Vì sao tái cơ cấu không đạt như kỳ vọng?

Thứ Năm, 13/10/2016, 08:36
Tái cơ cấu nền kinh tế được đưa ra tại Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI, nhưng sau 5 năm, kết quả không như ý muốn...

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do việc tái cơ cấu “động chạm” quyền lợi của các nhóm lợi ích, khiến nhiều người ngoài miệng thì hô hào, nhưng thực chất không muốn làm.

Tại sao “thiên thời - địa lợi - nhân hoà” mà tái cơ cấu nền kinh tế mấy năm qua lại diễn ra rất khó khăn? là câu hỏi được TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt ra. “Tái cơ cấu là một nhiệm vụ trọng đại được nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3 nhiệm kỳ trước, có sức lôi cuốn rất mạnh, nhưng lại được tiến hành rất chậm chạp. Vấn đề có lẽ nằm ở động lực tái cơ cấu không có.

Khác với đổi mới 1986, khi đó Nhà nước nghèo, doanh nghiệp cũng nghèo, dân thì đói nên phải thay đổi. Hiện nay, các nhóm lợi ích không muốn tái cơ cấu vì lợi ích bị ảnh hưởng. Cốt lõi của quá trình tái cơ cấu vì thế không được đụng chạm đến, việc thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực chưa diễn ra, vẫn dựa vào xin - cho, chứ không dựa vào thị trường”. Kết quả là dấu hiệu mất cân đối trong nền kinh tế vẫn đang tồn tại. Tụt hậu đã chuyển từ nguy cơ thành hiện thực ngày càng rõ.

Thống nhất với TS Trần Đình Thiên về nhận định tái cơ cấu đang diễn ra quá chậm và vấn đề nằm ở phân bố và sử dụng nguồn lực, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng “Ai cũng đồng ý thay đổi, nhưng khi đụng đến thay đổi thì không ai muốn làm, vì sợ mất quyền lợi. Các bộ, ngành cũng thế”.

Tái cơ cấu, theo TS Cung, không chỉ là cổ phần hóa các DN nhà nước, là huy động nguồn lực, mà chính là phải xem xét phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. TS Nguyễn Đình Cung cho rằng thời gian qua Việt Nam đã quá chú trọng vào huy động nguồn lực, nhưng chưa phân bổ hợp lý là chưa sử dụng hiệu quả nó.

Điều này dẫn đến một nguồn lực rất lớn - 400 tỷ USD, chưa kể các nguồn lực như đất đai, đang nằm trong khu vực Nhà nước và bị lãng phí, trong khi các DN nhỏ và vừa thì chật vật vì không tiếp cận được nguồn lực, mất hết động lực phát triển và vẫn “dặt dẹo” trong mấy năm qua.

“Hiệu quả ở khu vực DN Nhà nước rất thấp, xói mòn tiềm lực và năng lực cạnh tranh của quốc gia. Nhiều dự án đầu tư thua lỗ, mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Rất nhiều dự án đội vốn đến 2-3 lần. Đó cũng là một cách làm xói mòn sự thịnh vượng của quốc gia. Một nền kinh tế mua đắt bán rẻ, không tính đến hiệu quả”.

Ông Cung nhấn mạnh, phải thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực theo hướng hành chính xin – cho đang tạo nên sự sai lệch, kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát. Đột phá về thể chế là phải thiết lập được một hệ thống thị trường về các yếu tố sản xuất – đây cần là một nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế.

Trọng tâm thứ hai phải làm tái cơ cấu khu vực tài chính, không chỉ là thoái vốn, cổ phần hóa DN Nhà nước mà còn phải cơ cấu lại danh mục tài sản của Nhà nước. Nhà nước cần phải rút khỏi kinh doanh, tập trung vào xây dựng thể chế, xây dựng hạ tầng, làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, trong tái cơ cấu ngân hàng phải xử lý dứt điểm và xử lý nhanh nợ xấu. Phải tách rời nhiệm vụ xử lý nợ xấu khỏi việc trừng phạt những người gây ra nợ xấu.

Tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra quá chậm so với kỳ vọng.

Theo ông Cung, đây không phải là khoan dung, cứu rỗi những tổ chức tín dụng yếu kém mà để giảm được tổn thất mà nền kinh tế phải gánh chịu, để đưa nền tài chính hoạt động trở lại một cách bình thường.

TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Tái cơ cấu sẽ thay đổi cấu trúc nguồn lực, quyền lợi nên sẽ có nhiều người phản đối, họ sẽ bảo vệ lợi ích của mình. Do đó, các nhà lãnh đạo phải vượt qua chính mình, phải vượt qua khỏi lợi ích cục bộ ngành địa phương... mới có thể quyết tâm tiến hành một cách hiệu quả

Vấn đề xử lý nợ xấu cũng được nhiều chuyên gia bàn đến tại diễn đàn, trong đó thống nhất việc phải chấm dứt việc “khoanh vùng” nợ như hiện nay. Theo ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 5 năm qua, có 25 tỷ USD nợ xấu đã được đưa ra xử lý, bao gồm 15 tỷ USD xử lý bằng dự phòng rủi ro, từ thu nợ, cấn trừ nợ; cộng với 10 tỷ USD đã chuyển cho VAMC. Mặc dù đã xác định và nhận diện được vấn đề, nhưng việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn chủ yếu là định tính chứ ít có tính định lượng.

Ông Phước cho rằng, nguyên nhân lãi suất cho vay cao ở mức 9%-10%, trong khi lạm phát chưa đến 1% là hệ quả trực diện của nợ xấu. Cũng chính vì nợ xấu mà tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng trong 5 năm gần đây đã giảm 3 lần, từ 12% xuống 4%. Điều này lan tỏa vào chi phí vốn và nền kinh tế phải chấp nhận một chi phí vốn rất cao.

Theo ông Trương Văn Phước, VAMC chỉ là một giải pháp nửa vời, “một cục sâm để các tổ chức tín dụng ngậm từ nhà ra bệnh viện”, vì đằng nào thì cũng phải có “bệnh viện” để xử lý nợ xấu. Ông Phước cho rằng không thể xử lý nợ xấu bằng những câu khẩu hiệu suông. Phải huy động nguồn lực và phải kích hoạt bằng các nguồn lực bên ngoài chứ không phải là cấp phát thông qua con đường ngân sách”.

Nam Phương
.
.
.