Vì sao nhiều doanh nghiệp xe khách được tăng tới 60% giá vé?

Thứ Bảy, 31/01/2015, 14:25
Như Báo CAND đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp mạnh để kéo giảm giá cước vận tải ở mức hợp lý, thế nhưng tại Hà Nội, tính đến ngày 30/1, vẫn có 3 doanh nghiệp gửi thông báo đến Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Nam tăng giá vé dịp Tết, với mức tăng từ 20-58%.

Lãnh đạo các bến xe cho biết, họ không thể can thiệp vào giá vé của doanh nghiệp, mà do doanh nghiệp tự xin phép bên ngành Tài chính các tỉnh, thành. Vấn đề đặt ra, với việc xăng dầu 13 lần giảm giá, không có lý gì để các doanh nghiệp tăng mức giá cao như vậy. Lạ ở chỗ vì sao các sở, ngành liên quan lại đồng ý để các doanh nghiệp tăng giá vào dịp này?!

Xăng dầu giảm tới gần 40%, nhưng vẫn có doanh nghiệp tăng giá vé xe tết tới 60%.

Chiều 30/1, ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, hiện trên cả 3 bến xe (Phía Nam, Gia Lâm, Mỹ Đình) có 310 đơn vị vận tải hoạt động với 184 tuyến. Nhưng số đơn vị vận tải đã giảm giá vé hành khách từ tháng 11/2014 đến hết tháng 2 năm 2015 mới chỉ dừng lại ở con số 125 đơn vị (chiếm 40%) với tỷ lệ giảm từ 2% đến 25%.

Giảm thì nhỏ giọt nhưng điều khó hiểu hơn là trong hoàn cảnh xăng dầu giảm tới 13 lần, tương đương 40% mà vẫn có doanh nghiệp vận tải gửi thông báo về Bến xe phía Nam tăng giá phụ thu với mức “phi mã”. Cụ thể, Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Hải Vân tuyến Hà Nội - Đà Nẵng tăng từ 365.000đ lên 580.000đ (58,9%) từ ngày 19/2 đến 6/3; Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và Thương mại Hùng Thắng tuyến Hà Nội - Vĩnh Lộc tăng từ 80.000đ lên 112.000đ (40%) từ ngày 8/2 đến 28/2.

Công ty TNHH Hiền Phước chạy tuyến Hồ Chí Minh (trước tết) tăng từ 880.000đ lên 1.056.000đ từ ngày 31/1 đến 4/2 (20%); tăng từ 880.000đ lên 1.232.000đ (thêm 40%) từ 5-2 đến 9-2; tăng từ 880.000đ lên 1.408.000đ (thêm 60%) từ ngày 10/2 đến 19/2. Cũng nhà xe này, đối với tuyến TP Hồ Chí Minh sau tết mức tăng cũng được điều chỉnh theo từng giai đoạn như sau: 880.000đ lên 1.408.000đ (60%) từ ngày 19/2 đến 25/2; tăng từ 880.000đ lên 1.232.000đ (40%) từ ngày 26/2 đến 1/3.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị chưa nhận được thông báo phụ thu tăng giá vé của các doanh nghiệp hoạt động tại các bến xe Hà Nội. Vị này cũng cho biết thêm, theo Thông tư mới, doanh nghiệp muốn tăng hay giảm giá vé chỉ cần xin phép Sở Tài chính địa phương. Bởi vậy, việc kiểm soát giá vé đối với Sở cũng rất khó khăn.

Nói về việc  tăng, giảm giá vé này, Giám đốc Bến xe khách phía Nam, ông Nguyễn Tất Thành, cũng tỏ ra ngạc nhiên: “Theo bảng danh sách các đơn vị giảm giá vé, việc nhà xe chạy các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình... đồng loạt chỉ giảm 5.000 đồng/lượt. Mức giảm này là quá ít so với mức giảm giá xăng dầu. Thậm chí, Công ty cổ phần và Dịch vụ Phúc Hưng chạy tuyến Giáp Bát - Cẩm Khê chỉ giảm 3.000 đồng”.

Cũng theo ông Thành, hiện nay có rất nhiều nhà xe vẫn “làm ngơ” trước việc giảm giá vé. Đó là HTX Vận tải Hoàng Sơn chạy từ Hà Nội về các huyện của Thanh Hóa; Công ty cổ phần Liên hiệp ôtô Hà Nam Ninh...

Khi PV đặt câu hỏi về việc, liệu có tình trạng các nhà xe “bắt tay” nhau để quyết không giảm giá vé, ông Thành cho rằng vẫn chưa có cơ sở để chứng minh. Bên cạnh đó, từ trước đến nay, thị trường xăng dầu của nước ta nổi tiếng tăng, giảm “ngẫu hứng”. “Nhiều hãng sợ rằng, vừa hôm trước nhận được quyết định giảm giá vé thì ngày hôm sau giá xăng lại tăng khiến họ mất công điều chỉnh”, ông Thành nhận định.

Như vậy, nếu ngành Tài chính không kiểm soát tốt việc tăng, giảm giá vé, thì hàng nghìn lượt khách qua lại các bến xe dịp Tết Nguyên đán sắp tới,  sẽ phải chịu thiệt.

Để đảm bảo quyền lợi, sự an toàn cho hành khách, ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty cổ phần bến xe cũng cho biết: “Các doanh nghiệp chỉ gửi thông báo về cho bến xe, Công ty chỉ còn biết chia sẻ với khách hàng bằng cách chỉ đạo các bến xe không để xảy ra hiện tượng khách lên xe không có vé, nhà xe lấy tiền cao hơn giá vé quy định, lái phụ xe tranh giành khách, ép khách, xảy ra trong sân và ngoài quảng trường trong các ngày này. Nghiêm cấm việc ép khách, ép giá, tham gia dắt khách. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”.

Theo dự báo từ Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, trong 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán Ất Mùi, tại Bến xe Giáp Bát, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng 130-180% so với ngày thường và đạt mức từ 25.000-30.000 lượt khách/ngày. Lượt xe dự kiến là 1.150 lượt xe/ngày (tăng 1,3 lần so với ngày thường).

Tại bến Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng lên hơn 200% so với ngày thường và sẽ đạt ở mức từ 30.000 đến 35.000 lượt khách/ngày. Lượt xe dự kiến là 1.550 lượt xe/ngày (tăng gấp 1,2 lần so với ngày thường) chủ yếu ở các tuyến đường: Vinh, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Phú Thọ, Lào Cai... Tại bến Gia Lâm, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm từ 13.000 đến 15.000 lượt khách /ngày (tăng 200% so với ngày thường). Lượt xe dự kiến là 700 xe (tăng 1,3 lần so với ngày thường) chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cẩm Phả, Bố Hạ, Cầu Gồ...

Thanh Huyền
.
.
.