Lãng phí Cụm công nghiệp ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định:

Vì đâu nên nỗi?

Thứ Tư, 08/04/2015, 08:11
Thời gian qua, để xây dựng cụm công nghiệp (CCN) nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, huyện Tây Sơn (Bình Định) đã thu hồi một lượng lớn đất sản xuất của người dân. Đáng nói, nhiều diện tích đất sau khi bị thu hồi lại chậm triển khai hoặc xây dựng xong nhưng không có nhà đầu tư thuê, rơi vào tình trạng bỏ hoang lãng phí.

CCN Nước Xanh thuộc xã Bình Nghi thành lập năm 2007, địa thế đẹp, với diện tích 37,9ha do Công ty cổ phần CCN Cầu Nước Xanh làm chủ đầu tư. Sau nhiều năm triển khai, chủ đầu tư chỉ xây dựng được một dãy nhà kho giữa cánh đồng trơ trọi; trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng ở CCN vẫn chưa hoàn thiện.

Để thành lập CCN Nước Xanh đã có 40ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương bị thu hồi, song lại không phát huy được tác dụng. Nhìn cả vùng đất rộng mênh mông để hoang với những nhà xưởng trơ giàn kết cấu thép đã hoen gỉ vì nắng mưa, những người nông dân nơi đây không thể kìm lòng.

Theo ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi tính toán: Năm 2007 trở về trước, trong 40ha đất canh tác tại CCN Nước Xanh, địa phương cho đấu giá quyền sử dụng đất, bình quân mỗi sào cho thuế 800 ngàn đồng/mùa vụ. Giả sử quỹ đất này không bị thu hồi, 7 năm qua, số tiền thu về ngân sách cũng được vài trăm triệu đồng.

Còn tại CCN Hóc Bợm rộng 35,7ha, đến nay, dù đã có 144 cơ sở sản xuất lò gạch, ngói thủ công và 4 công ty sản xuất gạch, ngói theo công nghệ Hoffman đang hoạt động cũng đang đứng trước nguy cơ phải bỏ hoang. Trước đây, hướng phát triển chủ yếu của CCN này là nhằm di dời các cơ sở sản xuất gạch, ngói nung thủ công nằm trong khu dân cư vào hoạt động tập trung.

Người dân lo lắng vì cuối năm 2016, các cơ sở sản xuất gạch, ngói nung thủ công ở CCN Hóc Bợm phải chấm dứt hoạt động.

Tuy nhiên, theo lộ trình của huyện Tây Sơn, đến cuối 2016, tất cả các lò sản xuất gạch, ngói nung thủ công trên địa bàn huyện phải chấm dứt hoạt động, đồng nghĩa, sau năm 2016, tất cả các cơ sở sản xuất gạch, ngói nung thủ công đang hoạt động trong CCN Hóc Bợm sẽ phải bị khai tử.

Tương tự, dù nằm sát quốc lộ 19, CCN Phú An, xã Tây Xuân được thành lập 2004 với diện tích gần 20 ha. Sau 11 năm đi vào hoạt động, CCN đã thu hút được 29 dự án đầu tư, tuy nhiên hiện chỉ có 11 doanh nghiệp đi vào hoạt động; các doanh nghiệp còn lại chỉ mới xây dựng tường rào và một phần nhà xưởng rồi bỏ hoang.

Theo ông Võ Văn Dũng, Trưởng ban Quản lý CCN huyện Tây Sơn, dù trên địa bàn huyện hiện có 12 CCN lớn, nhỏ đã đưa vào sử dụng và do địa phương quản lý, song hầu như việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, công ty vào đầu tư còn hạn chế. Tại nhiều CCN, quỹ đất bị bỏ hoang khá lớn diện tích sử dụng chỉ từ 5-50%. Nguyên nhân do công tác chọn địa điểm quy hoạch CCN không hợp lý.

Hơn nữa, công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa mang tính đột phá, công tác xúc tiến đầu tư còn hạn chế; một số dự án đầu tư xây dựng ở CCN còn kéo dài. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở một số dự án, công trình còn chậm. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng như hệ thống cấp thoát nước, điện, đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, chất thải tại CCN xây dựng còn thiếu đồng bộ.

Ông Dũng dẫn chứng: CCN Hóc Bợm do không có đường vận chuyển riêng biệt, nên phải vận chuyển qua khu dân cư. Điều này đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, khiến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của bà con bị đảo lộn. Công tác khắc phục, xử lý tình trạng này địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Dũng cho biết: “Hiện nay, đơn vị đang rà soát, thống kê lại các ngành nghề; qua đó, sớm có phương án chuyển đổi, quy hoạch lại, tham mưu cho UBND huyện, trình UBND cho ý kiến. Riêng về CCN Nước Xanh, huyện đã ra tối “hậu thư” cho chủ đầu tư, hạn chót đến cuối năm 2015, nếu nhà đầu tư không hoàn thiện các hạng mục để sản xuất, huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh Bình Định thu hồi giấy phép”.

Để các CCN phát triển bền vững, ông Dũng kiến nghị: Cần hỗ trợ kinh phí để huyện xây dựng cơ sở hạ tầng trong các CCN; sớm ban hành các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ quy hoạch chi tiết, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông, lưới điện… để thu hút các nhà đầu tư.

Hoàng Nguyên
.
.
.