Vì sao giá phân urê nhập từ Trung Quốc lại rẻ?

Thứ Năm, 28/07/2005, 08:48

Khi tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, giá urê có lúc lên tới 7.000đ/kg thì hàng vạn tấn phân giá rẻ đã ồ ạt nhập vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Nhờ hàng vạn tấn phân "chữ nho" (trên bao bì) giá rẻ này, thị trường trong nước đã hạ nhiệt.

Đã gần hai tháng xảy ra hiện tượng phân urê Trung Quốc lần đầu tiên được nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, tại bến sông Ka Long lúc nào cũng túc trực hàng chục chiếc đò chất đầy những bao phân urê chờ làm thủ tục nhập khẩu. Xuôi hạ lưu chừng 500m, các cảng chuyển tải Thọ Xuân, Ninh Dương lúc nào cũng hàng đôi, hàng ba những tàu lớn có trọng tải từ 300- 500 tấn đang hối hả bốc xếp hàng để nhanh chóng quay về các địa phương tiêu thụ. Ước tính, lượng giao dịch ở khu vực này không dưới 1.000 tấn/ngày.

Các doanh nghiệp nhập dòng phân giá rẻ cho biết, với giá gốc trên dưới 3.000đ/kg, cộng VAT và chi phí vận chuyển, giá bán từ 4.300 - 4.400đ/kg là cũng đã lời chừng 200 - 300đ/kg. Trong trường hợp không có giấy phép, việc đi tìm một doanh nghiệp có chức năng để ủy thác nhập khẩu tại Móng Cái cũng chẳng mấy khó khăn. Cần nói thêm, trong khi các hoạt động XNK khác tại cửa khẩu Móng Cái có vẻ trầm lắng thì sự tất bật trong các giao dịch mua bán phân urê đã làm cho vùng biên ải này trở nên sôi động.

Giá rẻ vì sao?

Trong khi giới "nghiệp dư" hồ hởi bao nhiêu trước thương vụ mới mẻ thì các "đại gia" chuyên ngành vật tư nông nghiệp lại tỏ ra rất bức bối trước hiện tượng này. Cùng mặt hàng phân urê do Trung Quốc sản xuất nhưng các tổng công ty nhập chính ngạch, về đến Cảng Hải Phòng, gạn hết nước, bỏ cả phí bảo hiểm vận tải đường biển, giá thành vẫn không thể thấp hơn 5.000đ/kg. Chính vì vậy, các "đại gia" không khỏi nghi ngờ chất lượng phân urê giá rẻ, phân "chữ nho" (?!)

Một chủ doanh nghiệp cho biết: "Chúng tôi đàm phán kỹ mua tận gốc và lựa chọn các nhà máy sản xuất gần biên giới Việt Nam để giảm cước phí vận tải nên giá thành đương nhiên phải rẻ". Một doanh nghiệp khác lý giải: "Tuy đây là thời vụ sản xuất nông nghiệp chính của mình, nhưng với họ thì chưa phải lúc. Do đó, phân urê tại Trung Quốc cung nhiều hơn cầu. Chúng tôi vẫn mang cao su, nông sản, thủy sản… ra Móng Cái xuất hàng nhưng không lấy tiền mà đặt điều kiện bên mua thanh toán bằng… phân urê với giá áp đặt. Phương tiện khi quay về tránh được không tải. Chỉ hai yếu tố này thôi đã có thể vô tư hạch toán giá thành cạnh tranh với các tổng công ty lớn".

Giám đốc một công ty cổ phần XNK ở tỉnh Hà Tây lại bày tỏ sự thẳng thắn của mình: "Đã nhiều năm nay, mặt hàng phân bón dường như chỉ do các tổng công ty lớn chuyên doanh, các doanh nghiệp nhỏ không dám chen chân. Sao không đặt vấn đề ngược lại, phân urê rẻ thế sao lại nhập với giá cao? Liệu có phải xuất phát từ căn bệnh cố hữu: “Độc quyền".

Và cách nhìn nhận của Hải quan

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Móng Cái, tuy đây là lần đầu tiên mặt hàng này được nhập qua biên giới đường bộ, Hải quan chỉ thận trọng xem xét chứ không hề có điều gì khuất tất bởi các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, phân urê không nằm trong giới hạn XNK về chính sách mặt hàng của Nhà nước, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này đều đáp ứng đầy đủ các điều kiện như có chức năng kinh doanh vật tư nông nghiệp, phân bón.

Thứ hai, qua khảo sát các kênh thông tin chuyên ngành, chưa có cơ sở nào để nói rằng giá phân urê trên thị trường thế giới đang tăng cao.

Thứ ba, không có chuyện khai báo gian dối về giá hoặc nhập lậu để trốn thuế. Đơn giản, Quyết định 46/QĐ-BTC của Bộ Tài chính quy định rõ: Thuế nhập khẩu mặt hàng này thuộc diện đặc biệt ưu đãi (=0, VAT=5%) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh góp phần bình ổn giá phân trong thời vụ sản xuất quan trọng của cả nước. Một khi không có thuế nhập khẩu thì khai gian giá để làm gì?

Hơn ai hết, doanh nghiệp biết rất rõ: giá khai trên hợp đồng còn phải qua quá trình tham vấn, điều tra bằng nghiệp vụ. Nếu bị phát hiện khai thấp thì doanh nghiệp không được hưởng thuế suất ưu đãi. Họ chẳng dại gì tiếc rẻ khoản thuế VAT 5% tính trên giá khai để gian dối và phải gánh chịu thuế suất thông thường với chi phí lớn hơn nhiều lần

Lê Minh Triết
.
.
.