Vì sao DN khó cạnh tranh ngay trên sân nhà

Thứ Tư, 11/06/2014, 09:11
Mặc dù mức lãi suất của Việt Nam hiện nay đã giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước, nhưng so với mặt bằng lãi suất của các nước khác trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn cao. Điều này đã và đang gây sức ép rất lớn, khiến doanh nghiệp (DN) trong nước khó cạnh tranh với DN nước ngoài cả trong lĩnh vực xuất khẩu lẫn ở thị trường nội địa.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, nếu không sớm hạ nhanh lãi suất về ngang bằng các quốc gia khác thì nền kinh tế nói chung, cộng đồng DN nói riêng, sẽ khó có sự tăng trưởng nhanh và ổn định trong trung và dài hạn.

Tại nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ, trao đổi giữa đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các hiệp hội DN trên địa bàn Hà Nội, liên quan đến cơ chế tín dụng cho DN, đại diện các DN, các hiệp hội DN đều cho rằng, mặc dù đã giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước, song lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn cao nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nữ Hà Nội cho biết: Theo phản ánh của các hội viên, lãi suất thực tế mà họ đang vay ngân hàng vẫn rất cao, có những DN hiện vẫn phải vay với lãi suất 14-15%. Bởi vậy, bà Hương đề xuất, các ngân hàng cần tích cực giảm lãi suất các khoản vay cũ cho DN để họ có thêm cơ hội phát triển sản xuất - kinh doanh, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài ngay trên chính thị trường nội địa.

Việc phải chịu mặt bằng lãi suất cao đã khiến cho doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài có cùng sản phẩm ngay trên sân nhà. Ảnh: Thiện Hoàng.

Về phía DN, Đại diện Công ty cổ phần Bao bì và In nông nghiệp Hà Nội cũng cho rằng, sau thời gian cho vay khá thoáng, dẫn đến nợ xấu, các ngân hàng đã “co” tín dụng lại nên nhiều DN vừa qua có dự án tương đối tốt nhưng tiếp cận vốn lại khó khăn hơn. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tuy đã giảm mạnh, song vẫn còn ở mức cao nếu so sánh với mặt bằng các quốc gia khác trong khu vực. Điều này vô tình giảm khả năng cạnh tranh của DN trong nước ngay chính trên sân nhà.

Chia sẻ với những lo lắng trên của DN,TS. Lưu Đức Hải, Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: Việc phải chịu mặt bằng lãi suất cao so với các nước khác trong khu vực và thế giới trên thực tế đã khiến cho khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam bị sụt giảm không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà còn gặp khó ngay ở thị trường nội địa. Theo phân tích của TS. Lưu Đức Hải, đối với xuất khẩu, các DN của Việt Nam mặc dù đã được hưởng ưu đãi nhưng vẫn đang vay với lãi suất là 8 - 10%/năm. Trong khi đó, DN của các nước có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam lại đang vay với lãi suất thấp hơn nhiều, chẳng hạn như Trung Quốc là 6,6%, Thái Lan là 6,9%, Malaysia là 4,9%. “Dù lãi suất cho vay đã giảm phân nửa so với những năm 2010, 2011, nhưng việc phải vay với mức lãi suất cao hơn từ 1,4-2 lần so với các nước khác như hiện nay đang làm cho hàng hóa của Việt Nam khó cạnh tranh, làm suy yếu dần các DN xuất khẩu” - TS. Hải khuyến cáo.

Mặt khác, tại thị trường nội địa, đa số các DN Việt Nam đang vay với lãi suất 10 - 13%/năm, trong khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nếu vay ở chính quốc để đầu tư vào Việt Nam thì mức lãi vay thấp hơn nhiều. Từ nhiều năm nay, tại các nước có đầu tư nhiều ở Việt Nam như Mỹ có lãi suất ổn định là 3,3%/năm, Nhật Bản là 1,5%, Hàn Quốc là 4,7%, Đài Loan là 2,9%.

Theo đề xuất của TS. Lưu Đức Hải, NHNN cần có chính sách giảm dần lãi suất cho vay quá cao hiện nay xuống ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới thông qua sử dụng linh hoạt chính sách lãi suất. Theo đó, NHNN có thể áp dụng chính sách lãi suất thực âm trên cơ sở tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ lợi ích giữa người gửi tiền, ngân hàng và DN. “Năm 2008, khi lạm phát ở mức 22%, Việt Nam cũng đã sử dụng chính sách lãi suất thực âm này. Còn trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia sử dụng thành công chính sách lãi suất thực âm khi nền kinh tế suy thoái, như: Trung Quốc vào các năm 2004, 2008; Mỹ năm 2004.

Do đó, NHNN nên xem xét, cân nhắc sử dụng yếu tố lạm phát cơ bản thay cho lạm phát toàn phần trong tính toán điều hành chính sách lãi suất để hạ lãi suất huy động, làm căn cứ cho việc hạ lãi suất cho vay. Điều này sẽ giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh trên cả thị trường xuất khẩu và nội địa” - TS. Lưu Đức Hải cho hay.

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, NHNN nên áp trần lãi suất cho vay để nhanh chóng thúc đẩy quá trình hạ lại suất, tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn và giảm chi phí đầu vào cho DN. Tuy nhiên, đề cập đến tính khả thi của phương án này, Thống đốc NHNN - Nguyễn Văn Bình cho rằng: NHNN đã nghiên cứu kỹ vấn đề này và cho rằng, nếu quy định trần lãi suất cho vay thì sẽ dẫn tới hiện tượng cào bằng trong hoạt động cho vay của các ngân hàng đối với các DN, không phân biệt được DN hoạt động tốt, DN hoạt động xấu, loại hình DN cần ưu tiên phát triển và công tác điều hành của NHNN vì thế cũng sẽ gặp khó khăn

Hà An - H.Thanh
.
.
.