Vì sao Công ty Vàng Bồng Miêu tinh chế và bán ở nước ngoài?

Thứ Ba, 07/06/2011, 10:28
Công ty Vàng Bồng Miêu thuê phía Nam Phi tinh luyện từ vàng doré thành vàng 99,99 với giá khoảng 0,5 USD/ 1 ao-xơ vàng. Đặc biệt, vàng 99,99% tinh luyện được bán ngay tại nước ngoài. Tiền thu bán vàng là tiền đô la Mỹ, từ nguồn thu trực tiếp này, Công ty Vàng Bồng Miêu có ngoại tệ để thanh toán các chi phí mua bán vật tư thiết bị của nước ngoài, trả nợ vay, v.v…

Chỉ còn khoảng 5 năm nữa, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (gọi tắt là Công ty Vàng Bồng Miêu) sẽ hết phép hoạt động khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu, Quảng Nam. Trong hơn 20 năm qua, doanh nghiệp này đã khai thác được bao nhiêu vàng tại mỏ vàng này và đem bán ở đâu, mang lại nguồn lợi gì cho nền kinh tế nước nhà?...

Công ty Vàng Bồng Miêu sử dụng xe chuyên dụng khai thác vàng trong hầm lò ở núi Kẽm.

Mỏ vàng Bồng Miêu ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam), cách TP Tam Kỳ chừng 35km về hướng Tây Nam. Tháng 3/1991, Công ty Vàng Bồng Miêu là "liên doanh tay ba" giữa Công ty Olympus Pacific Minerals (Canada) với hai đối tác Việt Nam là Công ty Phát triển khoáng sản và Công ty cổ phần Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam, được cấp phép khai thác mỏ vàng Bồng Miêu trong 25 năm trên diện tích khoảng 32km2. Tuy nhiên, mất một thời gian khá dài cho việc thăm dò, xây dựng nhà máy, đến cuối năm 2005, Công ty Vàng Bồng Miêu mới chính thức thông báo đi vào hoạt động khai thác mỏ vàng Bồng Miêu bằng những phương tiện khai thác quặng và tuyển rửa vàng hiện đại, tiên tiến nhất.

Công ty Vàng Bồng Miêu dự đoán trong diện tích vùng mỏ được phép khai thác sẽ thu về được 3.108.700 tấn quặng, tương ứng 408.900 ao-xơ (OZ) vàng. Ông Trần Hà Tiên - Tổng Giám đốc Công ty Vàng Bồng Miêu, cho biết: Hàm lượng vàng bình quân được khai thác ở Bồng Miêu có khác nhau tùy theo từng địa điểm. Cụ thể như ở mỏ Hố Gần, một tấn quặng có từ 2,5gam đến 3gam vàng; núi Kẽm có khoảng 5-6 gam/tấn; phía Đông Bồng Miêu từ 2-2,5 gam/tấn...

Theo báo cáo của Công ty Vàng Bồng Miêu: Từ năm 2006 đến ngày 31/1/2011, doanh nghiệp đã khai thác được tổng cộng 1.228,44kg vàng (tương đương 39.495,53 OZ) và 411,93kg bạc (tương đương 13.243,66 OZ). Qua đó, Công ty Vàng Bồng Miêu đã thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước (bao gồm các loại thuế: môn bài, tài nguyên, VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân…), cùng với tiền thuê đất, phí bảo vệ môi trường là hơn 79,418 tỉ đồng…

Ông Tiên cho hay: Dự án khai thác vàng Bồng Miêu có tổng vốn đầu tư đăng ký là 40 triệu USD. Riêng về vốn góp của các nhà đầu tư là 3 triệu USD, trong đó phía nước ngoài 2,4 triệu USD và phía Việt Nam là 600 nghìn USD. Do đó, việc ăn chia, phía nước ngoài hưởng 80%, còn phía Việt Nam chỉ 20%. Đáng quan tâm là sau khi quặng vàng được về nhà máy xay nghiền, tuyển rửa, ngâm chiết trong hóa chất, làm cho vàng trong quặng được hòa tan trong dung dịch cyanua, đưa vào thùng hấp thụ than hoạt tính để thu hồi vàng cho vào lò thiêu kết, nung chảy đúc thành vàng thỏi doré (sản phẩm hợp kim vàng và bạc), Công ty Vàng Bồng Miêu đưa sản phẩm này ra nước ngoài tinh luyện tách riêng bạc và nâng chất lượng vàng lên thành vàng 99,99% mà không nhập máy móc hiện đại về nước để tinh luyện.

Vàng thỏi doré được đúc tại Nhà máy Vàng Bồng Miêu.

Vì một số nhà máy trên thế giới chuyên tinh luyện vàng thuê cho các mỏ. Trong đó có những nhà máy có công suất rất lớn; trong đó lớn nhất là Nhà máy Rand Refinery ở Nam Phi tinh luyện toàn bộ vàng khai thác được của Nam Phi và khắp châu Phi, công suất có lúc lên tới 2,5 tấn/ngày và từ lúc được thành lập năm 1920 đến nay nó đã tinh luyện trên 40 ngàn tấn vàng. Giá cả tinh luyện từ vàng doré thành vàng 99,99 đối với 1 OZ vàng là khoảng 0,5 USD là rất rẻ, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư…

Đặc biệt, vàng 99,99% tinh luyện được bán ở nước ngoài, không tái nhập lại bán trong nước. Vì theo giải thích của ông Tiên: Bán vàng tại nước ngoài, tiền thu được sau khi trừ chi phí tinh luyện, còn lại chuyển thẳng vào tài khoản của Công ty Vàng Bồng Miêu. Tiền thu bán vàng là tiền đô la Mỹ, từ nguồn thu trực tiếp này, Công ty Vàng Bồng Miêu có ngoại tệ để thanh toán các chi phí mua bán vật tư thiết bị của nước ngoài, trả nợ vay, v.v… Nếu nhập vàng trở lại để bán trong nước thì tiền thu là tiền Việt Nam. Việc mua USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trang trải các khoản nói trên là rất khó khăn…

Nói về trữ lượng vàng trong diện tích được phép khai thác, ông Trần Hà Tiên cũng phân tích cho rằng, khái niệm "trữ lượng" được hiểu khác nhau giữa ngôn ngữ thông thường và ngôn ngữ "chuyên ngành". Ngôn ngữ chuyên ngành địa chất mỏ quan niệm con số khối lượng quặng được thăm dò đầy đủ, có số liệu tin cậy để thiết kế khai thác và khai thác có hiệu quả kinh tế thì đó là "trữ lượng"; còn số liệu thăm dò địa chất ở mức tin cậy thấp hơn, nghĩa là chưa được thăm dò đầy đủ chi tiết, số liệu chưa ở mức tin cậy cao để có thể thiết kế khai thác và chưa được đánh giá về mặt kinh tế thì không gọi là trữ lượng mà gọi là "tài nguyên".

Theo ông Tiên, với cách hiểu nôm na trên, hiểu đúng nghĩa trữ lượng thì trong diện tích 230ha được phép khai thác ở Bồng Miêu có "trữ lượng" khoảng 2 tấn vàng. Còn nếu nói đến "tài nguyên" thì xấp xỉ là 8 tấn vàng. Trong diện tích giấy phép đầu tư tính ra số liệu "tài nguyên" khoảng trên 20 tấn vàng...

Long Vân
.
.
.