịnh không một bóng người. Anh M. mắt thâm quầng, mệt mỏi vì nhiều đêm mất ngủ bộc bạch: Sau vụ vỡ nợ, cả ngày cũng chẳng có người đến hỏi mua đất. Không chỉ kinh doanh bất động sản mà nhiều ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề của cơn lốc tín dụng đen. Anh M. giờ cả ngày "ngồi chơi, xơi nước", lại liên tục bị những người cho vay tiền thúc ép đòi nợ…

Theo lời kể của anh M. thì các lần giao dịch cho vay tiền, anh đều thực hiện thông qua kế toán của vợ chồng Quang, Quyên tên là Nguyễn Thị N. (tên đã được thay đổi). Một lần, nhân viên kế toán của vợ chồng Quang, Quyên qua nhà anh, nhờ bán một lô đất chừng 60m2 tại huyện Đan Phượng.

Một số bị hại của vợ chồng Quang, Quyên đến trình báo tại cơ quan Công an.

Trong quá trình giao dịch, người này đưa ra một giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất tại huyện Đan Phượng, nhờ anh M. bán hộ (miếng đất trị giá khoảng 3 tỷ)… Nhân viên kế toán đã yêu cầu được đặt lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ chuyển nhượng và viết giấy vay trước 1 tỷ. Sau vài hôm, nhân viên này lại đặt vấn đề vay thêm 500 triệu. Tiền thì không phải trả cùng một lúc, giấy tờ thì đã cầm trong tay; khi hợp đồng chưa hoàn tất vẫn được nhận tiền lãi… đó là lý do khiến anh "mạnh tay" cho Quang, Quyên vay tiền.

Hiện tại, anh M. đang rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng lan", các giấy tờ đất anh cầm cố thì không thể bán vì chưa hoàn tất các thủ tục sang tên. Hơn nữa các miếng đất này đang liên quan đến việc giải quyết vụ án nên cũng không thể đem ra mua bán.

Cùng cảnh ngộ với anh M. là vợ chồng anh K. và chị H., ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng. "Vì tiếc của, mấy hôm nay vợ tôi đã đổ bệnh - anh K., chồng của chị H. buồn rầu nói. Trong vụ vỡ nợ này, vợ chồng anh K. đã đưa cho Quang, Quyên hơn 2 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1 tỷ đồng của bố đẻ chị H. gửi chị. Không dừng lại ở đó, chị gái của K. cũng cho vợ chồng Quyên vay khoảng 6 tỷ đồng; anh trai của H. cũng đưa cho Quyên khoảng 5 tỷ đồng…

"Có lần Quyên bảo là đang cần nhập một số ôtô ở Hải Phòng. Có lúc lại nói lý do là cần vốn đáo hạn ngân hàng, đồng thời Quyên hứa hẹn trả lãi 2 nghìn đồng/triệu/ngày. Quả thực, tôi cũng đã nhận được khoảng 100 triệu đồng tiền lãi… Quyên có mấy gara bán ôtô, lại có cửa hàng vàng bạc, nhìn vào cơ ngơi đó, ai mà chẳng tin", anh K. ngậm ngùi. Khoảng 2 tháng trước khi vụ vỡ nợ xảy ra, vợ anh đang phải nằm dưỡng thai ở bệnh viện phụ sản đã liên tục gọi điện thoại, thậm chí "nói như van xin" để Quyên thương cho hoàn cảnh của mình mà trả tiền, nhưng Quyên vẫn không trả. 

Hai câu chuyện của hai bị hại trên phần nào lý giải cho bạn đọc về thủ đoạn "huy động" vốn của vợ chồng Quang, Quyên. Quanh vụ vỡ nợ này, báo chí đã tốn không ít giấy mực khi nói về thủ đoạn phạm tội của vợ chồng Quang, Quyên như "đánh bóng" thương hiệu bằng cách tham gia các hoạt động xã hội; nộp thuế đầy đủ và bản thân Quang nhiều năm liền là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đan Phượng.

Không dừng lại ở đó, dù làm ăn thua lỗ, nhưng vợ chồng Quang, Quyên vẫn tiếp tục mở các salon ôtô (trên thực tế đều là tài sản ký gửi của nhiều doanh nghiệp và cá nhân) để che đậy việc làm ăn thua lỗ. Và có một thông tin mới nhất là toàn bộ số vàng bày bán ở tiệm vàng Quang, Quyên đều chỉ là vàng mỹ ký. Trong trường hợp khách "tha thiết" yêu cầu mua thì Quang, Quyên sẽ đi lấy hàng ở nơi khác về bán. Thực tế cửa hàng kinh doanh vàng bạc này mở ra để "che mắt thiên hạ" và có cớ tiếp tục huy động vốn.

