Vi phạm sở hữu trí tuệ: Cần có biện pháp xử lý mạnh

Thứ Năm, 15/10/2009, 10:37
Theo thống kê của Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ, trong 3 năm (2006-2008) thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), các tỉnh phía Nam đã có 19.167 vụ xâm phạm quyền SHTT bị xử lý với tổng số tiền xử phạt hơn 16 tỷ đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng vi phạm này ngày càng nghiêm trọng với xu hướng gia tăng do mức xử lý vi phạm của cơ quan thực thi chưa cao…

 Hàng loạt mặt hàng vi phạm SHTT

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặt hàng vi phạm SHTT khá đa dạng từ hàng thấp cấp đến cao cấp, xuất hiện ở khắp nơi từ cửa hàng, chợ, siêu thị, đến Trung tâm thương mại (TTTM)…

Thời gian qua, các lực lượng kiểm tra đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm SHTT có số lượng và trị giá lớn như: rượu ngoại, mỹ phẩm, xe gắn máy, hàng may mặc, túi xách giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, đồng hồ Chanel, Bvlgari, giầy dép Pierre Cardin… bán trong các TTTM cao cấp.

Tại TP HCM, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính sở hữu công nghiệp (SHCN) với 176 bộ sản phẩm máy xay đa năng giả mạo nhãn hiệu "Magic Bullet & Hình" và 99 quyển hướng dẫn sử dụng xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu "Magic Bullet & Hình" của Công ty Homeland Housewares - LLC (Hoa Kỳ) đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Ngoài tang vật tiêu hủy, 2 công ty vi phạm là Công ty T.P (phường Cô Giang, quận 1) và Siêu thị điện máy CP (quận 5) cũng bị cơ quan chức năng xử phạt hơn 79 triệu đồng.

Do xử lý chưa mạnh tay

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Cục SHTT tại TP HCM cho biết, khi Việt Nam là thành viên WTO thì các rào cản thương mại dỡ bỏ ngày càng nhiều. Vì vậy, hàng hóa lưu thông trên thị trường rất lớn nên đây là môi trường lý tưởng cho nạn sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái gia tăng.

Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, những kẻ sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái, áp dụng công nghệ cao, hiện đại để thực hiện.

Do vậy, việc xác định hàng thật và hàng giả rất khó khăn. Về khách quan, chúng ta có đường biên giới và địa hình quá phức tạp, số lượng, chủng loại hàng giả, hàng nhái sản xuất từ nước ngoài nhập trái phép vào Việt Nam rất lớn nên việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật phục vụ việc phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT chưa đồng bộ.

Trên thực tế, Luật SHTT (Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006) cũng chỉ mới dừng lại ở hàng giả mạo về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Trong khi đối tượng của quyền SHTT còn cả kiểu dáng công nghiệp và sáng chế. Đặc biệt, từ 1/7/2006 Luật SHTT 2005 có hiệu lực thi hành thì lại thiếu hẳn cơ quan giám định về SHCN nên các cơ quan thực thi khó khăn trong việc giải quyết, xử lý…

Luật sư Nguyễn Thị Hương - Công ty Luật TNHH V.N.I.P cho biết, theo các quy định của Luật SHTT, khi có hành vi xâm phạm quyền SHTT xảy ra, các biện pháp để bảo vệ có thể được áp dụng để xử lý vi phạm là xử lý hành chính, xử lý hình sự hoặc chủ sở hữu khởi kiện tại tòa án.

Tuy nhiên, có một số điều luật chưa sát với thực tế hoặc việc áp dụng, xử lý các hành vi vi phạm của một số cơ quan chức năng chưa thật nghiêm nên việc ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng nhái trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao.

… Để ngăn chặn hàng rởm

Luật sư Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái có hiệu quả thì doanh nghiệp phải là người chủ động. Khi phát hiện những hành vi vi phạm, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo với cơ quan chức năng để cùng phối hợp, xử lý theo phương thức hữu hiệu nhất. Ngoài ra, ý thức của người tiêu dùng cũng chưa cao nên tình trạng hàng nhái, hàng giả vẫn còn đất sống...

Ông Nguyễn Thanh Bình thì cho rằng, cơ quan Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng có tính răn đe cao hơn. Chú trọng việc đào tạo cho đội ngũ thực thi Luật SHTT. Cơ quan Nhà nước cần minh bạch thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để thuận tiện trong việc chống hàng giả, phổ biến vấn đề này đến người tiêu dùng…

Về lâu dài, phải tăng cường vai trò của tòa án về thực thi quyền SHTT tiến tới giải quyết những vi phạm về SHTT bằng con đường tư pháp.

Vì vậy, vấn đề cấp thiết là đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ thẩm phán chuyên sâu về SHTT cũng như tính đến việc thành lập Tòa chuyên trách xét xử vi phạm SHTT... 

K.Ngân
.
.
.