Vì sao người lao động không mặn mà thị trường Malaysia?

Thứ Sáu, 23/11/2007, 15:48

Theo ông Nguyễn Bá Luận Giám đốc Trung tâm XKLĐ Batimex, về các địa phương bây giờ mà thông báo tuyển lao động đi Malaysia thì không chỉ người dân mà cả cán bộ cũng có tâm lý cho rằng đó chỉ là những công ty nhỏ, làm ăn “cò con” nên họ chẳng muốn tiếp chứ nói gì đến chuyện tuyên truyền giúp.

Chi phí tuyển dụng rẻ, không đòi hỏi trình độ cao, từ nhiều năm qua, Malaysia luôn được coi là thị trường xóa đói giảm nghèo cho lao động phổ thông. Khoảng 100 nghìn người Việt Nam đang làm việc tại nước này. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay người lao động đã không còn mặn mà với thị trường Malaysia.

Chi phí 6 triệu vẫn không ai đi

Không còn hồ hởi như mọi năm, vừa nghe tôi hỏi tình hình thị trường Malaysia, Giám đốc Trung tâm XKLĐ và Thương mại Airserco Nguyễn Xuân Vui ngán ngẩm: “Chưa bao giờ tuyển lao động đi Malaysia lại khó như bây giờ. Hợp đồng thì có cả đống mà không thể nào tuyển được người. Thậm chí về địa phương tuyển lao động, mới nói tuyển đi Malaysia, người ta đã lắc đầu rồi”.

Hiện đối tác Malaysia đang yêu cầu Airserco cung cấp 1.500 lao động nữ để làm việc tại các nhà máy điện tử với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, bởi chủ sử dụng đánh giá rất cao lao động nữ Việt Nam về khả năng nắm bắt công việc nhanh và ít “gây sự”.

Để tuyển được lao động, Airserco đã giảm tối đa chi phí; trong tổng số 20,4 triệu đồng phải nộp, người lao động chỉ đóng trước 6,5 triệu đồng (nếu không có, công ty sẽ giúp để họ vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội), số tiền còn lại sẽ được công ty cho nợ và trừ dần từ tiền lương trong năm đầu tiên sang làm việc tại Malaysia mà không tính lãi.

Trong thời gian 2 tháng học định hướng tại cơ sở đào tạo của công ty, người lao động được miễn phí tiền ăn, ở... Ưu ái đến mức tối đa như vậy nhưng vẫn rất khó tuyển được lao động. “Chúng tôi đã đưa quân đi tuyển cả những nơi xa xôi, đời sống khó khăn nhất nhưng vẫn không có người. Gần hết năm rồi mới đưa được 600 lao động sang”.        

Cũng như ông Vui, Giám đốc Trung tâm XKLĐ Batimex Nguyễn Bá Luận bảo rằng: “Nếu tình hình cứ kéo dài thế này chắc chúng tôi phải bỏ thị trường vì không đủ chi phí cho đội quân tuyển nguồn”.

Trước kia, chỉ đến một xã có thể tuyển được vài chục lao động, nhưng bây giờ đi cả huyện có khi chỉ được 1 người. Vì thế, từ đầu năm tới nay, Batimex mới xuất được có 800 lao động làm việc trong các nhà máy. Số lượng này chỉ bằng 2 tháng của năm 2006, bởi năm ngoái có tháng doanh nghiệp xuất tới 500 lao động.  

Nhưng, đó là tình trạng chung của các doanh nghiệp XKLĐ chứ chẳng riêng gì Batimex hay Airserco. Mặc dù theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến hết tháng 10/2007 đã xuất được 69.371 lao động, trong đó, Malaysia là 23.515 lao động.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số lao động đăng ký đi làm việc tại Malaysia giảm đến mức thê thảm. Nếu như năm 2006, trung bình một doanh nghiệp đưa được vài trăm tới vài  ngàn lao động đi thì năm nay, chỉ còn vài doanh nghiệp tên tuổi đưa đi được trên dưới 1.000 người, còn chỉ được vài trăm thậm chí vài chục.

Nhiều doanh nghiệp vẫn coi Malaysia là thị trường chính, giờ đành bỏ lửng để chuyển hướng sang thị trường khác. Vì nói như ông Nguyễn Bá Luận “về các địa phương bây giờ mà thông báo tuyển lao động đi Malaysia thì không chỉ người dân mà cả cán bộ cũng có tâm lý cho rằng đó chỉ là những công ty nhỏ, làm ăn “cò con” nên họ chẳng muốn tiếp chứ nói gì đến chuyện tuyên truyền giúp”.

Nguyên nhân

Nhìn nhận một cách khách quan thì tình hình hiện nay có trách nhiệm của cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Năm 2002, Malaysia bắt đầu mở cửa với lao động Việt Nam. Trước đó, để sang được Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan  làm việc, ngoài trình độ về ngoại ngữ, tay nghề, người lao động phải có tiền vì chi phí tới cả trăm triệu đồng.