Thủ đoạn của kẻ bất lương và biện pháp phòng ngừa

Vụ vỡ nợ của vợ chồng Quang - Quyên, vụ vỡ nợ của vợ chồng Nguyễn Thị Dậu ở Hà Đông, vụ lừa đảo mạo danh hãng bảo hiểm Prudential của Bùi Thị Thu Hằng và gần đây nhất là vụ vỡ nợ do Nguyễn Thị Cúc ở huyện Phú Xuyên, Phạm Thị Chinh ở Cầu Giấy, Hà Nội… cho thấy đối tượng phạm tội phần lớn là nữ giới, tất cả đều dùng "lãi suất cao" để huy động vốn. Thủ đoạn của chúng là thường tìm hiểu về người chúng định vay tiền như trường hợp của Cúc. Hiện nay, hàng loạt cửa hàng vàng bạc trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã trở thành nạn nhân của Cúc.

Trước tiên, chị ta đến các cửa hàng bán vàng với số lượng lớn để tạo uy tín có nhiều tiền. Sau đó, Cúc lại mang tiền gửi ở các tiệm vàng (thực chất đều là tiền Cúc huy động của những người khác). Tiếp đó là việc bưng bít thông tin (Cúc khéo léo để những người bị hại không cho nhau vay tiền). Ngoài câu nhử bằng lãi suất cao, sòng phẳng ngay từ đầu, có đối tượng còn tạo sự ham muốn cho bị hại, chúng thường khoe khoang về khả năng kinh doanh của mình, làm ăn dễ dàng như chơi mà vẫn giàu có...

Ngày 11/10, phát biểu tại buổi sơ kết đánh giá tình hình an ninh trật tự quý III-2011 của Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng vỡ nợ tín dụng đen đang xảy ra trên địa bàn thành phố. Người dân muốn vay bao nhiêu cũng có và ngược lại chủ nợ muốn huy động một số tiền lớn cũng không phải là điều quá khó. Trong khi đó, cơ chế giám sát, quản lý việc cho vay theo hình thức tín dụng đen này vẫn bị bỏ ngỏ. Đây chính là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng và thực hiện các hành vi phạm tội.

Để không xảy ra các vụ vỡ nợ như thời gian vừa qua, trước tiên cần coi trọng công tác tuyên truyền pháp luật trong nhân dân. Việc tuyên truyền phải sâu rộng, định hướng dư luận, bóc trần thủ đoạn phạm tội của các đối tượng gây án. Nếu có người đến vay tiền, ta chỉ cần đặt một câu hỏi đơn giản: Họ kinh doanh gì mà trả lãi suất cao như vậy? Chỉ cần trả lời được câu hỏi này, thì mỗi người sẽ tỉnh táo để không bao giờ đầu tư theo kiểu may rủi như thế.

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Xử lý nghiêm các chủ nợ

Những vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra thời gian qua là một thực trạng đáng báo động trong đời sống xã hội. Một số người dễ lầm tưởng quan hệ vay mượn tài sản, tiền bạc chỉ là quan hệ dân sự. Trong thực tế, theo quy định của pháp luật, cơ sở để xác định một người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 Bộ luật Hình sự) là: Hai bên giao và nhận tài sản hoàn toàn ngay thẳng dựa trên hợp đồng (vay, mượn, thuê...) và sự tín nhiệm (người quen biết, bạn bè, đồng nghiệp). Sau khi có được tài sản đối tượng mới nảy sinh hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc đánh tráo, hoặc gian dối là bị mất…, không trả lại tài sản do không có khả năng hoàn trả vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp khác.

Giúp nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, đó là một đức tính tốt đẹp của nhân dân ta từ bao đời nay, tất cả bắt nguồn từ lòng tin. Điều đau đớn với các bị hại không chỉ là những đồng tiền cả đời tích cóp bị mất trắng mà còn ở chỗ lòng tin của họ bị lợi dụng, khiến quan hệ giữa con người với nhau xấu đi. Vì vậy, việc xử lý thật mạnh tay với các chủ nợ là vô cùng cần thiết và qua đó, những bị hại cũng rút ra bài học bổ ích trong các quan hệ, đặc biệt là những quan hệ liên quan đến tài sản.

N.Tuấn - X.Mai
.
.
.