Vì sao cá tra rớt giá bất thường?

Thứ Hai, 02/06/2008, 08:49
Mới đây, giá cá tra nguyên liệu tại vùng nuôi cá số 1 của Việt Nam - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bỗng rớt xuống thê thảm khiến người nông dân lao đao. Ngày 30/5, PV Báo CAND đã có mặt tại Thốt Nốt - địa phương có diện tích nuôi cá tập trung nhất ĐBSCL, ghi nhận thực trạng đáng ngại này.

Anh nông dân Nguyễn Nhật Trường thuộc xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt cho biết, đây là hầm cá anh thuê lại của người khác với giá 20 triệu đồng/năm. Lượng cá dưới hầm hiện khoảng 100 tấn.

Ngày 19/5 vừa qua, anh đã ký hợp đồng bán cho Công ty TNHH XNK thuỷ sản T.M. ở Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) với giá 14.200 đồng/kg. Anh Trường cho biết: “Hơn 10 ngày trôi qua, phía doanh nghiệp viện lý do này, lý do nọ để chậm bắt cá. Vậy là mỗi ngày, mình tốn đứt 2 tấn thức ăn, trị giá 16 triệu đồng".

Theo lời anh Trường, vào đầu vụ thả nuôi, giá thức ăn chỉ ở mức 5.800 đồng/kg (loại 22% đạm) nhưng nay đã vọt lên 8.000 đồng/kg. Giá thức ăn tăng nhưng chất lượng đã giảm rõ rệt.

Hoàng - một tay nuôi cá cũng có tiếng ở Thốt Nốt kể: "Hồi trước, chỉ sau thời gian 6 tháng là cá vào lứa thu hoạch, bán. Nhưng nay, phải nuôi tới 8 tháng, thậm chí kéo dài cả năm. Trước đây, để nuôi được cá đạt trọng lượng 1 kg, người nuôi chỉ mất 1,52 kg thức ăn. Nhưng nay thì phải tăng lên 1,8 kg thức ăn”.

Nông dân nuôi cá phải đổ tiền triệu hàng ngày xuống hầm nhưng giá cá vẫn hết sức bất thường (Ảnh: PV).

Anh Đào Tấn L., chủ đại lý thức ăn cho cá có hạng ở gần cầu Thốt Nốt cho biết, vào thời giá cá tra đang ổn định, trung bình mỗi ngày anh bán được 200 tấn thức ăn. Nhưng nay thì chỉ 10 tấn là nhiều. Lý do đơn giản, anh bị gần 20 người nuôi cá nợ số tiền khoảng 10 tỉ đồng, bằng 90% vốn lưu động kinh doanh của đại lý anh. Trước đây, anh vẫn cho bà con thiếu nợ đến 50% giá trị lượng thức ăn nhưng giờ thì không thể vì họ nợ quá lâu.

Chỉ có những hầm cá của doanh nghiệp có điều kiện khép kín (nuôi, chế biến thức ăn và chế biến cá file xuất khẩu) mới dám đầu tư thả nuôi. Còn lại, doanh nghiệp bình thường, tức chỉ nuôi cá, thậm chí có nhà máy chế biến thức ăn cũng đang nhát tay.

Dự kiến năm nay, con cá tra xuất khẩu sẽ mang về cho đất nước 1,2 tỉ USD. Như vậy, con cá tra hiện chỉ đứng sau hạt gạo xuất khẩu với dự kiến thu về 1,7 tỉ USD. Nhưng tình trạng giá cả diễn biến bất thường như thế này, không biết sẽ thế nào.

Sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp gian lận, ép giá thu mua cá tra, ba sa

Sáng 1/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa.

Hiện nay, các doanh nghiệp và cá nhân nuôi cá tra, cá ba sa đang gặp phải rất nhiều khó khăn như giá cả lương thực, thực phẩm đều tăng nhưng giá cá tra, cá ba sa lại giảm từ 2,7 USD/kg xuống 2,32 USD/kg; giá nguyên liệu đầu vào tăng, lạm phát tăng cao nên phải thắt chặt tiền tệ…

Sau khi nghe các tỉnh nêu khó khăn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đến việc phải giải quyết nguồn vốn để các doanh nghiệp thu mua khoảng 300.000 tấn cá cho người dân từ nay đến tháng 8/2008. Cụ thể, mỗi tỉnh có thể giới thiệu n hững doanh nghiệp đủ khả năng để Ngân hàng Nhà nước giải quyết khó khăn về vốn.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến phương án hoàn thiện cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi cá thông qua các loại hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cơ chế xúc tiến thương mại. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, sẽ có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp gian lận thương mại, ép giá nông dân trong việc thu mua cá tra, ba sa.

Binh Huyền - Ngọc Yến
.
.
.