Vì sao lãi suất cho vay khó giảm?

Thứ Bảy, 12/05/2012, 15:00
Với các tham vọng lợi nhuận “khủng”, một đồng vốn cho ngân hàng đến bốn đồng lời. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, muốn lãi suất giảm, trước hết lợi nhuận của các ngân hàng phải giảm đi. Nhưng sẽ chẳng có ngân hàng nào tự nguyện giảm lợi nhuận nếu không có sự can thiệp bằng cơ chế, chính sách từ Ngân hàng Nhà nước.
>>NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay

Công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất huy động tuần qua phổ biến chỉ còn 2,5-3%/năm đối với tiền đồng gửi không kỳ hạn; khoản gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất cũng chỉ còn 3,5-4%/năm. Nhưng tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên, lãi suất vẫn là 11,5-12%/năm, cao gấp 3 – 4 lần các khoản gửi không kỳ hạn và ngắn hạn dưới 1 tháng. Trong khi đó, lãi suất cho vay ưu đãi hiện phổ biến ở mức 13,5-16,5%/năm.

Đối với cho vay sản xuất kinh doanh thấp nhất là 14,5%/năm, riêng lĩnh vực phi sản xuất hoặc khoản vay trung và dài hạn lãi suất vẫn ở mức 17-20%/năm. Lãi suất cho vay còn khá cao, vì vậy thông tin các ngân hàng giảm lãi suất vào đầu tháng 5 này được nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn chờ đợi.

Lãi suất cao do ngân hàng trục lợi

Hướng dư luận bằng lý do “Nợ quá hạn tăng nhanh, các ngân hàng đều phải tính toán siết chặt các khoản cho vay và duy trì cho vay với lãi suất cao”. Nhưng đến hết quý 1 vừa qua, tỷ lệ nợ quá hạn của nhiều ngân hàng vẫn ở mức an toàn khi chỉ chiếm từ 0,29 – 4,07% tổng dư nợ.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, tình trạng ngân hàng phải huy động tiền gửi có kỳ hạn cao gấp nhiều lần tiền gửi không kỳ hạn chứng tỏ nhiều ngân hàng vẫn ở trạng thái khó khăn về thanh khoản cục bộ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong thanh khoản, phải duy trì lãi suất huy động cao như vậy chủ yếu do ngân hàng dùng tiền gửi ngắn hạn hoặc không kỳ hạn để cho vay trung và dài hạn với lãi suất cao hơn gấp 5 – 7 lần mức huy động nhằm kiếm lợi. Tại thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay ngắn hạn cũng chỉ chiếm hơn 52% tổng dư nợ, còn lại là các khoản cho vay trung và dài hạn.

Duy trì lãi suất đầu vào cao, đầu ra cũng phải cho vay ở mức cao, đây cũng chính là mong muốn của nhiều ngân hàng. Bởi nếu giảm lãi suất huy động và cho vay xuống nữa, các khoản đã vay và cho vay trước đó cũng sẽ phải giảm lãi suất xuống theo.

Khách hàng vẫn chờ đợi các khoản vay lãi suất thấp. Ảnh: Thiện Hoàng.

Khi muốn giảm lãi suất, ngoài chuyện phải thương lượng với từng người gửi tiền, ngân hàng còn lo ngại người gửi tiền sẽ đồng loạt rút tiền ra khi lãi suất bị điều chỉnh giảm mạnh xuống. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã làm ngơ trước mức lãi suất cao ngất ngưởng của các khoản đã huy động và cho vay trước đó. Đã gặp khó trong vấn đề thanh khoản, lại đề phòng rủi ro khi lãi suất cho vay quá cao, nên ngân hàng nào cũng phải “ôm” lại khá nhiều tiền do khách gửi.

Với địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, tổng nguồn vốn huy động 4 tháng đầu năm tuy đạt hơn 905 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Song tổng dư nợ cho vay ra chỉ đạt 760 nghìn tỷ đồng, tăng có 2,5% so với cùng kỳ. Điều này có nghĩa, vẫn còn đến 145 ngàn tỷ đồng tiền gửi của dân cư còn nằm lại ngân hàng.

Còn với Ngân hàng ACB, tổng vốn huy động năm nay kỳ vọng đạt 259.892 tỷ đồng nhưng tổng dư  nợ cũng chỉ có 120.287 tỷ. Cho vay ra ít như vậy nên tỷ lệ nợ xấu từ nhóm 2 trở lên sẽ được ACB giữ ở mức 2%, nợ nhóm 3 trở lên không vượt quá 1%… Phải “cõng” lãi của một phần tiền nằm “chết”; lại cộng cả phần lợi nhuận khá cao của ngân hàng, lãi suất cho vay ra cao hơn mức huy động đến 8 – 9%, thậm chí trên 10%/năm là điều dễ hiểu.

Khách hàng vẫn chờ đợi các khoản vay lãi suất thấp.

