Vào tù để được… tự do

Chủ Nhật, 06/02/2005, 11:24

Đó là lựa chọn của Trần Ngọc Giao, một trong những nhân vật chính trong vụ án tham nhũng tại Tổng công ty Dầu khí Việt Nam. Giao đã quyết định trở về Việt Nam sau hành trình trốn chạy dài ngày ở nhiều nước theo đạo diễn của “cấp trên”.   

Có lẽ trong suốt cuộc đời mình, Trần Ngọc Giao, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH InterPet Việt Nam, trụ sở đặt tại số 132 đường Bacu, phường 3, Tp. Vũng Tàu, sẽ không bao giờ quên được buổi tối ngày 3/11/2002. Khi ấy, anh ta vừa từ hội chợ triển lãm công nghiệp ở Singapore về và đang ăn cơm với vợ con tại nhà riêng thuộc quận Tân Bình, Tp.HCM thì chuông điện thoại di động đột ngột reo lên. Giao nghe giọng Trần Quang, em rể mình và cũng là người đã bỏ tiền, thành lập Công ty InterPet Việt Nam. Quang nói: “Có anh Tư Độ muốn gặp anh đấy”.

Tư Độ là ai, Giao không hề biết. Thậm chí họ của Tư Độ là gì, Giao cũng chẳng hay. Giao chỉ biết Tư Độ có người nhà làm ở Công ty Vietnam General Industry, trụ sở tại phố Hàng Chuối, Hà Nội và theo lời Trần Quang, thì: “Anh Tư là người có quan hệ lớn, đang muốn hợp tác với mình để làm ăn trong lĩnh vực cung cấp vật tư, thiết bị trong ngành khai thác dầu khí”. Hồi ấy, đầu năm 2002, Quang đã cử Trần Ngọc Giao ra Hà Nội, gặp gỡ Tư Độ. Sau đó, Giao biết rất nhiều lần, Tư Độ bay vào, tiếp xúc với Trần Quang, khi thì ở Vũng Tàu, khi tại Tp.HCM.

Lúc máy điện thoại được Trần Quang chuyển cho Tư Độ, Giao nghe Tư Độ nói một câu ngắn gọn: “Ở Hà Nội có nhiều chuyện hay lắm, ông mua vé máy bay ra ngay bây giờ đi”. Nhìn đồng hồ, đã hơn 8 giờ tối nên Giao trả lời: “Mai thì được chứ lúc này làm gì còn máy bay mà bay”. Giọng Tư Độ bỗng nhiên rất lạnh: “Vậy thì ông kiếm xe, ra Nha Trang gấp. Tại đó sẽ có người đón”.

Buông chiếc điện thoại xuống, Trần Ngọc Giao thẫn thờ. Từ lúc làm Trưởng đại diện cho Công ty InterPet của Cộng hòa Liên bang Nga tại Việt Nam, cho đến khi Trần Quang mở tài khoản của 3 công ty Talika, Laverton, InterPet tại Chi nhánh Ngân hàng Deustche tại Tp.HCM, thì Giao đã biết đó chỉ là những công ty “ảo”. Lúc Trần Quang thành lập Công ty TNHH InterPet Việt Nam, rồi bố trí cho Giao làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giao đã theo lệnh Trần Quang, rút tiền từ tài khoản của 3 công ty trên, chi cho nhiều người, lần chi nhiều nhất lên đến 100.000 USD, nhưng chi về việc gì thì Giao không rõ.

