Vì sao chưa mạnh tay với doanh nghiệp vận tải?

Thứ Tư, 03/12/2014, 09:18
Giá xăng - nguyên liệu đầu vào đối với sản xuất kinh doanh liên tục giảm sâu, nhưng giá cả dịch vụ và hàng hóa, đặc biệt là ngành vận tải vẫn “trơ lỳ” không giảm giá theo. Mãi đến khi cơ quan chức năng “sốt ruột” phải đồng loạt ra quân thanh kiểm tra, giá mới chịu hạ cầm chừng. Với xu thế tiếp tục giảm giá của xăng, liệu giá cả có tiếp tục đi xuống, hay mỗi lần bị sờ gáy, bị ép thì mới giảm? Có chế tài nào cho thực trạng này?
Cho đến thời điểm này, giá xăng đã một mạch cắm đầu đi xuống, mất tới 20% giá trị và theo nhận định của thị trường, giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục đi xuống. Người người, nhà nhà, ngành ngành đã thực sự được hưởng lợi từ sự đảo chiều của giá “vàng đen”. Ngành “bở” nhất phải kể đến vận tải. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, theo thông tin kiểm tra của Bộ Tài chính, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải ôtô chưa thực hiện kê khai giảm cước.

Điều đáng nói là không hiểu sao các DN này vẫn “trụ” được qua đợt kiểm tra của ngành Tài chính vào tháng 11/2014. Cụ thể, trước đó, “sốt ruột” về việc giá xăng dầu liên tục giảm sâu, nhưng giá cước vận tải vẫn án binh bất động, chiều 6/11, Bộ Tài chính đã chính thức có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo DN vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và giá các yếu tố đầu vào. Thế rồi, nhắc nhở, yêu cầu chưa đủ, cơ quan này đã phải thành lập 3 đoàn kiểm tra trên cả 3 miền về việc thực hiện giảm giá của các DN vận tải.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại Hà Nội, các DN kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2-10%; kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4-3,9%. Ở TP Hồ Chí Minh, nhiều DN kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9%, vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá 2-11,33%. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, các DN kinh doanh dịch vụ taxi kê khai giảm giá từ 3-32%, các DN vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2-6,7% so với giá liền kề...

Với nền kinh tế, việc các DN vận tải giảm giá đã có những tác động rất tích cực. Chỉ số CPI tháng 11 đã giảm 0,27% so với tháng trước. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tháng 11 tăng lên 52,1 điểm so với mức 51 điểm của tháng 10. Kết quả khảo sát của HSBC cho thấy, có sự cải thiện đáng kể nhất về điều kiện kinh doanh trong thời gian 5 tháng qua. Sản lượng ngành sản xuất ở Việt Nam trong tháng 11 đã tăng tháng thứ mười bốn liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 4. HSBC cho rằng giá cả đầu vào đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2012, góp một phần vào việc giảm giá cả đầu ra tháng thứ hai liên tiếp, khi các công ty chuyển phần chi phí tiết kiệm được sang cho khách hàng.

Không giảm giá, các doanh nghiệp vận tải thể hiện văn hóa kinh doanh kém.

Rõ ràng lợi ích của việc giảm giá xăng dầu đến nền kinh tế là rất tích cực. Trong điều kiện sản xuất kinh doanh còn khó khăn, giá thành đầu vào giảm là cơ hội để nền kinh tế khởi sắc. Song, mặc cho bạn bè, đồng nghiệp giảm giá, một số DN vận tải còn lại vẫn không có động thái gì, như… chưa hề có cuộc kiểm tra. Ngày 1/12, một lần nữa, Bộ Tài chính lại phải lên tiếng yêu cầu kiểm soát giá vận tải.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải bằng xe ôtô phù hợp với biến động giảm của giá xăng dầu; đôn đốc, yêu cầu các DN vận tải ôtô kịp thời tính toán lại giá thành, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với tác động giảm của giá xăng dầu vào giá cước vận tải. Mạnh tay hơn, trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, kết hợp với thanh tra chấp hành pháp luật về thuế đối với DN vận tải ôtô trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xem ra, đã đến lúc Bộ Tài chính quyết liệt vào cuộc để “ép” các DN vận tải giảm giá. Nhưng, trong các văn bản đưa ra, các DN chưa giảm giá vẫn không hề bị nêu đích danh, không hề có mức phạt nào dành cho thái độ trơ lỳ. Điều này đã vô hình trung đánh đồng những DN đã giảm giá trước đó (dù thực tế, hầu hết việc giảm giá của các DN chủ yếu cũng bị nhắc nhở mới chịu thực hiện). Có lẽ đã đến lúc cần phải có một chế tài thực sự để xử phạt các DN làm ăn chụp giật, phi thị trường. Bức xúc về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng: “Hiện nay, kinh doanh vận tải là do các DN tự định giá, chứ không phải là giá theo quy định, bởi vậy, cần phải có các biện pháp “ép” DN vận tải thực hiện "cuộc chơi" công bằng hơn”, ông Long đề nghị.

Đề xuất đưa cước vận tải vào danh mục “quản giá”

Ngày 1/12/2014, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 177/2013/NĐ-CP để tăng cường quản lý giá cước vận tải ôtô. Văn bản nêu rõ, giá cước vận tải trên thực tế luôn là yếu tố cấu thành quan trọng trong giá thành sản phẩm, dịch vụ, do đó nhân dân luôn quan tâm, theo sát mỗi diễn biến, biến động của giá cước vận tải. Quan trọng là vậy nhưng hiện nay, giá cước vận tải bằng xe ôtô lại thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Chính vì thế, xảy ra một thực tế là thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng các DN vận tải vẫn chưa kịp thời điều chỉnh giảm giá cước vận tải. Điều này gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Điều 3 quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo Nghị định 177, đề nghị bổ sung cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hóa vào danh mục bình ổn giá để các cơ quan quản lý giá có thể quản lý chặt chẽ và bình ổn giá cước vận tải khi cần. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung tất cả các loại giá cước vận tải bằng xe ôtô đều bắt buộc kê khai.

PV
Lệ Thúy
.
.
.