Vì sao doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng cao?

Thứ Hai, 12/06/2006, 15:01

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2006, Nhật Bản có 656 dự án được cấp phép tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 6,7 tỷ USD. Hiện Nhật Bản đang đứng vị trí thứ 3 trong tổng số 74 nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng lại là nước có vốn thực hiện cao nhất với hơn 4,7 tỷ USD.

Riêng trong quý I/2006 đầu tư của đất nước hoa anh đào vào Việt Nam tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm ngoái. 78,6% nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam dự định mở rộng kinh doanh. Một số nhà đầu tư Nhật Bản tập trung các ngành sản xuất linh kiện máy móc vận tải và linh kiện điện, điện tử từ các nước láng giềng  cũng đang có xu hướng chuyển hẳn và mở rộng làm ăn sang Việt Nam.

NIDEC - tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư vi điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông hiện có hai công ty đang hoạt động ở khu chế xuất Tân Thuận. Tập đoàn này sẽ tiếp tục xây dựng thêm 3 công ty ở khu công nghệ cao TP HCM trong 5 năm tới với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD. Mới đây nhất, Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) (Nhật Bản) đã ký thỏa thuận hợp tác với Cục Đầu tư nước ngoài nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác được ký kết, SMBC sẽ tổ chức nhiều cuộc hội thảo giới thiệu về môi trường đầu tư Việt Nam tới các nhà đầu tư Nhật Bản. Đây cũng là một trong những động thái tích cực giúp nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiểu rõ hơn môi trường đầu tư Việt Nam. Mặt khác, nếu đầu tư vào môi trường này họ cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía SMBC. Dự báo trong vài năm tới, đầu tư của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng ở Việt Nam.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến giới đầu tư Nhật Bản ngày càng chú ý đến môi trường đầu tư Việt Nam là tình hình xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng cao, chi phí sản xuất thấp, lực lượng lao động tốt và một thị trường đầy tiềm năng. Việt Nam có ưu thế là nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam đang đứng đầu ở các ngành sản xuất linh kiện và thiết bị điện, điện tử; đứng thứ hai ngành sản xuất máy móc vận tải và nhựa; là một trong ba nước đứng đầu về sản xuất linh kiện máy móc vận tải. Đây là những ngành nghề mà giới doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng đầu tư ở Việt Nam.

Bên cạnh những lợi thế mà chúng ta đang có, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn còn có nhiều hạn chế mà không chỉ giới doanh nghiệp Nhật Bản mà hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đang có ý định đầu tư đều "phân vân". Đó là trình độ cán bộ nghiên cứu và đội ngũ kỹ sư chưa đồng đều; phát triển công nghiệp phụ trợ vẫn ở mức thấp so với nước khác; trong sáu ngành công nghiệp chủ lực thì chúng ta còn yếu về ngành hóa chất; khả năng quản lý lao động còn kém; cơ sở hạ tầng còn thua xa các nước; thủ tục hải quan còn rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp

Anh Huy
.
.
.