Khi Liên doanh Vietsopetro và Viện Corall tham gia đấu thầu, thực hiện thi công khối block nhà ở cho 140 công nhân trên giàn khoan, Trần Quang phân công Giao mua sắm thiết bị, tổ chức thi công, lắp đặt. Dưới sự chỉ đạo của Trần Quang, Giao đã sai nhân viên sử dụng pháp nhân Viện Corall để làm giả bảng kê khai đóng gói hàng hóa, vận đơn, với số tiền cao hơn thực tế, nhằm giúp Quang chiếm đoạt khoản chênh lệch này. Với gói thầu sửa chữa ballast của giàn khoan Đại Hùng 1, Trần Quang cũng bảo Giao mua thiết bị, vật tư, thuê mướn một số đơn vị khác tham gia. Rồi lại chính Giao và mấy nhân viên Công ty InterPet Việt Nam, làm giả hóa đơn thương mại để chiếm đoạt tiền. Với những “phi vụ” ấy, Trần Ngọc Giao “được thưởng” 70.000 USD trong tổng số 2,4 triệu USD mà Trần Quang rút được.

9 giờ 30 phút tối, Trần Ngọc Giao leo lên chiếc taxi của Hãng Airport Taxi sau khi nhét túi 3.000 USD, và nói dối vợ con, rằng mình phải đi công tác. Linh tính báo cho Giao biết vụ việc làm giả hóa đơn, chứng từ của Viện Corall đã đổ bể. Mờ sáng, xe đến Nha Trang, Giao thuê khách sạn và trong lúc đang chập chờn với giấc ngủ muộn, đợi người đến gặp thì 10 giờ, Tư Độ lại gọi cho Giao, yêu cầu Giao đi Đà Nẵng ngay.

Trên đường từ Nha Trang đi Đà Nẵng, Giao nhận thêm một cú điện thoại của Trần Quang. Quang nói: “Nếu anh không mệt thì chạy thẳng ra Hà Nội”. Tại Hà Nội, người tài xế đã giới thiệu cho Giao một khách sạn, để Giao trú chân. Ở Hà Nội, Giao có rất nhiều bạn bè, chiến hữu, bởi lẽ Giao đã từng học 6 năm tại Khoa Hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, mặc dù Tư Độ đã bảo rằng, Hà Nội có chuyện hay lắm nhưng anh ta biết, Trần Quang, Tư Độ gọi Giao đi gấp thế này, chắc chắn là có liên quan trực tiếp đến việc làm giả hợp đồng để rút tiền từ Vietsopetro. Chính vì thế, anh ta không dám gặp ai, không dám thò mặt ra ngoài.

Đêm hôm ấy, nằm trong khách sạn, Trần Ngọc Giao thức trắng. Mờ sáng, Trần Quang gọi, rồi Tư Độ gọi. Cả hai đều bảo Giao phải tạm thời lánh sang Trung Quốc mấy bữa vì tình hình “căng” lắm: “Anh nên đi theo đường tiểu ngạch – là đường mòn cửu vạn dùng để cõng hàng từ Trung Quốc về Việt Nam – chứ đừng đi công khai bằng hộ chiếu”. Nghe xong câu ấy, Giao sợ vãi linh hồn, hứa sẽ đi ngay nhưng suốt 3 ngày sau đó, Giao ở lì trong khách sạn. Bản thân Giao suy nghĩ, rằng trong vụ làm giả hồ sơ chứng từ, anh ta chỉ thực hiện theo lệnh Trần Quang chứ không phải là kẻ chủ mưu. Hơn nữa, Giao vẫn tin Trần Quang, Tư Độ có thể “chạy” cho êm nên Giao cố tình nấn ná. Chỉ đến lúc Tư Độ gọi lại, và nói rằng muốn gặp Giao ở Singapore, để thu xếp cho Giao một việc làm cho đỡ buồn, rồi khẳng định Tết này (2003), Trần Ngọc Giao sẽ ăn tết thoải mái ở nhà với vợ con, thì Giao mới quyết định sang Trung Quốc.

