Vàng thau lẫn lộn

Thứ Hai, 17/12/2007, 11:22
Phần lớn các loại linh kiện điện tử được bán tại chợ Nhật Tảo chủ yếu là hàng Trung Quốc, hàng nhập lậu, hàng giả… Các đơn vị gia công thường tìm đến đây mua linh kiện với giá rẻ để về lắp ráp. Sau đó, gắn các nhãn hiệu nổi tiếng để bán giá rẻ hơn hàng chính hãng…

Ngày 5/12, Đội QLTT Tân Phú phối hợp với Công an phường Hiệp Tân (Tân Phú) triệt phá một xưởng sản xuất tivi giả lớn chưa từng thấy.

"Găm" hàng giả chờ tung ra thị trường…

Bám theo xe tải BKS 43H - 3423 rời kho hàng của Công ty TNHH TM XNK Hưng Nghiệp (số 1B/KC Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, Tân Phú), lực lượng kiểm tra phát hiện xe tải này vận chuyển 190 bộ vỏ, mạch dẫn, nắp sau tivi loại 14" và 150 cái điều khiển tivi (không có hoá đơn, chứng từ, không nhãn hàng hóa) để đi tiêu thụ tại chợ Nhật Tảo (chợ điện tử nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh).

Từ nguồn hàng này, lực lượng kiểm tra đã tiến hành khám xét 2 kho chứa hàng của Công ty Hưng Nghiệp, phát hiện số lượng rất lớn các loại linh kiện tivi (Trung Quốc sản xuất) gồm: 6.494 bộ vỏ, bo mạch, loa tivi; 5.000 cái điều khiển từ xa, 107,5kg nhãn hiệu Sony, Samsung…

Tất cả đều không có nhãn hàng hóa và chủ kho hàng chưa xuất trình đủ các hóa đơn, chứng từ có liên quan. Ngoài ra, tại đây cũng đang thực hiện lắp ráp tivi nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…

Từ những vụ bị phát hiện, cũng như theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ điện tử Nhật Tảo, vào thời điểm gần cuối năm, chợ này buôn bán nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, phần lớn các loại linh kiện điện tử bán tại đây chủ yếu là hàng Trung Quốc, hàng nhập lậu, hàng giả… với số lượng lớn. Các đơn vị gia công thường tìm đến chợ Nhật Tảo để mua linh kiện với giá rẻ để về lắp ráp. Sau đó, gắn các nhãn hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng để bán giá rẻ hơn hàng chính hãng…

Cảnh giác với kiểu khuyến mãi "đầu voi đuôi chuột"!

Mọi năm, đồng hành với dịp cuối năm cũng là lúc thị trường điện máy điện tử rộ lên hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá. Mục đích của các đơn vị bán hàng là muốn thông tin đến người tiêu dùng rằng, đây là cơ hội đích thực để người tiêu dùng mua được hàng chính hãng với giá rẻ.

Theo đó, có nhiều mặt hàng giảm giá lớn đến 60 - 70%, có cả những mặt hàng giảm đến 90%. Việc giảm giá quá lớn này khiến người tiêu dùng dù khó tính mấy cũng háo hức, đi mua hàng giảm giá để không bỏ lỡ cơ hội.

Trao đổi với chúng tôi, một số nhà sản xuất khẳng định: Nhà phân phối chỉ cần giảm giá ở mức 40 - 50% so với giá niêm yết thì cũng đã nắm chắc phần lỗ. Nhưng tại sao các đơn vị lại chấp nhận phải bán lỗ? Bởi vì, mức hoa hồng và các khoản ưu đãi khác mà nhà phân phối được hưởng từ nhà sản xuất sẽ dựa trên doanh số bán hàng.

Như vậy, mục đích cuối cùng của các nhà phân phối là làm sao bán được thật nhiều hàng để đạt doanh số cao. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng khuyến cáo, các mặt hàng khuyến mãi thường có model lỗi thời hoặc là hàng để lâu bị trầy xước và kém chất lượng.

Có không ít trung tâm điện máy muốn "câu" khách hàng đến trung tâm mua sắm bằng cách "giảm giá lớn hàng loạt mặt hàng với số lượng có hạn", và khi khách hàng ùn ùn kéo đến để tranh nhau mua hàng giảm giá thì lúc này trung tâm mua sắm tạo ra cơn sốt khan hiếm giả tạo. 

Nhận diện chung thị trường điện máy, điện tử trong mùa mua sắm cuối năm, chúng tôi thấy: Các loại hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu chủ yếu tập trung bán ở các cửa hàng không có thương hiệu, các cửa hàng ở vùng ven, ngoại thành.

Với các điểm kinh doanh này, giá bán sản phẩm thường rẻ hơn hàng chính hãng khoảng 1/3 giá tiền. Còn các trung tâm, siêu thị nguồn hàng đáng tin cậy hơn, nhưng người tiêu dùng cũng phải cảnh giác không loại trừ hàng trôi nổi trà trộn vào

K. Ngân
.
.
.