Cho vay “tàu 67”:

Vì sao nhiều ngư dân giỏi trở thành “con nợ xấu”?

Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:35
Sau 5 năm thực hiện chủ trương cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, đến nay dư nợ tín dụng là hơn 10.000 tỷ đồng nhưng tỷ lệ nợ xấu lên đến 28% và còn tiếp tục tăng.


Nợ xấu lên tới 28%

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết ngày 31-12-2017 (thời điểm dừng ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 – 2020, với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 9-2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu cũng bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%; tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.

Ví dụ tại tỉnh Quảng Nam, sau 5 năm triển khai Nghị định 67, các NH trên địa bàn tỉnh đã cho vay khoảng 720 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, số nợ xấu đã lên đến 215 tỷ đồng và còn tiếp tục tăng thêm. Trong số 63 tàu đóng mới, có 57 tàu làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, các giải pháp thu nợ của NH cũng bế tắc.

Tương tự, tại Ninh Thuận, không ít tàu đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP chỉ sau thời gian ngắn hạ thủy đi vào hoạt động đã bị thua lỗ, cầm chừng, khó có khả năng trả nợ đúng hạn cho NH. Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đánh giá, “tàu 67” hoạt động không hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Đó là, tính chất đặc thù của ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan về thời tiết, ngư trường, giá nhiên liệu tăng, thiếu lao động đi biển.

Ngoài ra, khả năng tài chính, kinh nghiệm khai thác vùng khơi của các chủ tàu còn hạn chế, một số chủ tàu thiếu quyết tâm, phương án sản xuất không hiệu quả dẫn đến hoạt động thua lỗ, cầm chừng. Bên cạnh đó, quá trình vận hành các trang thiết bị khai thác của một số tàu gặp trục trặc cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian bám biển khai thác, thời gian đi lại sửa chữa nhiều lần làm chi phí sản xuất tăng cao.

Tại một địa phương khác là tỉnh Bình Định, theo đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết hiện có 47 chủ tàu nợ gần 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 104 tỷ đồng, lãi 107 tỷ đồng. "Thực tế này cho thấy chúng ta đã chưa đánh giá được hết tác động không tốt khi triển khai Nghị định 67, có những ngư dân giỏi đã trở thành con nợ xấu", đại biểu Nhường nói và cho rằng để phát triển nghề cá bền vững thì không chỉ cần nâng cấp phương tiện, kỹ thuật mà điều quan trọng là phải đào tạo ngư dân làm chủ tàu vỏ thép…

Xử lý: Liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc cho vay theo Nghị định 67 đang thực sự rất khó khăn, cho cả người vay và NH. Đây hoàn toàn là vốn thương mại của NH cân đối, không phải nguồn vốn ưu đãi Chính phủ.

Theo ông Đào Minh Tú, cơ chế xử lý không chỉ ở NHNN mà còn liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Về phía mình, NHNN cho biết đã chủ động triển khai một số giải pháp. Cụ thể, đối với các ngư dân không trả được nợ NH do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính quy định bổ sung một số nguyên nhân khách quan, bất khả kháng để ngư dân được các NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, theo Nghị định 67 trong thời gian cơ cấu. Đến nay, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 33 tỷ đồng.

Trường hợp chủ tàu gặp khó khăn không trả được nợ vay đến hạn không phải do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định của Bộ Tài chính, các NH theo thẩm quyền đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 110 tỷ đồng nhằm hỗ trợ ngư dân có thời gian thu xếp nguồn trả nợ. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt.

Đến nay, các NH đã chuyển đổi cho 10 chủ tàu, với dư nợ trên 58 tỷ đồng tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Tiền Giang. Đối với trường hợp ngư dân cố tình chây ỳ, không trả nợ, NHNN tiếp tục chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ban chỉ đạo 67 của tỉnh định kỳ tổ chức họp với các ngư dân để đôn đốc nhắc nhở, vận động ngư dân thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ trong quan hệ tín dụng; trường hợp cần thiết có biện pháp xử lý phù hợp.

Theo báo cáo của 4 NHTM nhà nước, hiện có 39 trường hợp đang khởi kiện chủ tàu ra tòa. Đối với trường hợp ngư dân muốn chuyển đổi nghề khai thác do nghề khai thác hiện tại không hiệu quả, NHNN đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc và thống nhất với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để thông báo cho người dân được biết…

Hà An
.
.
.