Trưa 24/11/2002, Trần Ngọc Giao có mặt ở thị trấn Bằng Tường, Trung Quốc. Cuối năm, thời tiết lạnh lẽo càng làm cho anh ta thêm nhớ nhà. Trong một lần đi uống cà phê, Giao tình cờ quen với một thiếu nữ Trung Quốc tên là Lý, 23 tuổi. Do thường xuyên buôn bán với bạn hàng Việt Nam, nên Lý nói tiếng Việt khá sõi. Sau mấy lần gặp gỡ, trò chuyện, cô Lý bằng lòng đi... du lịch với Giao. Thế là, ngày 27, Trần Ngọc Giao cùng Lý, lên máy bay đi Malaysia.--PageBreak--

Từ Malaysia, hai người bay tiếp qua Singapore. Cuối tháng 11, Giao gặp Tư Độ. Trong cuộc gặp gỡ này, Tư Độ cho Trần Ngọc Giao biết: Hiện Tổng công ty Dầu khí đang có tranh chấp, ảnh hưởng đến Trần Quang và Giao là người đại diện cho Quang trong kinh doanh nên Giao bị “soi”. Mặc dù không đồng tình với những gì Tư Độ nói, nhưng Giao vẫn rất hoang mang. Mặt khác, lỡ bỏ trốn rồi thì dù muốn dù không, cũng phải ở lại chờ Tư Độ và Trần Quang “giải quyết”. Điều làm Giao thất vọng nhất là trong suốt buổi gặp gỡ, Tư Độ chẳng đả động gì đến chuyện tìm cho anh ta một việc làm như đã hứa, mà Tư Độ chỉ quan tâm xem Giao ăn ở ra sao. Lúc chia tay, Tư Độ đưa Giao 3.000 USD, đồng thời cho anh ta số điện thoại của một người bạn ở Singapore, dặn nếu cần thêm tiền thì cứ gọi đến số máy này.

Những ngày tháng ở Singapore, Malaysia là những ngày rất nặng nề. Trần Ngọc Giao ăn rồi, chỉ nằm dài trong phòng coi tivi, đọc báo, thỉnh thoảng mới đi chơi đây đó. Tết đến, Giao vẫn không được về nhà sum họp với vợ con như Tư Độ đã hứa, nên Giao qua Băng Cốc, Thái Lan. Lúc ấy, trong tư tưởng, Trần Ngọc Giao đã muốn trở lại Việt Nam rồi ra sao thì ra nhưng anh ta vẫn sợ. Nhất là khi người nhà Giao từ Việt Nam gọi sang, báo cho biết là công an đã đến Liên doanh Dầu khí Vietsopetro, Xí nghiệp PTSC để thu thập tài liệu thì Giao càng sợ. Ăn không ngồi rồi, gần cạn tiền, Giao trở lại Singapore, điện cho người quen của Tư Độ, hỏi mượn 5.000 USD và sau đó, Giao lang thang nơi này, nơi kia cho khuây khỏa.

Mãi tới tháng 5/2003, Tư Độ mới từ Việt Nam qua tìm Giao. Cùng đi với Tư Độ, có một người nữa. Tư Độ nói: “Mọi việc ở nhà rất tốt, trong tháng 7/2003, tất cả sẽ giải quyết xong, nhưng anh cố ở thêm một thời gian”. Giao phản ứng: “Tôi không thể ở thêm được nữa. Tôi sẽ tự về Việt Nam”. Tư Độ cười nhạt: “Tôi với Trần Quang giúp anh là có ý tốt. Tôi không liên quan gì cả. Còn nếu anh cứ nhất định về thì tùy anh. Tuy nhiên, anh nên gặp bạn tôi một chút”.

Mặc dù chẳng biết bạn Tư Độ là ai, nhưng Giao vẫn sang phòng Tư Độ. Tại đây, bạn Tư Độ khuyên Giao phải suy nghĩ cẩn thận: “Anh hãy xem gương Nguyễn Mạnh Trung, Dương Minh Ngọc trong vụ Năm Cam. Công trạng của họ đầy mình mà vẫn phải “nhập kho” như thường. Anh là cái quái gì”. Những lời nói ấy, tác động rất mạnh đến Giao. Tư Độ bồi thêm: “Anh cứ yên tâm ở lại. Tôi sẽ thu xếp cho anh mau chóng gặp vợ con. Chỉ một thời gian ngắn thôi, khi mọi việc xong xuôi, anh sẽ đàng hoàng trở về. Coi như anh đi công tác dài ngày vậy”.