Ngân hàng nào cũng đặt mục tiêu “hốt bạc”

Theo thông tin từ bà Quế Minh, đại diện ACB, thì lần giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, vay sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng còn 17%/năm kể từ ngày 4/5 vừa qua của ACB đã là lần giảm lãi suất cho vay thứ 3 liên tiếp chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm. Đua theo các ngân hàng bán lẻ trên, nhiều ngân hàng khác cũng đồng loạt nhập cuộc giảm lãi suất. Hiện tượng này khiến nhiều chuyên gia về tài chính, ngân hàng phải đặt câu hỏi: Nếu không lãi lớn, làm gì có chuyện các ngân hàng tự nguyện giảm lãi suất cho vay nhiều hơn mức hạ lãi suất huy động đến vậy?

Dù đã giảm mạnh lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay, nhưng kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng ACB đưa ra trong ngày họp đại hội cổ đông 30/3 vừa qua cho thấy: Chỉ quyết định tăng vốn điều lệ thêm có 3 ngàn tỷ đồng, song ACB đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.500 tỷ đồng. Đại hội cổ đông của Ngân hàng Phương Nam diễn ra ngày 24/4 vừa qua cũng dự kiến tăng vốn điều lệ từ hơn 3.212 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng trong năm nay. Chỉ tăng vốn thêm hơn 787 tỷ đồng, song mục tiêu lợi nhuận trước thuế được đưa ra cho năm nay là 650 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm trước.

Với HDBank, dù mức thực hiện năm trước chỉ đạt hơn 321 tỷ đồng so với chỉ tiêu 566 tỷ. Song lợi nhuận được đặt ra cho năm nay trong ngày đại hội cổ đông 27-4 vừa qua còn tiếp tục ở mức 645 tỷ đồng. Cũng chỉ có mức vốn điều lệ đạt gần 5.000 tỷ đồng và sẽ tăng lên 6.000 tỷ đồng trong năm nay, thì chỉ tiêu lợi nhuận Ngân hàng Đông Á xây dựng cho năm 2012 đã ở mức 1.500 tỷ đồng…

Với các tham vọng lợi nhuận “khủng” trên, một đồng vốn của các ngân hàng đã cho đến bốn đồng lời. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, muốn lãi suất giảm, trước hết lợi nhuận của các ngân hàng phải giảm đi. Nhưng sẽ chẳng có ngân hàng nào tự nguyện giảm lợi nhuận nếu không có sự can thiệp bằng cơ chế, chính sách từ Ngân hàng Nhà nước.

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: Đã cơ bản kiểm soát được tổ chức tín dụng yếu kém

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khi trả lời phỏng vấn về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: NHNN phối hợp với các ngân hàng thương mại (NHTM) lành mạnh tích cực hỗ trợ thanh khoản bảo đảm khả năng chi trả của NHTMCP yếu kém và hệ thống các TCTD. Hiện tại, chi trả tiền gửi của dân cư tại các TCTD yếu kém diễn ra bình thường, không xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt với quy mô lớn. Thanh khoản của hệ thống các TCTD đã được cải thiện rõ rệt, nhờ đó góp phần quan trọng cho việc thực hiện chủ trương giảm mặt bằng lãi suất. Điều quan trọng là huy động vốn ở nhiều NHTMCP yếu kém đang triển khai cơ cấu lại không bị giảm và các khoản tiền gửi mới tại các NHTMCP đó đã trở lại, cho thấy lòng tin của công chúng được duy trì ổn định ngay từ đầu quá trình cơ cấu lại các TCTD.

Đến nay, NHNN về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các NHTMCP yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn hệ thống đã được giảm thiểu. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động thị trường tiền tệ, tín dụng diễn ra bình thường và theo chiều hướng tích cực hơn kể từ khi triển khai các biện pháp cơ cấu lại các TCTD. Kỷ cương, kỷ luật thị trường tiền tệ được nâng cao. Một số NHTMCP đã và đang tiến hành sáp nhập, hợp nhất theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thời các NHTMCP này tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại tài chính, hoạt động và quản trị sau sáp nhập, hợp nhất.
Nhiều NHTMCP yếu kém đã và đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước tăng vốn và tham gia xử lý những khó khăn tài chính, đổi mới hệ thống quản trị. Trong tương lai gần, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện với sự giám sát chặt chẽ của NHNN.

Với một số ý kiến còn nghi ngờ về hiệu quả của việc hợp nhất, sáp nhập các NH, là phép cộng các NH yếu kém, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Chủ trương của Nhà nước và NHNN không coi sáp nhập, hợp nhất là điểm kết thúc hay mục tiêu của cơ cấu lại TCTD. Việc sáp nhập, hợp nhất giữa các TCTD lành mạnh với nhau; TCTD lành mạnh với TCTD yếu kém; giữa các TCTD yếu kém với nhau không phải là phép cộng số học. Sáp nhập, hợp nhất chỉ biện pháp cơ cấu lại pháp nhân, vì vậy nó cũng chỉ là một trong nhiều biện pháp cơ cấu lại và trong nhiều trường hợp là bước đi đầu tiên trong chuỗi các hành động cơ cấu lại TCTD cụ thể.

Hà An

Đ.T.
.
.
.