Trong khi đó, đi Malaysia chỉ cần vài chục triệu và không đòi hỏi trình độ cao. Thời điểm đó, đây là thị trường đáp ứng được “cơn khát” đi XKLĐ của rất đông người, chủ yếu là lao động phổ thông ở nông thôn muốn tìm cơ hội đổi đời. Hàng loạt doanh nghiệp đã xin giấy phép.

Và chỉ trong thời gian rất ngắn, hơn 100 doanh nghiệp đã được cấp phép đưa lao động đi Malaysia. Trong bối cảnh người lao động “khát” xuất ngoại, thị trường cần lao động với số lượng lớn, nhất là lĩnh vực xây dựng, vì thế, việc tuyển chọn, đào tạo định hướng cũng được các doanh nghiệp làm cho có lệ bởi mục tiêu là xuất được càng nhiều và nhanh bao nhiêu càng tốt.

Hậu quả của cơn sốt này là chỉ 1 năm sau, đã có cả ngàn lao động Việt Nam phải về nước trước thời hạn do các công trường xây dựng tạm ngừng thi công, do lao động vi phạm kỷ luật. Ngoài ra còn rất nhiều người nộp tiền cho những đường dây lừa đảo... Tất cả những chuyện không hay ấy khiến người lao động bắt đầu không còn hào hứng với thị trường này.

Cho tới cuối năm 2005 và năm 2006, khi tình hình thị trường khả quan trở lại, các doanh nghiệp lại ồ ạt tuyển và đưa đi mà không quan tâm tới chất lượng lao động.

Thậm chí, để cạnh tranh, khi đi tuyển, doanh nghiệp nào cũng nói quá lên về mức lương và công việc khiến không ít người sang mới “vỡ mộng” vì lương thấp, không có làm thêm nên thu nhập chỉ 2 - 3 triệu đồng/ tháng, dẫn tới đình công, và kết cục là về nước, kiện tụng nhau.

Mới đây, tại Công ty Esquel, hơn 1.000 lao động Việt Nam đã đình công vì lương thấp. Những thông tin không hay ấy đã khiến những người muốn đi XKLĐ không còn mặn mà với thị trường này.

Liệu có “hết mưa trời lại hửng"?       

Nhìn vào nhu cầu thị trường, hiện Malaysia vẫn là thị trường rất lớn. Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, ông Fong Chan Onn, Bộ trưởng Nguồn nhân lực Malaysia, cho biết: Malaysia đã quyết định mở rộng đối tượng lao động nước ngoài vào làm việc tại nước này, trong đó có giúp việc gia đình. Hiện lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia được chủ sử dụng đánh giá cao.  

Từ đầu năm 2007, Malaysia đã thay công ty môi giới nhỏ lẻ bằng mô hình công ty thầu công tiếp nhận lao động nước ngoài. Công ty thầu công như một công ty cho thuê lao động, quản lý nhân sự cho chủ sử dụng. Người lao động do công ty này quản lý khi nhà máy phá sản sẽ không phải về nước mà được chuyển sang chủ sử dụng khác.

Tuy nhiên, để đề phòng những rủi ro từ mô hình này, Bộ LĐ-TB&XH mới chính thức cho phép các doanh nghiệp đưa lao động cho các công ty thầu công và yêu cầu thẩm định đơn hàng nghiêm túc.

Malaysia đã cấp giấy phép cho trên 50 công ty thầu công và đưa ra các quy định chặt chẽ như phải ký quỹ tới 600 triệu đồng, nếu công ty thầu công nhận lao động mà không đảm bảo công ăn việc làm, lương thì nhà nước sẽ lấy số tiền ký quỹ này ra trả cho lao động.

Nhưng, là người trong cuộc, ông Nguyễn Xuân Vui cho rằng đã qua rồi cái thời người ta sẵn sàng đi làm ở nước ngoài với mức lương 2- 3 triệu đồng/tháng như những năm trước. Bởi tỉnh nào bây giờ cũng có khu công nghiệp và đang rất cần lao động có nghề.

Trong khi đó, có những người sang Malaysia qua những đơn hàng không tốt, làm cả tháng chỉ được hơn 2 triệu, trừ thuế, chi phí ăn ở chỉ còn vài trăm ngàn/tháng. Vì thế, để lấy lại niềm tin của người lao động, ngoài uy tín doanh nghiệp thì điều quan trọng nhất là phải có những hợp đồng tốt. 

Thời điểm này, để tự cứu mình qua “cơn bĩ cực”, mỗi doanh nghiệp đang tìm mọi cách để giữ thị trường như cam kết với người lao động về việc làm, mức lương hạ chi phí, cam đoan bồi thường nếu công việc và thu nhập không như hợp đồng...

Tuy nhiên, đã đến lúc Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần có những giải pháp tích cực để giữ thị trường lớn này

Nguyễn Thiêm
.
.
.