Ngày lại qua ngày, sự trở về càng lúc càng mù mịt. Đầu tháng 7/2003, Tư Độ điện thoại, báo tin rằng vợ con Trần Ngọc Giao đã sang Singapore theo một tour du lịch, và họ đang chuẩn bị đi Malaysia. Giao vội vã lên đường đến Malaysia. Trong cuộc gặp gỡ, Trần Ngọc Giao thống nhất với vợ con, rằng Tết 2003, cả nhà sẽ  ăn tết ở Băng Cốc, rồi cùng trở lại Việt Nam. Giao suy nghĩ nếu mình quay về, chắc chỉ bị Cơ quan Điều tra gọi lên để... làm rõ mà thôi. Tâm sự với vợ con, anh ta thể hiện nỗi ê chề của cuộc đời trốn tránh. Thậm chí Giao còn nói: “Thà rằng về, chịu sự xử phạt của pháp luật rồi vào tù để được... tự do, còn hơn là phải sống như thế này”.

Sum họp với vợ con mấy ngày, khi chia tay, Trần Ngọc Giao cảm thấy cô độc hơn bao giờ hết. Mang tâm trạng của kẻ trốn tránh, Giao luôn có cảm giác là mình sẽ bị bắt bất cứ lúc nào. Nhiều đêm, một tiếng động nhỏ cũng làm anh ta giật mình và thậm chí, Giao khủng hoảng đến nỗi đã định tìm vào Sứ quán Việt Nam để... đầu thú. Rất nhiều lần anh ta đến quầy bán vé máy bay, nhưng rồi lại chần chừ. Giữa tháng 12, Tư Độ mới tìm gặp Giao, cho Giao biết là mọi việc... rất tốt nhưng Giao vẫn phải ở nước ngoài một thời gian nữa(?!). Khi Giao hỏi tại sao, Tư Độ trả lời: “Có những việc Trần Quang làm mà anh không biết. Nhưng với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty InterPet Việt Nam, anh vẫn phải đứng mũi chịu sào”.

Quá ngán ngẩm, và biết rằng Tư Độ chỉ muốn kéo dài thời gian, Giao giấu, không cho Tư Độ biết ý định của mình đã bàn với vợ. Quyết định về nên anh ta điện thoại cho vợ, bảo vợ Tết đừng qua nữa. Sau đó, Trần Ngọc Giao mua vé. Nhưng vì từ trước giao thừa đến mùng 4 Tết, tất cả các hãng hàng không có đường bay đến Việt Nam đều không còn vé, nên Trần Ngọc Giao lên đường bằng chuyến bay số hiệu 852 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam vào chiều mùng 6 Tết. Giao cũng tắt luôn máy điện thoại di động vì nếu Trần Quang biết Giao quay về thì sẽ ngăn cản.

19 giờ 30 phút ngày 27/1/2004, Trần Ngọc Giao đặt chân xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, và lập tức bị Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an bắt theo lệnh truy nã, ban hành ngày 7/7/2003. Trong túi Giao, chỉ còn 1.000 USD và chiếc điện thoại di động.

Đến ngày 23/3, tới lượt Trần Quang vào trại tạm giam rồi sau đó là Dương Quốc Hà, Phó tổng giám đốc phụ trách thương mại Liên doanh Vietsopetro; Nguyễn Quang Thường, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam; Cao Duy Chính, Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ cơ khí hàng hải, thuộc PTSC...

Kết quả điều tra cho thấy Trần Ngọc Giao đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản với vai trò đồng phạm, thực hiện tích cực... Tuy nhiên, với những gì mà Trần Ngọc Giao đã khai báo thành khẩn trước Cơ quan An ninh Điều tra và khắc phục những thiệt hại về tài chính, chắc chắn tòa án sẽ xem xét và có lượng khoan hồng

Vũ Cao
.
.
.